Trường lớp khang trang là động lực để đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: T.Tr |
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó về con người là rất quan trọng. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) chung quanh vấn đề này.
Năm học 2009-2010 được xác định là năm “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, bà đánh giá thế nào về chủ đề này?
-Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục (ĐMQL&NCCLGD) không chỉ là một phong trào mà là tâm huyết của rất nhiều nhà quản lý và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Vấn đề này cũng đã được các đơn vị trong ngành giáo dục thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, ĐMQL&NCCLGD không phải là việc một sớm một chiều mà cần rất nhiều thời gian và công sức. Theo đánh giá của tôi, việc thực hiện đổi mới trong toàn ngành giáo dục nói chung hiện nay vẫn còn chưa đạt nhiều kết quả theo mục tiêu mà ngành giáo dục đặt ra, và như mong đợi của xã hội.
Nhìn chung, chất lượng quản lý giáo dục ở Việt Nam hiện nay theo tôi nghĩ là chưa được hoàn hảo lắm, dù là có xuất hiện nhiều khuynh hướng đổi mới tích cực và phần nào tác động đến người lãnh đạo, giúp họ nắm bắt nhanh và tốt các khuynh hướng tích cực đó để xây dựng và phát triển giáo dục. Tuy nhiên, có được sự đồng thuận trong tư tưởng và cách thực hiện của các nhà quản lý là cả một vấn đề khó khăn. Các nhà quản lý giáo dục trong toàn ngành của chúng ta chưa thật sự có những bước đổi mới đột phá. Tôi cho đây là một số điểm hạn chế trong quản lý giáo dục ở nước ta hiện nay.
Trong quá trình thực hiện đổi mới, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quá trình này. Theo TS, nhân tố nào quan trọng nhất, có tính quyết định?
– Theo tôi nghĩ, để ĐMQL&NCCLGD, cơ sở vật chất và cơ sở tinh thần là rất cần thiết. Đây là hai yếu tố không thể thiếu trong việc đổi mới bất kỳ một hình thức nào. Tuy nhiên, do giáo dục là quá trình có liên quan nhiều đến nhận thức, yếu tố tinh thần vẫn là quan trọng hơn, quyết định hơn. Nếu không có bàn tay và trí tuệ của con người, chúng ta khó có thể đổi mới thành công. Có rất nhiều đối tượng tham gia vào quá trình giáo dục, từ người lãnh đạo, quản lý, giáo viên, nhân viên đến học viên, mỗi đối tượng thể hiện một vai trò riêng, chức năng riêng trong quá trình đổi mới. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ yếu tố quyết định nhất đối với đổi mới vẫn là ở người quản lý giáo dục. Tôi chưa thấy có đơn vị giáo dục đào tạo nào thành công khi không có sự cam kết và ủng hộ của những người lãnh đạo, quản lý.
Hiện nay ở các trường học còn tình trạng giáo viên tích cực đổi mới nhưng hiệu trưởng lại không chịu đổi mới hay hiệu trưởng đổi mới nhưng giáo viên lại mang tâm lý “ngại” đổi mới, đặc biệt là ở một số giáo viên lớn tuổi. Vậy chúng ta phải làm như thế nào để xóa bỏ được những rào cản này thưa TS?
– Đây là một tình trạng đang diễn ra tại một số trường học nhưng nói chung mâu thuẫn này là không nhiều. Kinh nghiệm cho thấy hiếm có hiệu trưởng nào lại mong muốn trường mà mình quản lý bị mang tiếng là có chất lượng thấp, tuy nhiên để có thể trở thành một trường có chất lượng cao, chắc chắn hiệu trưởng phải là người đi đầu trong đổi mới.
Để thực hiện được đổi mới trong nhà trường, hiệu trưởng phải vạch ra những kế hoạch tổng thể, cách thức tổ chức thực hiện đổi mới cả về phương pháp dạy học của giáo viên cũng như phương thức quản lý trong trường mình. |
Khi hiệu trưởng là nhân tố thúc đẩy sự đổi mới, tôi không nghĩ là các giáo viên lại không ủng hộ. Việc giáo viên không đồng tâm trong đổi mới là một bất lợi để thay đổi trong nhà trường. Trong trường hợp này, người quản lý (hiệu trưởng) phải có các nỗ lực truyền được nhiệt huyết đổi mới của mình vào đội ngũ giáo viên. Hiệu trưởng cũng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc sử dụng quyền hạn của mình đối với đội ngũ giáo viên, dù rằng, tôi không cho việc sử dụng quyền lực là giải pháp tối ưu. Đối với giáo viên, việc tác động đến quan điểm, tâm tư, nguyện vọng vẫn là cách tốt nhất. Người hiệu trưởng cũng phải nắm được các đặc điểm của đội ngũ mà mình quản lý. Một số giáo viên lớn tuổi thường ngại thay đổi do họ nghĩ rằng mình có nhiều kinh nghiệm trong quá trình dạy học, họ cũng có phần chủ quan khi nghĩ rằng với kinh nghiệm đó, họ không cần thay đổi. Giáo viên trẻ, ngược lại, có nhiệt tình, ham tìm tòi, chịu học hỏi, nhưng chưa đủ độ sâu cũng như kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, hiệu trưởng cũng nên tìm hiểu xem tại sao các giáo viên lại không muốn đổi mới vì không phải mọi đổi mới đều là những phương án tốt, có rất nhiều cách dạy học theo truyền thống nhưng mang tính tích cực cũng rất cao.
Mặt khác, việc áp dụng các phương pháp dạy học mới có tính tích cực đòi hỏi rất nhiều công sức, nhưng có nhiều giáo viên còn phải làm thêm ngoài giờ để kiếm sống. Vì vậy, hiệu trưởng phải biết sử dụng vai trò của bộ môn, tổ chuyên nghiệp tác động đến giáo viên như đưa ra những yêu cầu học sinh cần đạt được trong những bộ môn đó.
Nói tóm lại, theo tôi nghĩ, trong giáo dục, con người là yếu tố quan trọng nhất nếu muốn đổi mới. Chúng ta cần phải có sự đồng thuận, sự thống nhất giữa các nhà quản lý các cấp và giữa người quản lý với giáo viên thì việc nâng cao chất lượng giáo dục mới thực hiện tốt.
Cơ sở vật chất ở các trường học hiện nay nhìn chung là chưa đáp ứng được yêu cầu của việc dạy và học. Nếu cơ sở vật chất yếu kém thì chúng ta có thể thực hiện được đổi mới giáo dục hay không?
– Theo tôi, cơ sở vật chất là quan trọng, nhưng trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc quản lý và sử dụng cơ sở vật chất như thế nào mới là vấn đề. Có nhiều trường cơ sở vật chất khang trang, máy tính đầy đủ nhưng học sinh lại rất hạn chế trong việc sử dụng, thậm chí là bị đóng cửa do thiếu cán bộ chuyên môn và do tâm lý của các nhà quản lý lo sợ học sinh sử dụng ngoài mục đích học tập. Như vậy thì đổi mới phải như thế nào trong khi cơ sở vật chất có nhưng lại không hề sử dụng hoặc không biết cách sử dụng? Một số trường mặc dù cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học nhưng nếu giáo viên có tâm huyết, họ tự mình sáng chế ra nhiều công cụ dạy học và tìm ra nhiều phương thức truyền thụ kiến thức cho học sinh một cách hiệu quả nhất.
DƯƠNG BÌNH
LTS: Từ số báo tới, Báo Giáo Dục TP.HCM sẽ mở diễn đàn “Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp”. Diễn đàn mở ra như một kênh thông tin phục vụ cho hội thảo khoa học toàn quốc về giáo dục chuyên nghiệp sẽ tổ chức vào tháng 1-2010 tại TP.HCM. Tòa soạn rất mong nhận được ý kiến tham gia của các bậc phụ huynh, học sinh, các chuyên gia giáo dục cũng như lãnh đạo các trường TCCN trên địa bàn thành phố và cả nước. Các ý kiến, bài viết xin gửi về số 300 – Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, TP.HCM hoặc email: tantruc_tg@yahoo.com.
|
Bình luận (0)