Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cổng bệnh viện ở TP.HCM: Điểm nóng lấn chiếm, ùn tắc

Tạp Chí Giáo Dục

Thói quen băng qua đường ở nơi không có vạch bộ hành khiến cho cổng Bệnh viện Ung bướu đôi khi vẫn xảy ra ách tắc

Tương tự như những điểm đen về ùn tắc ở các giao lộ, các điểm nóng về ùn tắc, lấn chiếm ở khu vực cổng bệnh viện tại TP.HCM cũng lâm vào cảnh tái đi tái lại nhiều lần, gây mất trật tự an toàn giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố.

Dẹp rồi lại tái diễn

Tình cảnh đó đã tái diễn ở khu vực cổng Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) – bệnh viện tuyến đầu của TP.HCM và khu vực phía Nam trong nhiều năm qua. Xe ôm, xe bán bánh mì, hủ tiếu, bắp luộc… đều tọa lạc ở đây khiến cho lề đường lúc nào cũng chật chội, bức bối, nhà chờ xe buýt vì thế cũng bị chiếm dụng làm chỗ bán buôn. Hưởng ứng cuộc vận động “Thực hiện nếp sống văn minh – mỹ quan đô thị”, TP và chính quyền địa phương (quận 5 và quận 11) trong những năm 2007, 2008 đã nhiều lần vào cuộc chấn chỉnh nhưng tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường, xả rác và đổ nước thải, dừng đậu xe không đúng quy định chỉ tạm lắng xuống rồi lại đâu vào đấy. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường không chỉ xảy ra ở Bệnh viện Chợ Rẫy, mà còn diễn biến phức tạp ở một số bệnh viện khác cũng trong khu vực quận 5 như Bệnh viện Răng hàm mặt TW (đường Nguyễn Chí Thanh), Bệnh viện ĐH Y dược (đường Hồng Bàng), Bệnh viện Hùng Vương (đường Phạm Hữu Chí), Bệnh viện Nhiệt đới (đường Võ Văn Kiệt)…

Được biết từ năm 2010 đến nay, chính quyền quận lại tiếp tục đẩy mạnh việc chấn chỉnh, yêu cầu các hộ dân khu vực xung quanh bệnh viện cam kết không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, hướng dẫn các hộ kinh doanh đưa vào bên trong nhà dân hoặc chuyển đổi ngành nghề, tăng cường công tác quản lý đội xe ôm tự quản, sắp xếp đậu xe, cử người hướng dẫn để tránh hành vi chèo kéo khách nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tránh ùn tắc, phòng chống tệ nạn xã hội, nâng cấp vỉa hè, vận động người dân giữ gìn vệ sinh thường xuyên tẩy rửa vỉa hè, không xả rác, giữ lòng và lề đường thông thoáng… Có điều các hộ dân thì thực hiện, nhưng những hàng quán di động của lao động di cư thì “có biển cấm cũng vẫn bán”.

Thực tế cho thấy hầu hết các bệnh viện có khuôn viên rộng đều tạo điều kiện để xe taxi vào sân đưa đón khách, nhưng vẫn còn tình trạng một số tài xế taxi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để dừng chờ khách; người dân cũng lấn chiếm để bán thức ăn, trái cây, đường sữa, đồ chơi trẻ em và các vật dụng dùng trong sinh hoạt cá nhân ở khu vực gần bệnh viện gây đông xe, ùn tắc, giao thông phức tạp. Tình trạng này hiện còn tái diễn ở nhiều nơi như Bệnh viện Nhi đồng 2, Từ Dũ (quận 1), Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Mắt (quận 3), Bệnh viện 115, Nhi đồng 1 (quận 10)… Điều đáng nói là khi lề đường trước bệnh viện trở thành nơi họp chợ, hàng rong vây kín, người đi bộ phải đi xuống lòng đường và đã có không ít trường hợp bị TNGT hoặc xảy ra va quẹt.

Theo TS. Lê Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, tình trạng hàng rong bủa vây ít nhiều làm ảnh hưởng tới hình ảnh của bệnh viện. Đơn vị cũng đã thường xuyên phối hợp với công an địa phương dẹp nạn hàng rong, nhưng ngặt nỗi khi công an đến thì hàng rong dời đi rồi lại quay trở lại hoạt động sau đó.

Cần những sáng kiến và giải pháp lâu dài

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, nguyên nhân của tình trạng lấn chiếm lòng lề đường là do chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mực, chưa thực hiện tuyên truyền một cách thường xuyên và chưa đúng đối tượng do người bán hàng rong thường không có hộ khẩu thường trú, cư ngụ nhiều nơi nên địa phương không quản lý được. Do đó ông Tường cho rằng bên cạnh việc đề nghị TP tăng cường lực lượng và trang thiết bị hỗ trợ, điều quan trọng nữa là cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các phường, quận nhằm tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trên địa bàn, đồng thời nhân rộng những mô hình, giải pháp hay góp phần chấn chỉnh tình trạng trên.

Tính đến thời gian này, Bệnh viện Ung bướu (thuộc phường 7 và 14, quận Bình Thạnh) có lẽ đang là đơn vị điển hình trong việc dần ổn định tình hình trật tự giao thông trước cổng bệnh viện, do có sự phối hợp đồng bộ của chính quyền địa phương. Được biết trước đây tình trạng đông xe, ùn tắc, buôn bán lấn chiếm, xe ôm tự phát chèo kéo khách thường xuyên diễn ra ở khu vực cổng, nhất là khi những nhóm hoặc cá nhân phát cơm từ thiện chọn lề đường để phân phát thức ăn cho bệnh nhân và thân nhân. Tuy nhiên nhờ có sự hướng dẫn, hỗ trợ của Công an phường 7 và bảo vệ dân phố, nên các nhà hảo tâm đã thực hiện việc phân phát ở bên trong bệnh viện để đảm bảo trật tự khu vực cổng ra vào. 

Bên cạnh việc phân công trực gác ở cổng bệnh viện để kịp thời giải quyết khi xảy ra ùn tắc hoặc giải tỏa hàng rong, lực lượng công an, bảo vệ dân phố, trật tự đô thị của hai phường còn kết hợp với công an quận và Phòng CSGT Công an TP.HCM tăng cường tuần tra, chốt chặn để đảm bảo an ninh trật tự vòng ngoài và hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ bên trong bệnh viện khi có yêu cầu. Hiện nay khu vực giáp ranh giữa Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trước đây mất vệ sinh vì nhiều người sống lang thang đến phóng uế, nay đã được cải thiện bằng cách xây tường rào để đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ. Tuy nhiên, tại đơn vị này, vẫn còn hai hạn chế cần khắc phục là tình trạng xe ôm tự phát đón khách và người dân không lưu thông bằng cầu bộ hành, mà lại băng qua đường một cách tự tiện nên đôi khi gây ùn ứ, không an toàn cho bản thân và những người cùng tham gia lưu thông.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Theo TS. Lê Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, tình trạng hàng rong bủa vây ít nhiều làm ảnh hưởng tới hình ảnh của bệnh viện. Đơn vị cũng đã thường xuyên phối hợp với công an địa phương dẹp nạn hàng rong, nhưng ngặt nỗi khi công an đến thì hàng rong dời đi rồi lại quay trở lại hoạt động sau đó. 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)