Bất kỳ ai nghe câu nói ấy củaTrần Thị Lan Hương (xóm 2, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đều vô cùng xúc động. Mẹ mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt, bố đi làm phụ hồ xa nhà, một mình Hương quán xuyến việc nhà, vừa lo cho mẹ vừa lo cho 2 đứa em nhưng vẫn học giỏi. Hương đã thi đậu vào Trường ĐH Hà Tĩnh và Trường CĐ Sư phạm Nghệ An trong sự khâm phục của mọi người.
Học trong nỗi đau
|
Hương kể: “Nhà mình nghèo lắm, ruộng lúa mỗi năm trồng được một vụ, chỉ đủ gạo ăn hơn nửa năm, sau đó bố phải đi làm mướn làm thuê để nuôi cả nhà 5 miệng ăn. Ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1986 nay đã xuống cấp trầm trọng, những lúc trời mưa phải lấy tấm ni-lon căng trên đỉnh mùng mới ngủ được. Nhưng dù vậy, cả nhà vẫn rất vui vẻ. Còn bây giờ, từ khi mẹ bị bệnh tâm thần phân liệt, mình và các em phải sống trong nỗi đau khổ tột cùng…”.
Năm 2004, khi mang thai đứa con gái út Anh Thư được 3 tháng thì chị Lam – mẹ Hương mắc phải chứng bệnh quái ác ấy. Lúc đầu chỉ là những câu nói nhảm nhí, sau đó là la hét, chửi bới, đập phá, quăng quật bất cứ vật gì mẹ vớ được, rồi lại cười sằng sặc. Nhiều đêm chị không ngủ, cứ ngồi đầu giường, vò đầu tóc rối tung lên, bọt sùi ra hai bên miệng. Hai đứa em Hương thì sợ hãi, run rẩy. Còn Hương chạy lại can ngăn thì bị mẹ xô ngã trầy trán, sưng tay. Hương kể tiếp: “Mẹ không còn biết bất cứ điều gì, mẹ xé luôn cả tập vở của mình, mẹ không chịu uống thuốc vì sợ có độc… 6 năm qua, mình đã khóc hết nước mắt. Mẹ bệnh, mình càng thương mẹ hơn. Mình phải giúp mẹ khỏi bệnh, phải giành lại vòng tay yêu thương ấm áp của mẹ cho mình và các em. Mỗi lần ngước lên nhìn bức ảnh cả gia đình chụp chung treo trên tường, trong ảnh mẹ thật trẻ trung, da trắng, tóc dài, lòng mình se sắt lại. Ngày xa nhà theo mấy chú trong làng đi Thanh Hóa làm phụ hồ lấy tiền thuốc thang cho mẹ, bố đã căn dặn mình “Dù mẹ có thế nào đi nữa thì mẹ vẫn là mẹ của các con. Ở nhà, mọi việc bố trông cậy vào con”. Mình nhìn bố nghẹn ngào, mình biết, trái tim bố còn đau gấp trăm lần. “Bố cứ yên tâm, con lớn rồi mà”. Thương mẹ, thương bố, mình không thể gục ngã…”.
Sống trong nỗi đau tột cùng ấy, Hương quyết tâm phải học cho thật giỏi với mong ước khi mẹ khỏi bệnh, mẹ sẽ vui lắm. Ngày chưa lâm bệnh, chị Lam không có một ngày rỗi rảnh, dù có khó khăn đến đâu chị cũng muốn cho các con được học hành đến nơi đến chốn. Hương đảm đang tất cả công việc nhà, từ lo cho em, chăm sóc mẹ, đi học về lại tranh thủ ra đồng… Nhiều hôm đang học ở lớp lại nghe tin mẹ bỏ nhà đi mất. Vậy là Hương phải tất tả chạy về tìm mẹ… Tuy nhiên, bà con làng xóm chưa bao giờ nghe Hương mở miệng than thở lấy một lời, tình thương có sức mạnh thật lớn lao giúp Hương vượt qua tất cả.
Còn bố mẹ là còn tất cả
Hương tâm sự: “Mình luôn lạc quan vì còn ba mẹ là mình còn tất cả. Đoạt giải nhất cuộc thi viết Lời yêu thương của Báo Phụ Nữ TP.HCM, mình vui và hạnh phúc lắm. Giải thưởng này, mình xin dành cho ba mẹ…”. |
Suốt 3 năm học ở Trường THPT Nam Đàn II, Hương đều dạt danh hiệu học sinh khá giỏi. Hương đăng kí thi vào đại học chỉ để… đỡ tủi thân chứ Hương biết có đậu cũng không biết đào đâu ra tiền để học. Với lại, Hương đi thì ai lo cho mẹ. Ước mơ giảng đường với Hương quá xa xôi bởi ước hơn gần hơn là mong mẹ được khỏi bệnh vẫn chưa thực hiện được. Ngày nhận được tin đậu một lúc hai trường đại học, Hương vui lắm nhưng rồi sau đó đêm nào cũng ngồi khóc rấm rứt vì cứ nghĩ mình sẽ “lỗi hẹn” với giảng đường. Nhưng rồi một “phép lạ” đã đến, sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, sự tiếp sức của bà con làng xóm đã đưa Hương đến được với giảng đường (Hương chọn học Trường Đại học Hà Tĩnh). Hai em và mẹ Hương nhờ người dì trông coi, mỗi tuần Hương về với mẹ một lần, vừa học Hương vừa tranh thủ đi làm thêm để trang trải cuộc sống và phụ ba mua thuốc cho mẹ. Tin rằng với tấm lòng hiếu thảo và nghị lực của mình, Hương sẽ vượt qua tất cả những khó khăn để thực hiện được những mơ ước của mình.
Hiền Diệu
Bình luận (0)