Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Cơn sốt gia sư tại Trung Quốc sau lệnh cấm công ty dạy thêm

Tạp Chí Giáo Dục

Các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đang đổ xô đi thuê gia sư cho con sau khi chính phủ ra quyết định kiểm soát chặt chẽ các công ty cung cấp dịch vụ dạy thêm vào tuần trước.
Một học sinh trước trung tâm dạy thêm tại Bắc Kinh /// Reuters
Một học sinh trước trung tâm dạy thêm tại Bắc Kinh. REUTERS
Trước những nỗ lực của Bắc Kinh mong muốn giảm bớt áp lực học hành cho trẻ em và giảm gánh nặng chi phí cho các bậc phụ huynh – giúp thúc đẩy tỷ lệ sinh, dịch vụ dạy thêm tại Trung Quốc đã phải chịu giám sát chặt chẽ.
Các quy định mới sẽ lập tức được tiến hành, cấm các công ty nhận dạy kèm các môn học chính ở trường và mở lớp học thêm vào cuối tuần hoặc ngày lễ vì lợi nhuận, theo Reuters.
Ở Trung Quốc, các lớp dạy kèm sau giờ học (AST) đóng vai trò quan trọng để đạt được kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học đầy cạnh tranh. Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc, vào năm 2016, hơn 75% học sinh từ 6-18 tuổi ở nước này học kèm sau giờ học, và tỷ lệ này ngày càng tăng cao.
Bà Judith Bạch, ở quận Hải Điến, Bắc Kinh, đã chi hơn 20.000 nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 71 triệu VND) cho đứa con trai 7 tuổi học kèm toán và tiếng Trung. Bà cho biết phí gia sư riêng giao động từ 600 nhân dân tệ đến 2.000 nhân dân tệ mỗi giờ, tùy theo kinh nghiệm giảng dạy.
Cơn sốt gia sư tại Trung Quốc sau lệnh cấm công ty dạy thêm - ảnh 1
Một trung tâm dạy thêm tại Bắc Kinh. REUTERS
Trước quyết định của chính phủ, nhiều cha mẹ hoan nghênh nỗ lực giảm thời gian học tập cho trẻ, trong khi những người khác lại cho rằng quyết định này sẽ khiến phụ huynh tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn. Đồng thời, thay vì khuyến khích mọi người sinh thêm con, việc buộc ngừng dạy thêm để thúc đẩy tăng dân số sẽ chỉ khiến họ nản lòng.
Một phụ huynh họ Phàm cũng sống ở quận Hải Điến cho biết: "Các bậc phụ huynh xung quanh tôi đang tích cực tìm kiếm gia sư một kèm một. Mọi thứ vẫn như cũ, cơn sốt dạy thêm vẫn tiếp diễn".
Đồng thời, phụ huynh ở các thành phố nhỏ cho rằng chính sách này sẽ tác động tiêu cực đến con cái họ, vì chúng cần được học kèm sau giờ học do chất lượng giảng dạy không được đảm bảo trong các lớp học có đến 60 trẻ ở các trường học nhận được ít tài trợ.
Theo Tân Hoa Xã, Bộ Giáo dục Trung Quốc sẽ nỗ lực cải thiện chất lượng giảng dạy tại các trường học trên cả nước nhằm giảm bớt nhu cầu học thêm. Nhưng mọi người tin rằng sự cải thiện trong chất lượng giảng dạy cũng sẽ không thể vượt qua bản chất cạnh tranh khốc liệt của hệ thống giáo dục tại Trung Quốc.
Theo Hạ Thái/TNO

 

Bình luận (0)