Sáng 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, gồm: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Cư trú năm 2020; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì cuộc họp báo.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong tình hình mới
Luật Biên phòng Việt Nam gồm 6 chương, 36 điều; nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của Đảng, Nhà nước.
Việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ, nhằm tăng cường hiệu lực trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; là cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng Bộ đội Biên phòng nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong tình hình mới. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân
Luật Cư trú năm 2020 có 7 chương, 38 điều và có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú năm 2020 nhằm bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng lý, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú, trọng tâm nhằm xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đáng chú ý, chương IV của luật quy định việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin, thông qua việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, Luật Cư trú năm 2020 bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế
Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 7 chương, 52 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021; thay thế Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.
Đáng chú ý, Luật Thỏa thuận quốc tế đã mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các chủ thể chưa được quy định trong Pháp lệnh năm 2007 như tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban Nhân dân cấp huyện, Ủy ban Nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp.
Tăng mức xử phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 3 điều; sửa đổi, bổ sung nội dung 66/142 điều, sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 4 điều, bãi bỏ 3 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tăng mức xử phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực quản lý nhà nước, gồm: Giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản.
Bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm 8 chương, 74 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Đáng chú ý, Luật mở rộng đối tượng áp dụng và bổ sung quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Luật bổ sung quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động khi bị ngược đãi, đe dọa; bổ sung quyền được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện.
Đảm bảo dự phòng lây nhiễm HIV
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã sửa đổi, bổ sung 15 điều và bãi bỏ 2 điều.
Đáng lưu ý, Luật bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, người sống chung như vợ, chồng của người nhiễm HIV, nhằm đảm bảo dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng trên.
Theo Luật này, độ tuổi của trẻ được quyền tự nguyện đề xuất xét nghiệm HIV giảm từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế và sự gia tăng số trẻ em nhiễm HIV trong giai đoạn hiện nay. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021.
Cộng đồng cư dân là một chủ thể bảo vệ môi trường
Luật Bảo vệ môi trường gồm 16 chương, 171 điều; nhằm mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.
Luật có nhiều điểm đổi mới căn bản. Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Luật tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022./.
Bình luận (0)