Nên đưa trẻ đến bác sĩ hơn là cha mẹ làm “bác sĩ” khi trẻ bệnh. Ảnh: I.T |
Một phần do thiếu hiểu biết, một phần do chủ quan và ngại đi bệnh viện nên không ít ông bố, bà mẹ khi thấy con bệnh đã tự ý làm “bác sĩ” để chữa trị cho con. Kết quả là trẻ không những không khỏi bệnh mà bệnh càng nặng hơn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng…
Khi cha mẹ tự ý làm “bác sĩ”
Ngày 8-4-2009, em N.H.M.T – 7 tuổi, ngụ tại TP. Biên Hòa tỉnh Đồng Nai bị phỏng nước sôi ở tay với kích thước 1,5 x 2 cm. Thấy vết thương khá nhỏ nên cha mẹ em đã tự ý mua kháng sinh “pi” dạng bột (có thể là Ampicillin hoặc Penicillin) về pha nước đun sôi để nguội rồi thoa lên vết phỏng của T. Chỉ vài phút sau đó, em bị nôn ói nhiều lần rồi ngưng thở. Người nhà vội vã đưa em đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Đồng Nai. Sau khi được sơ cấp cứu, bệnh nhi được chuyển lên BV Nhi đồng I để tiếp tục điều trị. Tại đây các bác sĩ ghi nhận, bệnh nhi bị hôn mê sâu, suy gan, suy thận nặng… Phải mất 20 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi mới khỏi bệnh và được xuất viện.
Cũng trong tháng 4-2009, BV Nhi đồng I đã cấp cứu thành công 2 trường hợp sốc phản vệ do thân nhân tự ý dùng thuốc. Trường hợp thứ nhất là bé N.P.H.K – 9 tháng tuổi, nhà ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Trước đó, thấy bé K. ho sổ mũi nhiều nên người nhà cho bé uống thuốc trị sốt ho. Sau khi uống thuốc khoảng 2 giờ, hai mi mắt của bé đều bị sưng phù và khó thở nên được gia đình đưa gấp tới BV. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc phản vệ do thuốc, vì vậy phải xử trí cấp cứu ngay. Sau khoảng 6 giờ điều trị, các dấu hiệu sinh tồn mới ổn định. Trường hợp thứ hai là em P.N.P.N – 12 tuổi, nhà ở Q.5, TP.HCM. Thấy N. ho và sổ mũi nên ba của bệnh nhi đã lấy toa thuốc mà bác sĩ kê cho mình trước đây để đi mua thuốc cho em uống. Hơn 1 giờ sau, N. kêu mệt, thở khò khè, thấy vậy gia đình đã đưa em tới BV…
Trẻ bệnh nên đưa tới BV
Để tránh những tai nạn nguy hiểm do dùng thuốc không đúng ở trẻ em, bác sĩ Hải Thoa – BV Nhi đồng I khuyến cáo: “Khi trẻ bị bệnh, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được khám bệnh và tư vấn dùng thuốc an toàn. Phụ huynh nên báo lại cho các bác sĩ biết những thuốc mà trẻ đã từng bị dị ứng. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc theo toa cũ. Đặc biệt, không lấy thuốc của người lớn cho trẻ uống vì rất nhiều loại thuốc cho người lớn có tác dụng phụ khi dùng cho trẻ em. Nếu không hiểu rõ đặc trưng của các loại thuốc này mà tùy tiện cho trẻ em uống sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Cha mẹ cũng không nên lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác uống, cho dù là thuốc bổ hay thuốc trị bệnh…”.
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng mãnh liệt, ngay lập tức khi cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Khi bị sốc phản vệ, bệnh nhân thường có các dấu hiệu khó thở do phù nề đường dẫn khí, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Các chất thường gây sốc phản vệ là kháng sinh, thuốc cản quang, do ong đốt, thức ăn như đậu phộng, tôm, cua. Sốc phản vệ thường gặp ở trẻ có tiền căn dị ứng (như suyễn, chàm, viêm mũi dị ứng). |
Với trường hợp của bệnh nhi T, bác sĩ Khánh Diệu – BV Nhi đồng I cho biết: “Việc điều trị bằng cách rắc bột kháng sinh có thể làm nặng thêm vết thương do khả năng diệt khuẩn không cao mà còn tạo thành hàng rào vật lý cản trở việc thâm nhập của các yếu tố bảo vệ đến vết thương. Ngoài ra việc rắc bột kháng sinh này làm kích thích da, kích thích phản ứng viêm tại chỗ, dễ gây ra phản ứng dị ứng và tình trạng sốc phản vệ mà hậu quả có khả năng dẫn đến tử vong”.
Các triệu chứng của sốc phản vệ: nổi mề đay, đỏ da, ngứa, tay chân lạnh, vật vã, bứt rứt, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng, nghẹt mũi, khò khè, khó thở, tím tái. Nếu trẻ có các biểu hiện trên sau khi tiếp xúc với các chất thường gây sốc phản vệ, người nhà cần ngưng ngay thuốc hoặc chất gây dị ứng và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.
Thùy Anh
Bình luận (0)