Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Công bố phương án thi tốt nghiệp: Thầy băn khoăn, trò thở phào

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp năm 2013. Ảnh chụp tại Hội đồng thi Trường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM

Ngay khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố các môn thi tốt nghiệp THPT 2014, rất nhiều học sinh (HS), giáo viên thuộc các trường THPT đã bày tỏ sự vui mừng trước thông tin này.
Nhiều điểm có lợi
Có thể nói, đổi mới thi tốt nghiệp THPT nhằm giảm áp lực thi cử cho HS là điều mà cả xã hội đang mong đợi trong những năm gần đây. Chính vì thế, phương án thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT công bố chiều 24-2 nhận được ý kiến đồng tình của rất nhiều lãnh đạo, giáo viên các trường THPT và các cá nhân quan tâm đến ngành GD-ĐT. Theo bà Trương Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM) thì phương án chọn 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp áp lực thi cử của HS nhẹ đi rất nhiều, không còn coi đó là gánh nặng như các khóa HS trước đây. “Ngay khi bộ công bố 2 phương án thi tốt nghiệp THPT vào tháng 12-2013, không ít HS đã bày tỏ mong muốn được chọn phương án thi 4 môn”, bà Thủy cho biết. Đồng tình với ý kiến này, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt cũng cho rằng, lựa chọn 4 môn thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT là quay về với hình thức thi 4 môn được thực hiện từ trước năm 2001. “Giảm đi 2 môn thi tốt nghiệp, bộ đã giảm đi một lượng kinh phí đáng kể cho khâu tổ chức, sao in đề thi, chấm thi… Với tỉ lệ thi tốt nghiệp THPT của cả nước năm nào cũng xấp xỉ trên dưới 98%, thậm chí nhiều địa phương đạt trên 99% cho 6 môn thi tốt nghiệp THPT thì cũng không nên quá gây căng thẳng cho HS trong vấn đề thi cử. Với nhiều trường THPT trong và ngoài công lập có chất lượng đào tạo tốt thì vấn đề thi tốt nghiệp THPT đã không còn là vấn đề để quá bận tâm”, ông Hiếu nhìn nhận.
Riêng tại Trường THPT Thành Nhân, rất nhiều HS đã bày tỏ sự phấn khởi khi nghe công bố từ Bộ GD-ĐT. Ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc cho HS lựa chọn 2 môn trong số 6 môn thi tự chọn (hóa, lý, sinh, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ) tạo điều kiện cho những HS chọn các môn dự kiến sẽ thi ĐH hoặc các môn có khả năng học tốt. Về cơ bản, các em sẽ lựa chọn các môn thi trắc nghiệm là lý, hóa, sinh, ngoại ngữ nhiều hơn môn thi tự luận là địa lý, lịch sử. Theo kinh nghiệm từ những năm trước đây, môn thi tự luận thường phải học bài nhiều hơn, việc đối chứng kết quả bài làm với đáp án cũng khó khăn hơn. Trong khi đó, các em làm bài thi trắc nghiệm thường dễ biết điểm ngay sau khi làm bài. Trường hợp không biết câu trả lời, các em có thể chọn một trong các đáp án đưa ra với hi vọng xác suất điểm rơi vào 25% trong câu hỏi.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Tuy đồng tình với phương án của bộ nhưng nhiều lãnh đạo trường vẫn cho rằng bộ quá khẩn trương khi đưa ra phương án thi tốt nghiệp năm nay. Thay vào đó, bộ nên nghiên cứu và đưa ra các giải pháp thực hiện cho lộ trình thi tốt nghiệp THPT lâu dài. Ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh (Q.12, TP.HCM) cho rằng, việc cho các em HS tự đăng ký môn thi sẽ gây khó khăn cho quá trình tổ chức ôn tập tại trường. Ngoài 2 môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn, trường sẽ phải tổ chức sắp xếp lại lớp, phân công giáo viên ôn tập theo số lượng HS đăng ký ở mỗi môn thi. Như vậy sẽ dẫn đến hiện tượng môn này HS đăng ký thi nhiều, môn kia lại ít, thậm chí những môn như lịch sử, địa lý chỉ có từ 5-10 em đăng ký vẫn phải tổ chức lớp ôn tập. Bà Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản cũng thừa nhận: Sau Tết Nguyên đán, trường có tổ chức khảo sát cho HS đăng ký các môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả là có 60-70% HS chọn môn lý và hóa, số HS đăng ký 2 môn sử và địa rất ít. Nếu chiếu theo thực tế các trường THPT ngoài công lập chỉ có 100-200 em HS thì vấn đề tổ chức lớp ôn tập, bố trí giáo viên, giám thị ôn tập cho HS còn khó khăn hơn nhiều. Đó là chưa kể tới khó khăn ở một vài trường ngoài công lập không tổ chức cho HS ôn tập ngay tại trường do điều kiện mặt bằng, phòng ốc chật hẹp mà đi đến địa điểm khác.
Một số lãnh đạo cũng bày tỏ băn khoăn trong việc kết hợp  kết quả học tập và rèn luyện của HS lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ 50/50. Đành rằng, giải pháp này sẽ hạn chế được thực trạng học “lệch” của HS, khiến HS không quá chú tâm vào các môn sẽ lựa chọn cho kỳ thi tốt nghiệp nhưng mẫu số chung nào để đánh giá kết quả học tập của HS thành thị với HS vùng nông thôn? Ngoài ra, nếu các sở ngành không giám sát vấn đề dạy và học chặt chẽ sẽ dễ nảy sinh tiêu cực trong việc kiểm tra, cho điểm và đánh giá kết quả HS. “Nếu kết quả học tập trung bình đạt trên 7.0 điểm, các thí sinh chỉ cần đạt 3 điểm/ môn thi cũng đủ điểm đậu tốt nghiệp THPT. Hiệu trưởng một số trường ngoài công lập, trường có chất lượng HS yếu chỉ cần “nhẹ tay”, “làm ngơ” hoặc ngầm “khuyến khích”, điểm số trung bình học tập của HS sẽ được tăng lên. Điều này dự báo tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT của cả nước và các địa phương năm nay sẽ tăng lên đáng kể, thậm chí tỷ lệ trường có 100% HS đậu tốt nghiệp sẽ tăng đột biến”, hiệu trưởng một trường THPT đánh giá.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)