Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Còn người nghiện lang thang: Chủ tịch phường/xã phải chịu trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM phấn đấu, đến trước Tết Nguyên đán 2015 sẽ đưa hết người nghiện ma túy lang thang vào các cơ sở, trung tâm cai nghiện bắt buộc nhưng phải đúng pháp luật.
Đó là khẳng định của ông Hứa Ngọc Thuận – Phó chủ tịch UBND TP trao đổi với Giáo dục TP.HCM bên lề Hội nghị “Triển khai thực hiện các biện pháp tổng hợp đối với người nghiện ma túy và đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy” do Thành ủy TP.HCM tổ chức chiều 9-12 vừa qua.
PV: Thưa Phó chủ tịch, TP.HCM tiếp tục quán triệt kết luận số 95-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện chỉ thị 21 của Bộ Chính trị; chỉ thị 24 và kết luận số 234 của Ban Thường vụ Thành ủy về đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy, đưa người nghiện vào các trung tâm, cơ sở cai nghiện bắt buộc có phát sinh vấn đề gì hay không?
Ông Hứa Ngọc Thuận: Triển khai theo đề án khi được Thường trực Thành ủy thông qua, sau 5 ngày thực hiện, chúng tôi thấy mọi việc diễn ra rất tốt, theo đúng kịch bản TP đã vạch ra. TP ghi nhận sự nỗ lực của các quận, huyện đã chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Thành ủy. Qua triển khai ở các phường, xã, thị trấn, chúng tôi nhận thấy ngoài lực lượng công an, ban chỉ đạo còn là cả hệ thống chính trị vào cuộc. Với cách làm này, TP sẽ sớm xóa bỏ được tệ nạn ma túy trên địa bàn TP.
Thưa ông, khi biết kế hoạch “thu gom” người nghiện ma túy, một số đối tượng là người nghiện đã di chuyển ra khỏi địa bàn. Vậy TP sẽ có biện pháp nào để giải quyết tình trạng này?
Việc các đối tượng là người nghiện ma túy, di chuyển khỏi địa bàn TP.HCM thì trách nhiệm của UBND các tỉnh, TP khác phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, triển khai đúng NQ 77/2014/QH13 của Quốc hội khi người nghiện di chuyển về địa bàn nào thì tỉnh/TP đó phải chịu trách nhiệm. Riêng TP.HCM chỉ xử lý trong phạm vi TP.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên toàn địa bàn TP, được biết kế hoạch đưa ra trước 20 tháng chạp phải đưa được hết người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào các trung tâm cai nghiện liệu có làm được hay không, thưa ông?
Sau 5 ngày thực hiện, các cơ quan truyền thông và người dân sẽ thấy các nơi sinh hoạt, tập trung người nghiện ma túy như: Gầm cầu, công viên, bến xe… cơ bản đã không còn bóng dáng người nghiện ma túy. Tất nhiên, ngoài việc tạm giữ người nghiện để làm thủ tục thì còn một số người nghiện lén lút, trốn khỏi nơi cư trú. Chúng tôi đang chỉ đạo, các quận huyện hết sức quyết liệt và mỗi phường, xã, khu phố phải chịu trách nhiệm làm sạch địa bàn của mình. Nếu để xảy ra, một người nghiện trên địa bàn thì chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm xử lý của chủ tịch UBND quận, huyện. Ngược lại, nếu trên địa bàn quận, huyện còn bóng dáng ma túy thì chủ tịch quận sẽ chịu xử lý bởi Chủ tịch UBND TP.
Theo thống kê gần nhất, TP có khoảng 20.000 người nghiện ma túy nhưng đó là con số nắm được. Còn thực tế, số người nghiện ngầm là rất nhiều, ông có ý kiến gì về việc này?

Cơ quan chức năng lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở chữa trị. Ảnh: Q.H
Như chúng tôi đã báo cáo trước Chính phủ, con số thống kê người nghiện ma túy tại TP.HCM khoảng 19.000 người, tuy nhiên chúng tôi đánh giá con số này sẽ cao hơn khoảng 50-70%. Từ con số phát sinh như vậy, TP càng phải quyết liệt hơn trên từng địa bàn cụ thể.
Nếu TP đưa những người nghiện này vào các trung tâm, cơ sở cai nghiện nhưng sau đó họ lại trốn ra ngoài và nguy cơ tái nghiện rất cao, vậy TP có hình thức nào để xử phạt hoặc cưỡng chế những đối tượng bỏ trốn này?
Khi đã có quyết định của tòa án và quyết định có hiệu lực thì những đối tượng này phải vào cơ sở, trung tâm cai nghiện bắt buộc. Trong cơ sở, trung tâm cai nghiện bắt buộc đều có qui chế quản lý và nếu họ vi phạm qui chế thì các cơ quan chức năng phải truy cho được để thực hiện quyết định của tòa án.
Hiện người nghiện rất nhiều, vậy các cơ sở, trung tâm có quản lý và tiếp nhận được hết? Các cơ sở, trung tâm ngoài Nhà nước có thể tham gia như một công tác xã hội hóa được hay không?
Các cơ sở của TP có thể tiếp nhận khoảng 20.000 đối tượng này, mặt khác TP có 4 trung tâm của tư nhân và những trung tâm này cũng thực hiện dịch vụ cai nghiện tự nguyện. Các trung tâm này có quá trình bước đầu là cắt cơn, giải độc cho người nghiện. Ngoài ra theo chỉ đạo của Chính phủ, TP đã đấu thầu thuốc methadone giúp người nghiện cắt cơn, giải độc và Chính phủ cũng giao cho TP có mô hình giúp người nghiện được cai nghiện tại gia, cộng đồng bằng thuốc methadone. Năm 2015, TP sẽ có điểm cai nghiện tại 22 quận, huyện với số lượng cai nghiện tại gia khoảng 8.000 người.
Xin cám ơn ông!
Lê Quang Huy (thực hiện)
Đặt phòng xét xử tại các trung tâm cai nghiện
Quy trình xử lý người nghiện từ khi vào trung tâm cho đến khi tòa án có quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc được thực hiệnlà 25 ngày, trải qua 5 bước với 10 loại biểu mẫu TP đã quy định đầy đủ. Trong đó các cơ quan gồm công an, y tế, tư pháp sẽ có 9 ngày để lập hồ sơ đưa vào trung tâm và hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ cần thiết theo quy định. Tòa án có 15 ngày để nghiên cứu hồ sơ và tổ chức xét xử đưa ra phán quyết. Các phòng xét xử sẽ được đặt ngay tại các trung tâm. Thẩm phán của tòa án quận, huyện nào thì đến trung tâm xét xử những người nghiện do các quận, huyện đưa vào trung tâm. Người có nơi cư trú rõ ràng mà muốn vào trung tâm để được chữa bệnh thì nơi đây cũng tiếp nhận.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)