Không nên áp đặt đào tạo theo tín chỉ khi giảng viên và sinh viên chưa có thói quen dạy – học theo phương pháp tích cực. Đó là ý kiến của GS. TSKH. Lâm Quang Thiệp tại hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy đại học theo hệ thống tín chỉ”.
Hội thảo do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức ngày 21/5 với sự tham gia của gần 400 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ trong cả nước.
GS. TSKH. Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng vụ giáo dục đại học (ĐH) cho rằng: một số trường ĐH áp đặt ngay các định mức tín chỉ và khối lượng chương trình đào tạo như Quy chế 43 mà lại không quan tâm đến phương pháp dạy và học. Phương pháp sư phạm thụ động vẫn chiếm tỷ lệ cao
Các chuyên gia giáo dục băn khoăn trước mục tiêu đến 2010 các trường ĐH chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Hiện nay, số lượng tín chỉ tối thiểu hệ đại học 4 năm vào khoảng 180 – 200 đơn vị học trình. Trong khi đó, các nước trong khu vực chỉ vào khoảng từ 120 – 150 đơn vị học trình.
Bên cạnh đó, cứ trung bình 200 đơn vị học trình thì tương ứng số tiết lên lớp vào khoảng 3.000 – 3.300. Nếu so với số giờ lên lớp chỉ khoảng 1.800 – 2.300 của nhiều nước thì rất cao. Điều hiển nhiên là thời gian tự học của sinh viên Việt Nam sẽ phải rút lại.
Đồng thời, chương trình của Bộ cũng mở lối để các trường phát huy quyền tự chủ trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Tuy nhiên, chỉ có những trường lớn mới đủ khả năng xây dựng “phần còn lại” của chương trình đạo tạo cho riêng mình, còn các trường nhỏ thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ giảng viên mời giảng từ trường lớn.
Còn PGS.TS. Phạm Xuân Mậu, Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM cũng đặt vấn đề những khó khăn khi chuyển qua loại hình tín chỉ. Đó là chương trình đào tạo chưa đồng bộ, nội dung chưa hoàn thiện, phương pháp dạy còn lỗi thời, đội ngũ giảng viên trình độ cao còn ít, cơ sở vật chất chưa đảm bảo.
Riêng các trường đặc thù như ĐH Sư phạm, ĐH KHXH&NV vẫn còn nhiều trăn trở rằng “Khó thực hiện vì loại hình đào tạo này sẽ làm giảm tính hệ thống logic cũng như nhận thức và phát triển tư duy của sinh viên”.
Tương tự thế, TS. Tôn Thất Dụng, phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Huế cũng thừa nhận, sinh viên chưa quen với phương thức mới, thiếu chủ động trong học tập. Trong khi đó, giảng viên lại chưa bỏ được thói quen cũ. Nhiều giảng viên có soạn đề cương nhưng lại quá sơ lược, chỉ mang tính hình thức nên sinh viên không quan tâm khi tiếp nhận.
Vì vậy, phương thức đào tạo mềm dẻo, linh hoạt đòi hỏi những cách đo và chuẩn đo phù hợp thì mới mong quản lý được chất lượng đào tạo.
Thụy An / Dan tri
Bình luận (0)