Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Cõng chữ lên đỉnh Giàng Pằng

Tạp Chí Giáo Dục

Những cơn mưa rừng vừa dứt, chúng tôi lên thăm các thầy cô giáo tại điểm trường lẻ Giàng Pằng, thuộc xã Sùng Đô, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Trên đỉnh núi cao gần 2.000m này đang có những giáo viên vượt qua khó khăn để cắm bản, gieo cái chữ, đem ánh sáng tri thức đến cho con em đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Thầy Nguyễn Tuấn Ba, cô Nguyễn Thị Yến chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh trên đỉnh Giàng Pằng
Gian nan con đường "gieo chữ”
Cách trung tâm xã gần 30 km, nhưng để đến được Giàng Pằng – nơi được coi là khu vực cao nhất ở xã Sùng Đô, chúng tôi phải vượt qua địa phận xã Nậm Mười, rồi tiếp tục leo lên con dốc khúc khuỷu nối giữa những triền núi phủ mây mờ trắng xóa. Nhìn từ trên đỉnh cao Giàng Pằng, con đường ngoằn ngoèo phía dưới vắt theo các triền núi cứ nhỏ dần như một dải lụa buông dài. Những hàng ruộng bậc thang xanh ngắt một màu như tô điểm thêm sắc màu cho đại ngàn núi rừng Tây Bắc.
Sau gần hai tiếng đồng hồ trèo đèo vượt dốc, cuối cùng chúng tôi cũng "đến đích” là điểm trường Giàng Pằng. Được biết, điểm trường Giàng Pằng được chính quyền địa phương "ưu ái” dành cho xây dựng trên khoảnh đất bằng phẳng nhất của thôn. Trong căn phòng vẻn vẹn 30 m2 với chục bộ bàn ghế, gần 20 học sinh tóc rối bù, lấm lem đang chăm chú nghe giảng.
Tiếp chúng tôi bằng ấm trà búp được hái từ những cây chè San tuyết có tuổi đời hơn trăm năm, thầy Nguyễn Tuấn Ba, giáo viên trường Giàng Pằng chia sẻ: "Điểm trường Giàng Pằng có 2 lớp ghép, lớp 1-2 (27 học sinh) và lớp 3 – 4 (23 học sinh). Ngoài ra, còn một lớp mầm non gồm 20 học sinh. Tuy vậy, để duy trì được số học sinh trên thì các giáo viên đã phải thay phiên nhau thường xuyên đến từng hộ dân vận động học sinh đến lớp. Những ngày mưa rét nhiều thầy cô phải lên tận nhà tay bồng, tay dắt học sinh đến lớp. Nhiều khi thấy bọn trẻ tái đi vì lạnh mà xót xa”.
Hơn 20 gắn bó với nghiệp gieo chữ ở vùng cao, thầy Ba là người hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn nơi miền sơn cước này: Giàng Pằng có 66 hộ dân (100% là người Mông) đa phần các hộ đều sinh sống tập trung trên đỉnh núi này. Cuộc sống của họ quanh năm chỉ trông chờ vào nương rẫy. Vì thiếu hiểu biết, không biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Có lẽ vì đồng cảm với cái nghèo đói, với những con người mộc mạc nơi đây mà các thầy cô lại dành dụm đồng lương ít ỏi mua vở, bút cho các em học chữ.
Cảm phục hơn và thương nhất vẫn là những cô giáo trẻ. Ở cái tuổi 23 đương thì xuân sắc, cô Nguyễn Thị Yến, quê xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn gác lại sau lưng nỗi nhớ gia đình tình nguyện lên gieo chữ giữa trùng điệp núi rừng. "Nhiều khi nhớ nhà, chỉ biết vùi đầu trong chăn mà khóc. Nhưng rồi tình cảm mộc mạc chân thành của người dân nơi đây đã giúp em có thêm nghị lực để bước tiếp”, Yến tâm sự. Thầy Tuyền nói với tôi: "Nếu không yêu nghề, yêu trẻ chắc khó lòng có giáo viên nào ở lại nơi đây. Với quyết tâm không để các em thiếu chữ, các thầy cô đang nỗ lực từng ngày để hoàn thành nhiệm vụ”. Tôi hiểu rằng, với những giáo viên vùng cao ngoài trách nhiệm, lòng yêu nghề thì sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây chính là động lực giúp họ vẫn ngày đêm miệt mài gieo từng con chữ trên đỉnh Giàng Pằng này.
 
Một lớp học học sinh phải quay 2 chiều để học
Nhịn đói, mò đường đi vận động…
Trời chạng vạng tối, cái lạnh dần bủa vây chúng tôi. Lúc này người dân mới đi làm nương về, trên lưng họ là những bó củi, gùi ngô và một vài sản vật từ rừng. Khói bếp bảng lảng tràn qua từng nếp nhà gỗ thông càng làm cho cảnh vật nơi đây chìm trong mờ ảo.
19 giờ 30 phút, đỉnh Giàng Pằng đặc quánh một màu đen, giữa cái se lạnh và tiếng sôi réo phát ra từ những cái dạ dày kẹp lép, chúng tôi cùng các thầy cô ở điểm trường Giàng Pằng lên đường đi vận động học sinh đến lớp. "Phải đi tầm này thì mới gặp bố mẹ học sinh, vì nếu đi sớm quá thì họ chưa đi làm về, còn muộn quá thì họ lại đóng cửa đi ngủ”- Thầy Ba giải thích.
Theo ánh đèn yếu ớt rọi ra từ chiếc điện thoại của thầy Ba, leo qua những tảng đá lởm chởm, gồ ghề chúng tôi đến nhà anh Vàng A Khoa, một trong những hộ nghèo của thôn Giàng Pằng. Trong căn nhà trống huếch, vật có giá trị nhất có lẽ là chiếc giường ọp ẹp. Vợ Khoa đang ngồi tẽ ngô, đứa con nhỏ mặt lấm lem phong phanh áo mỏng lạ lẫm nhìn khách. Rất thân thiện, thầy Ba mở lời: "Chị Khoa à, dù gia đình mình còn nhiều khó khăn nhưng phải cố gắng cho các cháu đi học nhé. Nhà nước đã quan tâm làm nhà cho vợ chồng anh chị, đã làm trường cho con em đồng bào mình đi học. Vậy thì phải cho bọn trẻ đi học. Bắt bọn trẻ làm việc ít thôi”. Vợ anh Khoa không biết nói tiếng Kinh, nên sau mỗi câu thầy Ba nói, thầy Sinh lại trở thành "phiên dịch bất đắc dĩ”. Dù còn ngập ngừng, nhưng rồi vợ anh Khoa cũng gật gù cái đầu ra điều đồng ý với thầy giáo là sẽ cho con đi học.
Rời nhà anh Khoa, tụt xuống con dốc dài, chúng tôi xuống nhà anh Giàng A Tính. Cả nhà anh Tính đang chăm chú theo dõi chương trình phim truyện từ chiếc tivi đen trắng hiếm hoi và dùng nguồn điện kéo từ chiếc máy phát điện (máy phát điện dùng sức nước) nhỏ đặt nơi chân núi.
Ngồi quây quần bên bếp lửa, sau khi uống bát nước gia chủ mời, thầy Ba mở lời: "Anh Tính à! Em Tủa đi học chưa có sách vở. Anh chị cố gắng dành dụm tiền, mua sách vở cho con đi học. Mùa lạnh sắp đến rồi cũng nên chuẩn bị cho con chiếc áo ấm, cứ mặc phong phanh một cái áo rồi bị ốm là không học được con chữ đâu. Mà gia đình mình có tivi thì cũng nên mở ít thôi để cho các con còn có thời gian học bài”. Như hiểu được tâm ý của thầy giáo, vợ chồng anh Tính gật đầu và "bắt tay cam kết” với từng người trong đoàn chúng tôi.  
Một góc Giàng Pằng
Hơn 21 giờ đêm, nhiều gia đình đã đóng cửa và chìm trong giấc ngủ sau một ngày làm nương vất vả. Chúng tôi rẽ vào nhà anh Vàng A Khu, một trong những gia đình mà theo anh Ba là có tư tưởng tiến bộ nhất ở Giàng Pằng này. Không đẻ nhiều con như các hộ khác, anh Khu chỉ có 2 người con. Một cháu đang học lớp 9 dưới trường trung tâm, cháu còn lại đang học tiểu học tại bản.
Thương thầy cô mang cho con em mình "cái chữ”, anh Khu tự nguyện cho các thầy cô dùng miễn phí điện, nước của gia đình. Nghe các thầy cô kể, thỉnh thoảng anh Khu còn sang giúp các thầy cô đóng lại tấm ván, cái bàn… Tôi thầm nghĩ, giá mà đồng bào vùng cao ai cũng có suy nghĩ, việc làm như gia đình anh Khu, thì các thầy cô "cắm bản” sẽ đỡ vất vả hơn. Con em họ cũng sẽ được đi học nhiều hơn. Để rồi mai đây, cái nghèo, cái khổ không còn đeo bám bà con đồng bào nữa.
22 giờ đêm, Giàng Pằng chìm trong bóng đêm. Chúng tôi trở về nhà Trưởng thôn Giàng A Châu dùng bữa cơm muộn. Tuy đã thấm mệt và đói, nhưng trên môi ai cũng nở một nụ cười vì đã đóng góp một phần công sức nhỏ trong việc vận động các em đến trường cùng các thầy cô trên điểm trường Giàng Pằng thân yêu.
Trở về phố thị, trong tôi đọng lại bao hình ảnh tốt đẹp về bản làng nơi đỉnh núi Giàng Pằng. Nhưng đẹp hơn cả là hình ảnh những người đang vun đắp cho sự nghiệp trồng người. Họ như những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận giáo dục, ngày đêm miệt mài gieo từng con chữ giữa đại ngàn.
Theo Đức Hiệp
(daidoanket)

Bình luận (0)