Câu chuyện xảy ra tại xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Theo chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân Hồ Minh Mậu, đây là giải pháp trước mắt bởi điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
Học sinh vui chơi tại điểm trường trung tâm Trường mầm non xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An – Ảnh: DOÃN HÒA |
Qua đường dây nóng của Tuổi trẻ, nhiều phụ huynh tại xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An phản ánh việc năm học mới 2016-2017 đã đến nhưng con em họ dù đủ tuổi đến trường vẫn không được nhập học vì địa phương xét tuyển dựa vào việc gia đình sinh con trong, ngoài kế hoạch.
Nhiều phụ huynh bức xúc với quy định “oái ăm” này bởi vì họ cho rằng quyền lợi được đi học, được đến trường không được đảm bảo theo quyền của trẻ em.
Suốt một tuần qua, vợ chồng anh Cao Trọng Tư, 37 tuổi, ngụ xóm 3, xã Quỳnh Tân chạy đôn chạy đáo để tìm chỗ học cho con trai thứ ba là bé Cao Trọng Gia Bảo (3 tuổi) bởi trường mầm non xã không nhận bé vào học.
Anh Tư cho biết năm 2015, gia đình có gửi bé Bảo ở trường mầm non xã chừng hơn hai tháng. Sau đó vợ chồng anh khăn gói sang Lào để tìm việc làm nên đưa bé Bảo đi cùng.
“Đầu năm học này tôi về quê, đến trường xin cho con đi học thì nhà trường thông báo lý vì vợ chồng tôi sinh con thứ ba nên phải nhường “suất” học cho các gia đình sinh con thứ nhất, thứ hai.
Tôi hỏi các cô giáo có quy định nào không cho trẻ trong gia đình sinh con thứ ba không? thì các cô nói đây là quy định riêng của địa phương”, anh Tư kể lại.
Con không được nhập học, vợ chồng anh Tư đành gửi con lại cho ông bà trông dùm để đi làm.
Cùng chung tình cảnh với gia đình anh Tư, chị Hồ Thị K. (35 tuổi, ngụ xóm 6, xã Quỳnh Tân) cũng có con gái năm nay 4 tuổi không được nhập học vì vợ chồng chị K. sinh con thứ ba.
“Nhìn các bé cùng tuổi được đến trường học, tôi rất thương con, cháu nó có tội tình gì đâu chứ? Hằng năm các nghĩa vụ xây dựng trường học, cơ sở vật chất theo nhân khẩu chúng tôi đều đóng góp đầy đủ nhưng sao lại có chuyện phân biệt giữa sinh con trong hay ngoài kế hoạch như vậy”, chị K. bức xúc nói.
Theo chị K., đầu năm học mới 2016 không riêng gì gia đình chị mà nhiều gia đình khác trong xã có con sinh thứ nhất, thứ hai từ 3-5 tuổi cũng mệt mỏi trong việc “bốc thăm may mắn” cho con được nhập học.
“Để cháu ở nhà thì không có ai trông, vợ chồng phải bỏ việc để trông con. Cháu đến trường chậm sẽ không theo kịp bạn bè và ảnh hưởng đến tâm lý của con nên gia đình tôi rất lo lắng”, chị K. tâm sự.
Trao đổi với Tuổi trẻ, cô Lê Thị Thủy, hiệu trưởng Trường mầm non, và ông Hồ Minh Mậu, chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân, thừa nhận ở địa phương có chuyện xét tuyển học sinh vào trường mầm non học dựa vào việc gia đình sinh con trong, ngoài kế hoạch.
Cô Thủy cho biết đầu năm học mới qua khảo sát của nhà trường thì tổng số trẻ tự nhiên trên địa bàn xã từ 3-5 tuổi là 1.024 cháu, từ 0-2 tuổi là 848 cháu. Trường mầm non Quỳnh Tân có 4 cụm trường với 17 phòng học.
“Căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, năm học này chúng tôi xét tuyển 780 cháu 3-5 tuổi, còn lại 244 cháu chưa được đến trường do thiếu phòng học. Độ tuổi nhà trẻ 0-2 tuổi chỉ được 97 cháu. Số đông còn lại ở nhà. So với năm học trước chúng tôi đã mở thêm 5 lớp mẫu giáo, mở lớp dạy tại nhà văn hóa xóm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thực t”ế, cô Thủy nói.
Cô Thủy cho hay việc xét tuyển dựa vào gia đình sinh con thứ ba là giải pháp của địa phương chứ “cấp trên không có chủ trương này”.
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân Hồ Minh Mậu cho biết tại các cuộc tiếp xúc cử tri người dân đã nhiều lần kiến nghị vấn đề giải quyết vấn đề phòng học cho trẻ mầm non nhưng tỷ lệ sinh con thứ ba ở địa phương cao (30%), tạo áp lực dân số.
“Trẻ 5 tuổi, chúng tôi đảm bảo 100% trẻ đến trường, không phân biệt sinh con thứ mấy. Nhưng trẻ từ 3-5 tuổi chúng tôi ưu tiên trong diện gia đình sinh đẻ có kế hoạch. Dù biết là sai luật, ảnh hưởng đến dư luận, nhưng đây là giải pháp trước mắt bởi điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, phải chấp nhận”, ông Mậu nói.
DOÃN HÒA/TTO
Bình luận (0)