Ngoài nhà trường, phụ huynh cũng cần phải quan tâm đến học sinh. Ảnh: K.Anh
|
Thời điểm này đang là mùa thi ở các trường phổ thông. Một câu hỏi đặt ra: Phụ huynh có nên “ôn thi” cùng con hay để mặc cho con “tự bơi”?
Có thể nói, sự nhiệt tình quá mức hay thờ ơ của phụ huynh đều có nhiều bất lợi đến kết quả thi của học sinh…
Bị cô giáo mắng vốn vì không… đi thi
Cách đây hơn một tuần, Thanh Vân – cô bạn học chung lớp ĐH của tôi – ở Hà Nội vào TP.HCM công tác. Hôm đó là thứ bảy, khoảng 16 giờ, khi chúng tôi đang trò chuyện trong quán nước thì Vân có điện thoại. Nghe xong, mặt bạn hầm hầm, tôi hỏi có chuyện gì thì Vân trả lời: “Sáng nay thi học kỳ 2 môn sử mà thằng Bin (đang học lớp 6 – PV) không đi thi. Cô giáo chủ nhiệm gọi điện mắng vốn…”. Tôi lại hỏi: “Ở nhà còn bố nó, sao ông ấy không đưa đi thi?”. Thanh Vân trả lời: “Thằng Bin không nói gì, vợ chồng mình lại cứ nghĩ nó được nghỉ 3 ngày liên tục (thứ sáu nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, thứ bảy và chủ nhật – PV). Ai ngờ trường vẫn học bình thường, đã vậy lại còn thi học kỳ môn sử nữa chứ. Con với cái…”.
Thanh Vân tỏ ra rất tức giận khi nhắc đến cậu quý tử của mình. Và nghe cách bạn nói chuyện qua điện thoại với chồng và mọi người thì dường như bạn giận tất cả mọi người vì không ai quan tâm đến chuyện học hành của cu Bin.
Nhưng thực ra người đáng trách nhất là Thanh Vân (mẹ cu Bin), sau đó là bố của Bin, rồi tới lượt Bin chứ không phải là bà ngoại hay em gái. Việc con thi học kỳ mà cha mẹ không biết để đến mức con không đi thi, điều đó chứng tỏ vợ chồng Thanh Vân không hề quan tâm đến chuyện học của con cái. Bỏ mặc con cho nhà trường, cho thầy cô giáo.
Những phụ huynh như vợ chồng Thanh Vân không phải là hiếm. Với họ, chuyện kiếm tiền quan trọng hơn chuyện học của con. Họ cho rằng, chuyện học hành của con đã có nhà trường lo rồi. Chính vì vậy mà có không ít bố mẹ cả năm không ngó tới sách vở của con lấy một lần. Con bảo hôm nay học môn gì thì họ biết là hôm nay học môn đó, con nói hôm nay nghỉ thì họ biết là nghỉ… Và kết quả là con cái học hành chẳng ra làm sao. Như trường hợp của con trai bạn tôi. Năm nào cu Bin cũng “đội sổ”, giáo viên chủ nhiệm cũng phải nói chuyện riêng với phụ huynh một vài lần về kết quả học tập của Bin. Nhưng khổ nỗi cái suy nghĩ “trăm sự nhờ thầy” đã ăn quá sâu vào đầu của vợ chồng bạn tôi…
Bỏ đi du lịch vì… con sắp thi học kỳ
Đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày (từ ngày 27-4 đến hết 1-5), công ty của chị Gia Huệ (Q.1, TP.HCM) tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi du lịch Hà Nội – Hạ Long – Sa Pa. Là lao động tiên tiến (năm 2012) nên chị Gia Huệ được kèm miễn phí 2 người. Vì vậy, đầu tháng 4, chị đã đăng ký với công ty là đi cả nhà (hai vợ chồng và cô con gái tên Gia Hân đang học lớp 5). Không chỉ chị mà cả chồng và con gái đều háo hức chờ tới ngày đi du lịch. Bởi cả gia đình chị chưa ai được đặt chân ra Hà Nội, Hạ Long hay Sa Pa.
Gần tới ngày đi du lịch, xem sổ liên lạc của con biết được qua lễ là con bước vào kỳ thi học kỳ 2, chị Gia Huệ quyết định bỏ chuyến đi du lịch đáng giá hàng chục triệu đồng. Đã vậy, chị còn phải bù mấy triệu đồng tiền vé máy bay. Điều này khiến cho chồng chị không khỏi tức giận nhưng… không sao. Với chị, việc học hành, thi cử của con gái là quan trọng nhất.
Trong 5 ngày nghỉ lễ, chị vẫn đưa con tới trung tâm văn hóa ngoài giờ học thêm 2 môn toán, tiếng Việt; tới trung tâm ngoại ngữ học tiếng Anh. Thời gian còn lại, chị kiên trì ngồi bên bàn học cùng con. Khổ nhất vẫn là bé Gia Hân, không những không được đi du lịch như đã khoe với các bạn trong lớp mà còn phải học bài nhiều hơn những ngày đi học bình thường.
Chị Gia Huệ cho biết: “Kỳ thi học kỳ 2 này rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến việc học ở trường THCS của con. Vì vậy, tôi muốn con gái mình phải đạt 20 điểm (môn toán và tiếng Việt). Có như vậy muốn xin vào trường nào học cũng dễ. Vả lại, kế hoạch của gia đình tôi là cho con thi vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nên con gái tôi nhất định phải có thành tích tốt trong kỳ thi học kỳ này…”.
Theo dự kiến của chị Gia Huệ, sau khi bé Gia Hân nghỉ hè sẽ đăng ký vào lớp ôn thi cấp tốc (vào lớp 6) tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Điều đó cũng có nghĩa, chị đã tước đi cái quyền được nghỉ lễ, nghỉ thứ bảy, chủ nhật và nghỉ hè của con gái. Trên thực tế, chị Gia Huệ không phải là phụ huynh duy nhất tham gia quá sâu vào chuyện học hành của con cái.
Từ hai câu chuyện trên cho thấy, việc học hành của học sinh bắt buộc phải có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Phụ huynh không thể “khoán trắng” cho thầy cô nhưng cũng không nên bắt con học quá nhiều…
Bài, ảnh: Hòa Anh
Cô Bùi Thị Kim Dung – giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) – cho rằng: “Mỗi ngày phụ huynh chỉ cần dành 30 phút để học với con. Phụ huynh phải nắm được lịch học, lịch thi của con để phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Phụ huynh không nên cái gì cũng giao hết cho nhà trường…”. |
Bình luận (0)