Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Con một và cha mẹ tuổi gió heo may

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi lần tôi gọi điện về thăm, mẹ thường hỏi thăm đủ điều. Nhưng khác với những lần gọi trước, lần nghe điện thoại này mẹ… khóc.

Con một và cha mẹ tuổi gió heo may - Ảnh 1.

Khi con cái trưởng thành, các bậc cha mẹ có thể tham gia sinh hoạt cộng đồng để cuộc sống thêm vui tươi. Trong ảnh: nhóm khiêu vũ dưỡng sinh tại một công viên ở TP.HCM – Ảnh minh họa: T.T.D.

Trấn an mẹ xong, tôi hỏi lý do thì mẹ chỉ nói ngắn gọn: "Mẹ thương thằng Tý"!

Câu chuyện con một

Thằng Tý là con trai tôi, cháu nội của bà, bà không thương nó thì thương ai? Nhưng lạ! Lạ là hôm nay bà nấc lên trong điện thoại rằng "thương thằng Tý". Hỏi chuyện thêm mới biết cảm xúc của bà liên quan đến việc thằng Tý là con một.

Chuyện là bác cả tôi, năm nay đã gần 90 tuổi, ốm nặng. Vợ chồng bác chỉ có con trai độc nhất và anh đang công tác xa, thỉnh thoảng mới về với bác tôi 3-4 tiếng, nhiều lắm là một vài ngày. Việc chăm sóc bác tôi hằng ngày chủ yếu nhờ vào anh em họ hàng thân thích. 

Anh con bác tôi là nghệ sĩ, ngoài công tác quản lý tại đoàn nghệ thuật, anh ấy còn đảm nhận các vai trong các vở diễn nên không có thời gian thường xuyên bên cạnh cha mẹ lúc già cả, ốm đau. Điều đó làm bác tôi có chút buồn phiền, trong khi anh em thân tộc trách móc anh ấy vô tâm, hời hợt…

Tâm lý chung của người già, đặc biệt lúc đau ốm, dễ bị tổn thương hoặc hờn tủi. Đặc biệt, vốn mang nếp sống nông thôn, một số người lớn tuổi trong dòng tộc đã không thông cảm cho anh ấy mà còn nói ra nói vào những lời rất khó nghe. Đó cũng là lý do mẹ tôi liên tưởng đến cu Tý – con một của vợ chồng tôi – và mẹ lo lắng cho vợ chồng tôi cũng như cháu nội của bà sau này. 

Nhiều lần mẹ tôi và anh em nội ngoại khuyên nhủ vợ chồng tôi sinh thêm con, nhưng chúng tôi đều ậm ừ cho qua chuyện. Quan điểm của vợ chồng tôi là chỉ sinh một đứa và nuôi dạy con tốt nhất trong điều kiện hiện có. Nhưng qua câu chuyện của bác tôi, tôi càng nhận ra không phải ai cũng đủ lòng để hiểu và chia sẻ với cả bác tôi và anh con của bác ấy…

Gánh nặng vô hình?

Chị N., đồng nghiệp của tôi, chỉ sinh một con gái. Con của chị đã tốt nghiệp đại học, có gia đình và việc làm ổn định nên những lúc rảnh, anh chị đưa nhau đi đây đi đó. Có lần tôi hỏi chị về lý do không sinh thêm con, chị chỉ lắc đầu: "Trai hay gái không quan trọng, sinh một đứa để chăm sóc tốt là đủ rồi". 

Đề cập đến chuyện "con trai nối dõi tông đường", chị lại xua tay: "Xã hội hiện đại thì đừng nặng nề việc đó, miễn sao vợ chồng sống hạnh phúc và con cái hiếu thảo là được".

Nhìn quanh, tôi thấy mấy người đồng nghiệp và một số bạn bè đều chỉ sinh một đứa con. Lý do thì nhiều, song tựu trung là: lười sinh con hoặc theo xu hướng "một đứa để nuôi dạy tốt hơn".

Dù lý do gì đi nữa, với câu chuyện của bác tôi hay những lo lắng của mẹ tôi và nhiều gia đình sinh con một khác, có thể thấy gánh nặng cả vật chất lẫn tinh thần đang đặt lên vai của người con. 

Trong khi tuổi trẻ ai cũng mong muốn dành nhiều thời gian làm việc, khám phá cuộc sống, nhưng người già (đặc biệt khi ốm đau) thì nhu cầu được gần gũi con cái, được chăm sóc cũng nhiều không kém. 

Đáp ứng những nhu cầu của cha mẹ có thể sẽ ảnh hưởng đến công việc của con cái, nếu không đáp ứng được thì dư luận lại đánh giá, lên án. Trong khi đó, do ảnh hưởng của phong tục tập quán, sợ dư luận phán xét nên tâm lý chung của cả cha mẹ và con cái phần nhiều đều không muốn "dưỡng già" tại các trung tâm dưỡng lão. 

Mặt khác, dù có thể không bị tác động bởi những lý do trên thì hệ thống trung tâm dưỡng lão, chăm sóc người già ở nước ta cũng chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu được chăm sóc (có đóng phí) của người già.

Trong báo cáo về tình hình dân số ở nước ta mới đây cho thấy tỉ lệ sinh con của các cặp vợ chồng ở nước ta có xu hướng giảm dần, đặc biệt ở khu vực thành thị. Theo xu thế này, một thời gian không xa nữa, tỉ lệ người già cần được chăm sóc ở nước ta sẽ gia tăng. 

Bên cạnh những vấn đề an sinh xã hội như các trung tâm dưỡng lão, chăm sóc, nuôi dưỡng người già… cần được quan tâm thấu đáo hơn, phải chăng xã hội rất cần có cái nhìn thoáng hơn, tránh áp lực cho con cái, đặc biệt trong những gia đình sinh con một.

MAI ANH/TTO

 

Bình luận (0)