Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Công bằng trong cách kiểm tra, đánh giá

Tạp Chí Giáo Dục

Năm hc 2024-2025 đưc coi là mc quan trng đánh du s đi mi giáo dc.

Theo tác giả, sự công bằng trong cách đánh giá mới cho kết quả chính xác về năng lực của học sinh (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới việc hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất và năng lực cốt lõi, góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của học sinh. Cùng với đó là chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách” cho phép học sinh học tập theo nhiều cách tiếp cận và phương pháp riêng của từng bộ sách giáo khoa (SGK), tạo độ “mở” cần thiết cho phép giáo viên được là những người “đồng thiết kế” bài học, tổ chức các hoạt động giảng dạy theo các hoạt động gợi ý của nhóm tác giả biên soạn, thậm chí có thể sử dụng SGK như tài liệu tham khảo. Về hình thức thì các bộ SGK mới có chất lượng tốt, trình bày đẹp, màu sắc hài hòa, hình ảnh sinh động tạo cảm hứng học tập. Về nội dung, các bộ SGK có nội dung phong phú, đa dạng, nhiều nội dung gắn liền với thực tiễn, áp dụng vào cuộc sống.

Năm học này cũng là năm bắt đầu triển khai phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 4 môn thi, gồm 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán và 2 môn học sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ). Việc phân hóa học sinh theo các tổ hợp môn được lựa chọn, bắt đầu giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12 cũng là điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, vừa mới bắt đầu vào bậc học mới, các em đã phải lựa chọn tổ hợp với định hướng xét tuyển ĐH rất dễ mất đi sự ưu tiên về học tập toàn diện. Mục tiêu như vậy chỉ đơn thuần là phân ban hơn là định hướng nghề nghiệp. Đa phần phụ huynh, học sinh băn khoăn, lúng túng để làm sao chọn ra phân ban phù hợp vì nếu chọn sai sẽ khó sửa. Ngay cả các trường THPT đưa ra các tổ hợp môn để học sinh lựa chọn không thể đáp ứng hết nguyện vọng của học sinh, vì còn phải cân đối bài toán thừa tiết, thiếu tiết của giáo viên.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh cũng là điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phương pháp kiểm tra đánh giá mới chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học, chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, chú trọng đánh giá các năng lực tư duy; không chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà chú ý cả quá trình học tập. Tuy nhiên, để thiết kế một đề kiểm tra đánh giá phù hợp cũng còn nhiều trở ngại với thầy cô. Đầu tiên là việc đặt câu hỏi có liên hệ thực tế nhiều khi lại “phi thực tế”. Kế tiếp là nội dung học được trình bày trong SGK theo hướng “giảm tải” nhưng đâu đó trong các đề thi vẫn xuất hiện nhiều câu “vận dụng”, nếu sử dụng “công thức nhanh” không nằm trong chương trình lại xử lý tốt hơn, phù hợp hơn với hình thức thi trắc nghiệm. Bên cạnh đó, mỗi bộ sách lại trình bày khác nhau, có bộ sách trình bày công thức này mà bộ sách khác lại không có! Những bài toán thực tế có tính liên môn, liên quan đến kiến thức môn vật lý, hóa học, sinh học… thì khi đặt câu hỏi nên có những câu dẫn để học sinh học ở những tổ hợp môn khác không được trang bị kiến thức liên môn thì vẫn có thể hiểu được nội dung câu hỏi. Nhưng liệu có sự công bằng trong việc kiểm tra, đánh giá như thế hay không?

Tôi đơn cử trong phần “Vectơ và hệ tọa độ trong không gian” của môn toán lớp 12, các bộ SGK đều “giảm tải”, không trình bày công thức tính diện tích của tam giác, công thức tính khoảng cách từ một điểm đến một đường thẳng, khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau (đây là các nội dung chỉ có trong SGK nâng cao trước đây). Bộ sách Chân trời sáng tạo tập 1 lớp 12 có hướng dẫn để tính diện tích tam giác bằng cách tìm tọa độ hình chiếu của đỉnh xuống đáy. Tuy nhiên, trong tài liệu “Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn toán” (biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018), các tác giả lại bổ sung các công thức “lạ”! (theo hình).

Học sinh nếu chỉ học trong SGK thì sẽ bất lợi hơn nếu không biết đến những “công thức nhanh” không có trong chương trình nhưng lại phù hợp với thi trắc nghiệm. Từ đó “nở rộ” hàng loạt “bí kíp” bấm máy tính cầm tay, các công thức “không chính quy” lại đặt nặng lên vai học sinh. Cũng như giáo viên vì thói quen, vì chưa tìm hiểu kỹ chương trình nên vẫn dùng cách dạy cũ vào chương trình mới. Do vậy, người ra đề cần tạo công bằng trong cách kiểm tra, đánh giá. Mặc dù “thi gì học nấy” chưa hẳn tốt nhưng “dạy” và “thi” phải đồng bộ để người học có động lực, có niềm tin vào những gì được tiếp nhận. Bao năm nay lý do đưa ra khi đề thi khó thì người ta thường biện giải “đề có tính phân hóa cao” liệu còn phù hợp không?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng là năm đầu tiên bắt đầu thay đổi về cấu trúc câu hỏi trắc nghiệm. Thay vì các câu trắc nghiệm một lựa chọn đúng nhất với thang điểm chia đều từng câu thì sẽ có thêm hai dạng thức trắc nghiệm mới là câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai (dạng thức 2) và câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn (dạng thức 3). Sự thay đổi này mong muốn khắc phục tình trạng “đánh lụi” cũng như phân bố trọng số cho những câu hỏi vận dụng. Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là giải pháp tốt nhất. Ở dạng thức 2, mỗi câu hỏi có 4 ý (mỗi câu tối đa được 1 điểm), độ khó các ý tăng dần và điểm số không chia đều cho các ý (không chia đều 0,25 điểm/ý). Học sinh làm đúng 1 ý chỉ được 0,1 điểm, đúng 2 ý được 0,25 điểm, đúng 3 ý được 0,5 điểm và đúng cả 4 ý thì được 1 điểm. Điều này chưa hợp lý, chưa khoa học, bởi lẽ học sinh làm đúng 2 ý ở dạng thức 2 mới đạt điểm bằng 1 câu ở dạng thức 1, trong khi mức độ yêu cầu ở dạng thức 2 là thông hiểu/vận dụng, còn mức độ yêu cầu ở dạng thức 1 chỉ là nhận biết! Ở dạng thức 3, gồm 6 câu trắc nghiệm trả lời ngắn, mỗi câu 0,5 điểm. Các đáp án phải được “ký số” thành 4 ký tự. Điều này khiến cho phần đề bài phải mô tả nhiều hơn, làm tròn hoặc đặt biến cho những kết quả lớn hơn 9999, hoặc nhỏ hơn -999, hoặc các số dưới dạng căn thức… Bên cạnh đó, mẫu trắc nghiệm do Bộ GD-ĐT công bố có để ô vuông để điền kết quả và ô tròn để tô kết quả nhưng không có hướng dẫn xử lý cho trường hợp điền đúng, tô sai, hoặc điền sai, tô đúng. Trong khi đáng ra không cần thiết để ô vuông điền kết quả!

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho phép học sinh nhiều lựa chọn theo năng lực, nguyện vọng. Do đó đề kiểm tra, đánh giá cũng cần “mở” bình đẳng cho học sinh ở nhiều tổ hợp, phân ban khác nhau, tránh đặt những câu hỏi “đặc thù” mà chỉ gặp ở sách này, không gặp ở sách kia. Sự công bằng trong cách đánh giá mới cho kết quả chính xác về năng lực của học sinh. Để thực hiện được điều này cần xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn, có độ tin cậy cao, số lượng câu hỏi lớn có thể bao quát được kiến thức toàn diện của học sinh, hoặc kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm để phát huy được những ưu điểm và hạn chế bớt những nhược điểm của mỗi hình thức kiểm tra. Đây sẽ là những điều Bộ GD-ĐT cần quan tâm và sớm có sự điều chỉnh kịp thời.

Lâm Vũ Công Chính

Bình luận (0)