Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Công bố các môn thi tốt nghiệp THPT

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh TP.HCM làm thủ tục vào phòng thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa qua. Ảnh: T.Q

Ngày 23-3, Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT là văn, toán, ngoại ngữ, hóa học, địa lý, lịch sử. Còn với giáo dục thường xuyên là văn, toán, vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý. So với năm 2011 thì các môn thi tốt nghiệp năm nay nghiêng về các môn xã hội. Nhưng theo nhiều nhà giáo, đó không có nghĩa là bất ngờ, là vất vả.
Không có chuyện bất ngờ
Sau khi nhận được thông tin về các môn thi tốt nghiệp THPT chính thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều ý kiến cho rằng các môn thi tốt nghiệp năm nay nghiêng về các môn xã hội sẽ khiến giáo viên, học sinh vất vả vì phải học thuộc nhiều. Nhưng theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), khó khăn, vất vả đó là quan niệm của học sinh và có thể của thầy cô. Còn với nhà trường, môn học nào cũng bình đẳng. Học sinh phải học hết. Nếu có ý kiến cho là bất ngờ, là khó khăn thì đó là ý kiến bao biện, là lý do để học sinh ỷ lại. Theo phân tích của thầy Bình, nếu chúng ta suốt ngày chỉ quanh quẩn giải quyết khó khăn, vất vả của các môn khối xã hội thì là điều vô lý. Bởi học môn nào như thế nào, thời  lượng, yêu cầu đã được quy định rất rõ, học sinh, giáo viên phải đạt được điều này. Hơn nữa, thi tốt nghiệp chỉ yêu cầu học sinh ở mức trung bình nên không có gì khó và vất vả.
Trả lời Giáo Dục TP.HCM, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết với các môn thi tốt nghiệp năm nay, Hà Nội có nhiều thuận lợi hơn khó khăn. Đó là học sinh Hà Nội học đều các môn, không có chuyện thi gì học nấy nên sở cũng rất yên tâm. Bên cạnh đó cũng có khó khăn đó là các môn xã hội thường không nhận được sự quan tâm nhiều của học sinh.
Trước đó, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Đoàn Hoài Vĩnh cũng đã ký văn bản nhắc nhở các trường THPT, bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn về việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. 
Một trong những yêu cầu được đặc biệt nhấn mạnh là hướng dẫn học sinh nắm vững kiến thức, dành nhiều thời gian cho việc tự học, tránh học tủ, học vẹt; dạy đúng, dạy đủ chương trình, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng, chú ý dạy đủ các tiết thực hành; xây dựng kế hoạch để bảo đảm cho mọi học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng dự thi. Các trường được yêu cầu quan tâm tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo những học sinh có học lực yếu, kém, học sinh người nước ngoài và thí sinh tự do xin ôn tập; phổ biến kỹ năng cho học sinh khi làm bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan và kịp thời thông báo cho phụ huynh nắm rõ tình hình học tập của học sinh, đặc biệt là những em có học lực yếu, kém có thể không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp.
Học chọn ban – thi ngẫu nhiên
Hiện nay, hầu hết khi bước vào lớp 10, học sinh thường chọn ban theo nguyện vọng và nhu cầu của mình. Do cơ hội việc làm, chỉ tiêu vào các ngành xã hội ngày càng khó khăn nên hầu như học sinh đều chọn ban tự nhiên hoặc ban D. Thầy Nguyễn Quốc Bình cho biết ở Trường THPT Việt Đức không có lớp xã hội nào. Còn tại Trường THPT Trần Phú, theo lãnh đạo nhà trường thì năm 2011 cả trường chỉ có 1 đến 2 học sinh lựa chọn thi khối C. Không chỉ có Việt Đức, Trần Phú mà hầu hết các trường khác của Hà Nội khối xã hội đều không phải là lựa chọn của phần lớn học sinh. Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ GD-ĐT thì môn thi tốt nghiệp được bốc thăm một cách ngẫu nhiên. Chính sự “vênh” nhau giữa lựa chọn của học sinh và cách thức chọn môn thi tốt nghiệp đã dẫn đến tình trạng năm nào thi nhiều môn xã hội là học sinh thấy “ngán”, thấy “sợ”. Không những thế, ngay trong cách phân bố số tiết học, các môn như sử, địa đều có thời lượng rất ít, chỉ 1,5  tiết/tuần.
Còn nhớ, kỳ thi ĐH năm 2011, kết quả thi khối C cho thấy có hàng ngàn điểm 0 môn sử. Điều này là bằng chứng rất rõ cho vấn đề này. Hy vọng với môn sử là môn thi tốt nghiệp, năm nay kỳ thi ĐH, CĐ đối với khối C sẽ có kết quả “đẹp” hơn.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)