Ngày 11-9, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu “Trẻ em ngoài nhà trường của Việt Nam”. Đây là sáng kiến toàn cầu do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Viện Thống kê UNESCO khởi xướng, có ý nghĩa quan trọng trong hành động, thúc đẩy các nước nhanh chóng đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc là tất cả trẻ em đều được đến trường vào năm 2015.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả giáo dục rất đáng khích lệ về phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ… Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận trẻ em ngoài nhà trường, thường tập trung vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bộ phận trẻ em ngoài nhà trường này chưa được nắm bắt đầy đủ, còn thiếu số liệu, thiếu sự thống nhất về cách định nghĩa, xếp loại, từ đó thiếu chính sách và biện pháp can thiệp cụ thể.
Báo cáo trẻ em ngoài nhà trường phân tích thực trạng của trẻ em ngoài nhà trường (gồm trẻ em chưa từng đi học hoặc bỏ học) ở độ tuổi 5 – 14 tuổi. Theo đó, tổng số trẻ em ngoài nhà trường của nước ta ở lứa tuổi 5 – 14 tuổi là hơn 1,1 triệu em. Cả nước có 2,67% trẻ em từ 5 – 17 tuổi chưa bao giờ đi học, tỷ lệ này tập trung chủ yếu ở một số nhóm dân tộc thiểu số. Tình trạng đi học quá tuổi ở các lớp tiểu học và trung học cơ sở chiếm gần 6%. Đặc biệt, có sự khác biệt giữa nhóm trẻ em di cư và không di cư. Nhóm trẻ em di cư luôn có kết quả kém hơn so với nhóm không di cư và sự khác biệt cũng tăng khi độ tuổi tăng. Trong các gia đình di cư có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường cao hơn các gia đình không di cư 1,3 lần ở độ tuổi 5 tuổi 1,8 lần ở độ tuổi tiểu học và 2,4 lần ở độ tuổi trung học cơ sở…
Từ thực trạng trên, báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm đảm bảo công bằng giáo dục cho mọi trẻ em, đặc biệt là quyền đi học của trẻ em ngoài nhà trường, trẻ em có nguy cơ bỏ học. Cụ thể như: lồng ghép vấn đề trẻ em ngoài nhà trường vào công tác lập kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ và cộng đồng về giá trị lâu dài của giáo dục, về quyền trẻ em, đầu tư có trọng điểm cho vùng dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cả về chuyên môn, nghiệp vụ, ngôn ngữ, văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp ở các vùng sâu, vùng xa tạo mô hình học tập thân thiện…
THÔNG TẤN
(SGGP)
Bình luận (0)