Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Cơn sốt” truyện tranh

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày gần đây, “cơn sốt” truyện tranh ngày càng tăng nhiệt. Những tưởng truyện tranh chỉ dành riêng cho thiếu nhi, thế nhưng với sự thay đổi về đối tượng độc giả, giờ đây người trưởng thành mới là lực lượng tạo nên “cơn sốt”.

Xếp hàng mua truyện tranh

Camping (xếp hàng giành lượt) từ ba giờ sáng – hoặc thậm chí từ tối hôm trước, thời gian hết hàng chỉ tính bằng giây trên các trang thương mại điện tử (TMĐT), các app mua sắm trở nên quá tải… là thực trạng mà các tín đồ truyện tranh phải vượt qua để có thể sở hữu các tác phẩm mà mình yêu thích.

Rất đông độc giả tham dự sự kiện Ani Ani Festival của bộ truyện Chú thuật hồi chiến tại Nhà thi đấu đa năng Q.7

Rất đông độc giả tham dự sự kiện Ani Ani Festival của bộ truyện Chú thuật hồi chiến tại Nhà thi đấu đa năng Q.7

Nếu trước đây, tổng số phát hành một tập trong các bộ nổi tiếng trung bình khoảng 5.000 bản (không kể các truyện đã quá quen thuộc như Thám tử lừng danh Conan, Doraemon, Nhóc Miko…) thì gần đây, con số đó đã tăng gấp đôi, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Đa phần các tập truyện được in từ 5.000 – 15.000 bản ở lần đầu phát hành. Với các bản đặc biệt, số lượng in từ 3.000 – 10.000 bản, dù vậy, tình trạng hết hàng “siêu tốc” vẫn thường xảy ra. Ngoài bản đặc biệt, các tập truyện có quà kèm theo, cũng như những tập đã đi đến gần cuối truyện cũng đang nóng trở lại. Nếu không mua ngay ở thời điểm mới phát hành, người đọc sẽ khó có cơ hội sở hữu về sau.

Giải mã "cơn sốt" 

Sức hút của truyện tranh, ngoài nội dung hấp dẫn đã được truyền thông rầm rộ trước đó, có phần dễ hiểu là các quà tặng kèm theo như hình thức sách độc đáo thường chỉ được in một lần duy nhất, và có sự khác nhau giữa các quốc gia tùy vào khu vực. Quà tặng kèm của các bản thường cũng là đợt in  duy nhất. 

Chẳng hạn bộ truyện Chú thuật hồi chiến của Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng hiện mới chỉ phát hành đến tập ba, thế nhưng mỗi lần xuất hiện đều gây “cơn sốt” không nhỏ trong cộng đồng mê truyện tranh. Một phần vì gần đây, bộ truyện đã được chuyển thể lên màn ảnh rộng, phần chính là phần giá trị gia tăng kèm theo đặc sắc là thứ thu hút độc giả. Cụ thể, mỗi bản đặc biệt sẽ được in bằng chất giấy đặc biệt, đi cùng bìa metalize (tráng kim loại) tăng tính thẩm mỹ, có thêm tranh màu độc quyền, thẻ nhựa bo góc, bookmark, bọc bảo vệ bìa… Tập cuối series Naruto của NXB Kim Đồng, hay bản đặc biệt loạt truyện Black Jack của NXB Trẻ cũng được hoàn thiện dưới dạng bìa cứng, kèm theo các đặc trưng trên.

Rất nhiều quà tặng kèm trong các phiên bản khác nhau của Chú thuật hồi chiến

Rất nhiều quà tặng kèm trong các phiên bản khác nhau của Chú thuật hồi chiến

Ngoài ra, còn nhiều hình thức thu hút đặc biệt khác. Bộ truyện Slam Dunk được phát hành phiên bản hai bìa để người đọc tùy chọn trưng bày. Monster 8 thì có tận hai phiên bản với bốn mức giá tùy quà kèm theo. Nếu trước đây, người hâm mộ truyện tranh trong nước phải tìm trên các trang thương mại quốc tế để mua ấn bản đặc biệt. Giờ thì với việc in ấn chuyên nghiệp và quà tặng phong phú, các ấn phẩm xuất bản trong nước cũng đang thu hút cả độc giả hâm mộ nước ngoài mong muốn sở hữu.

Đầu cơ truyện tranh 

Một điều không hay là thị trường truyện tranh “sốt” không chỉ bởi các ấn phẩm chất lượng hấp dẫn độc giả mà phần lớn là có sự tham gia của người đầu cơ, mua đi bán lại. 

Hiện giá bìa của một tập Chú thuật hồi chiến phiên bản đặc biệt là 65.000 đồng. Tuy nhiên, giá rao bán lại đã tăng lên khoảng 250.000 đồng đối với bản vẫn còn màng co, khoảng 150.000 đồng đối với bản đã mất màng co. Các ấn phẩm Chú thuật hồi chiến, Naruto tập kết thúc bộ truyện, Xưởng phép thuật, Spy x Family, Tokyo Revengers… đang được bán lại với giá như vậy.

Các NXB cũng như các trang TMĐT đã áp dụng một số cách để hạn chế tình trạng giành mua để bán lại, tạo cơ hội để truyện đến được với nhiều người hâm mộ nhất. Chẳng hạn quy định mỗi người chỉ mua một bản khi mua trực tiếp, hay các trang TMĐT sẽ lọc user (người dùng), hủy những tài khoản đặt mua một bản với số lượng nhiều. Dù vậy, tình hình vẫn không khả quan hơn.

Cộng đồng đam mê truyện tranh còn đang bị “xấu mặt” bởi một số cách hành xử kém văn minh khi mua truyện. Chẳng hạn với các lần camping, thường có một người đứng ra như “nhóm trưởng”, chủ động phát số điểm danh theo thứ tự có mặt, trùng với thứ tự ưu tiên mua truyện. Thế nhưng, nhiều người không đồng tình khi cho rằng đây là hành động tự phát, không phải người của nhà sách, tranh cãi gây mất trật tự. Tình trạng in lậu, sao chép cũng đang xuất hiện trở lại.

Đã từng có trường hợp một cá nhân in lậu đến hơn trăm bản bìa rời Chú thuật hồi chiến sau đó khoác vào bản thông thường, mặc nhiên bán ra thị trường với lý do:  Không mua được bản gốc thì chỉ còn cách… in lậu (?). Các NXB truyện tranh của Nhật rất chú trọng khâu bản quyền. Họ rất chọn lọc, chỉ giao cho các đơn vị lớn (NXB Kim Đồng, NXB Trẻ và IPM) các bản quyền “hot”. Đã có thời gian họ loại Việt Nam khỏi thị trường chuyển nhượng bởi việc in lậu tràn lan.
Thị trường truyện tranh đang đạt đến sức nóng chưa từng thấy.

Nhưng việc giữ hình ảnh đẹp, văn minh của cộng đồng yêu thích truyện tranh có vẻ như đang bất khả thi khi vẫn còn hiện tượng “găm hàng”, mua đi bán lại với giá “cắt cổ” ngay ngày đầu phát hành, in lậu… Bằng cách tẩy chay không giao dịch với những đối tượng này, những độc giả thực thụ, kiên nhẫn chắc chắn rồi cũng sẽ được sở hữu các tác phẩm mình yêu thích và góp phần tạo ấn tượng đẹp cho độc giả Việt trong mắt giới xuất bản quốc tế. 

Theo Thuận Phát/PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)