Nhiều gia đình có quan niệm, cứ hễ sinh con một hoặc con cầu con khẩn là phải yêu thương đứa trẻ đó hết mực, muốn gì được nấy, thậm chí có thể biến mình thành “nô lệ” để cung phụng con như một ông, bà hoàng. Họ thiển cận nghĩ rằng, vì khó khăn lắm mới sinh được con, nên cần phải dồn hết tình cảm, vật chất để “bảo vệ” con không bị tổn thương về mặt tinh thần cũng như thể xác. Tuy nhiên, quan niệm đó đã phản tác dụng.
Anh Quang – trưởng phòng một công ty địa chính than thở với bạn bè là dạo này dạy con khó quá. Nhà chỉ có mỗi cậu con trai nên vợ chồng anh dồn hết tình thương về phía con, cho con những gì tốt đẹp nhất. Được chiều từ bé, muốn gì được nấy nên Bin – con anh Quang được thế ỷ lại, coi ba mẹ, ông bà như cỗ máy sai khiến. Mới học lớp 7 thôi nhưng Bin đã được ba mẹ sắm cho một cái máy tính bảng hàng hiệu để… chơi game! Trong phòng Bin có rất nhiều món đồ chơi cao cấp như ô tô, xe gắn máy, máy bay điều khiển từ xa… do anh Quang và các cô, các bác ở nước ngoài gửi về cho. Đến trường, Bin thấy bạn có thứ gì là về đòi ba mẹ hoặc ông bà phải mua cho bằng được. Bạn bè hỏi sao lại sắm cho con những thứ đắt tiền như thế, anh phân trần nhà chỉ có một đứa con, lại là cháu đích tôn của cả dòng họ, nên phải chiều con như thế.
Nhiều tháng nay, chị Ngọc – giám đốc một công ty may mặc tư nhân đau khổ đến độ hao mòn sức khỏe vì cô con gái cưng hư hỏng, khó dạy bảo. Cô bé chỉ mới 15 tuổi thôi mà đã biết yêu và dọa sẽ bỏ nhà đi bụi nếu vợ chồng chị không cho quen cậu bạn cùng lớp. Điều này làm vợ chồng chị cứ đau đáu mãi.
Vợ chồng chị hiếm muộn, chạy chữa ở nhiều bệnh viện lớn, tốn rất nhiều tiền mới sinh được một cô công chúa bụ bẫm. Tuy chồng chị thích con trai, nhưng do là con cầu con khẩn nên cả hai mừng đến phát khóc.
Nhiều gia đình có con một cũng lâm vào cảnh khó xử như anh Quang, chị Ngọc khi cảm thấy con mình càng lớn càng trở nên khó bảo. Đó là do họ quá cưng chiều con ngay từ lúc còn thơ dại. Việc cha mẹ dồn hết sự quan tâm, yêu thương vào đứa trẻ sẽ khiến trẻ luôn cảm thấy mình là “trung tâm của vũ trụ”, tạo cho trẻ có thói quen được bao bọc, cung phụng, nuông chiều. Điều này cũng sẽ khiến những đứa trẻ con một khi lớn lên thường không có tính tự lập, yếu ớt và thiếu tin tưởng ở bản thân, thậm chí có trẻ còn có tính ích kỷ, ỷ lại. Chúng luôn cảm thấy “mất phương hướng” một khi không còn ba mẹ bên cạnh mình và sự trầm cảm, nghĩ quẩn là điều rất dễ xảy ra.
Tuy nhiên, không phải ai là con một cũng như thế. Nhiều người cho biết, tuy là “vật gia bảo” nhưng từ nhỏ, ba mẹ đã dạy cho trẻ cách sống tự lập, sống có kỷ luật, hòa đồng với thế giới bên ngoài, đặc biệt là không quá đề cao vị trí độc tôn của trẻ. Nhờ thế khi bước vào đời, tuy có vấp ngã nhưng con cái có đủ bản lĩnh để đứng dậy, vượt qua cam go của cuộc đời mà không hề ỷ lại, trông cậy vào sự giúp đỡ của cha mẹ.n
Đặng Trung Thành
Bình luận (0)