Tại TP.HCM, theo thống kê, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp bình quân hàng năm khoảng 26,19%. Cụ thể, năm 2021 đạt tỉ lệ 27,13%; năm 2022 đạt tỉ lệ 26,15%; năm 2023 đạt tỉ lệ 28,54% và 8 tháng đầu năm 2024 đạt tỉ lệ 22,95%.
Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ban hành kèm Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.
Kết quả này dự báo nhiều thách thức lớn của TP.HCM trong việc thực hiện Đề án phân luồng học sinh theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc, chung tay tích cực hơn của các cơ quan, đơn vị, và chính quyền địa phương các cấp.
TS.Lê Duy Hùng – Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhìn nhận, hiện nay, công tác tư vấn, hướng nghiệp và tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường phổ thông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho học sinh, giúp các em nhận thức rõ hơn về bản thân, định hướng nghề nghiệp và phát triển các kỹ năng cần thiết cho tương lai. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, từ khối lượng công việc lớn đối với giáo viên đến sự thiếu hụt về cơ sở vật chất hỗ trợ.
Theo TS. Hùng, để nâng cao chất lượng công tác này, cần tập trung vào việc cải thiện chương trình đào tạo giáo viên theo hướng tăng cường thực hành, cập nhật công nghệ hỗ trợ cho công tác tư vấn tâm lý, hướng nghiệp và tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên thông qua các khóa bồi dưỡng có chất lượng. Đặc biệt, việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cũng cần được chú trọng, nhằm tạo môi trường trải nghiệm thực tế và định hướng nghề nghiệp tốt hơn cho học sinh.
“Việc đào tạo giáo viên có năng lực trong công tác tư vấn, hướng nghiệp và tổ chức hoạt động trải nghiệm sẽ đóng góp lớn vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực, sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi của xã hội và chuẩn bị tốt cho sự nghiệp tương lai” – TS. Hùng khẳng định.
Theo đại diện Trường Cao đẳng Quốc tế TP.HCM, các chương trình tư vấn hướng nghiệp đã được triển khai tại nhiều trường THCS, dù vậy nhận thức của học sinh và phụ huynh về GDNN vẫn chưa đầy đủ. Nhiều người vẫn giữ quan điểm cho rằng học nghề chỉ dành cho học sinh không đủ khả năng theo học chương trình phổ thông, dẫn đến tỷ lệ học sinh chọn GDNN còn thấp.
Khảo sát sơ bộ tại quận Bình Tân năm 2023, trong 30% học sinh phân luồng thì tỷ lệ vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ chiếm từ 10-15%.
Lãnh đạo trường này nhìn nhận, các khó khăn công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS vào học giáo dục nghề nghiệp đến từ nhiều yếu tố. Ở phía nhận thức xã hội, vẫn còn nhiều phụ huynh và học sinh xem thi tuyển vào THPT là con đường duy nhất sau khi tốt nghiệp THCS; chưa thấy rõ được những điểm mạnh về thời gian học, về tài chính và cơ hội việc làm của lựa chọn học nghề nghiệp sau tốt nghiệp THCS.
Về phía các trường THCS, công tác tiếp cận tư vấn hướng nghiệp tại các trường còn nhiều khó khăn. Thiếu đội ngũ chuyên viên tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp, việc tư vấn thường mang tính chung chung, chưa phân tích sâu nhu cầu, sở thích và năng lực cá nhân của học sinh, dẫn đến khó khăn trong việc định hướng chính xác.
Cạnh đó, chưa có sự đồng bộ về mặt thời gian thực hiện và mức kinh phí áp dụng giữa các quận, huyện, thành phố. Người học không hoàn trả kinh phí hỗ trợ học nghề cho nhà trường sau khi nhận được từ phòng lao động.
TS.Nguyễn Đặng An Long – Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM cho rằng, đào tạo “kép” là một phương tiện quan trọng để phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới. Hợp tác doanh nghiệp, đào tạo kép, giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại các trường trung cấp, cao đẳng được coi là một trong những giải pháp tối ưu nhằm không ngừng đổi mới, sáng tạo ở cấp học này, thu hút người học.
Tuy nhiên, theo TS. An Long, trong thời gian qua, việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp TP.HCM và các doanh nghiệp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động trong việc tìm kiếm doanh nghiệp, còn thụ động chờ doanh nghiệp đến đặt hàng nguồn nhân lực (sinh viên, học sinh) của trường. Do đó, nhà trường gặp khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào, chỉ tiêu tuyển sinh chưa cao hoặc không đạt được số lượng như chỉ tiêu đặt ra.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa quan tâm hoạt động thực hành, thực tập của giảng viên, học sinh, sinh viên tại doanh nghiệp. Nhiều học sinh, sinh viên cho rằng thực tập là “bưng trà”, “rót nước” và “sai vặt” ở những nơi mình đến thực tập. Do đó, ít có sự cố gắng, trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp của bản thân trong quá trình thực tập; Chương trình giảng dạy chưa đổi mới, chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội…
Khương Yến
Bình luận (0)