Bản Huồi Mới của người Mông nằm chơ vơ giữa đại ngàn dưới đỉnh Bù Hốc, thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) được mệnh danh là bản “5 không”: không chợ, không đường giao thông, không điện thắp sáng, không y tế, không thông tin liên lạc… Thế mà, từ đây đã có 4 em đi học đại học!
Ngôi trường gần ba thập kỷ
Thầy Thò Bá Sinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 chỉ tay về phía dãy nhà năm gian nằm cạnh bờ suối nói: “Ngôi trường này được thành lập từ năm 1981, đã gần 30 năm, cả bản này mới có được 4 em học đại học, khó khăn lắm các chú ạ..”. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ở một bản vùng cao còn nhiều khó khăn như bản Huồi Mới lại có một ngôi trường nhiều truyền thống vậy.
Thầy Sinh gắn bó với ngôi trường này kể từ những ngày đầu thành lập. Thầy dẫn chúng tôi đến thăm các lớp học. Những khuôn mặt nhem nhúa, ngơ ngác, những bộ quần áo màu “cháo lòng” tơi tả, những bàn chân lấm lem không guốc dép…. Thấy chúng tôi, các em trố mắt nhìn, nhiều em sợ sệt chui xuống gầm bàn trốn… Đợi thầy giáo giải thích bằng tiếng mẹ đẻ thì các em mới dần quen với sự có mặt của chúng tôi.
Thầy Sinh nói: “Các em ở đây ít được tiếp xúc với người ngoài bản (ý nói người dưới xuôi) nên thấy người lạ là chạy trốn, thậm chí có em chạy về nhà rồi thôi không đến lớp nữa”. Một số em mạnh dạn hơn, khi được hỏi nhanh nhảu ú ớ… phải qua phiên dịch của các thầy tôi mới biết. Em Thò Bá Vừ bập bõm mãi mới được mấy câu: “Em muốn đi học lắm để được như các chú. Nhưng ở đây khổ quá, chúng em đi học được mỗi quyển vở, sách… thiếu nhiều cái lắm”.
Bản Huồi Mới có 49 gia đình, với 376 nhân khẩu, cả bản có tới 80 học sinh được đến trường. Trưởng bản Thủ Chia Chư cho biết: “Trong bản có hai họ là họ Lỳ và họ Thủ là có nhiều con em đi học nhất. Hầu hết các em đến tuổi đều được đến trường. Có những em chưa đến tuổi nhưng các thầy đến tận nhà vận động gia đình cho các em được đến lớp”.
Cuộc sống của người Mông ở bản Huồi Mới còn rất nhiều khó khăn, nên nhiều em hàng ngày phải theo cha mẹ lên nương lên rẫy kiếm sống. Để có trường, có lớp, có học sinh, các thầy đã phải đến từng gia đình vận động các em đến lớp. Nhiều em đi học được một thời gian nhưng vì cha mẹ không nhắc nhở nên lại bỏ học lên nương. Các thầy đã phải đến từng gia đình trao đổi, vận động.
Thầy Lỳ Chư Sò lên công tác ở đây đã được 19 năm cho biết, cái khó nhất ở đây là các em không biết tiếng phổ thông (tiếng Việt), nên vừa phải dạy tiếng phổ thông, vừa dạy cả tiếng mẹ đẻ. Sách vở và đồ dùng học tập của các em còn thiếu nhiều. Thường thì các em ở đây học chung một quyển sách, ghi chung một quyển vở, có em đến lớp chẳng có lấy cái bút, quyển vở….
Gian nan con chữ Huồi Mới
Thầy Sò, ở trung tâm xã Tri Lễ, cách trường khoảng 10km, nhưng có khi vài ba tháng mới về thăm nhà một lần, bởi đường đi lại nơi đây quá hiểm trở, khó khăn, nhiều hôm tranh thủ ghé nhà chốc lát, nhưng nhớ các em thầy lại rục rịch lên với trường. Riêng lương thực, thực phẩm thì phụ thuộc vào bà con dân bản xuống núi gùi lên, hoặc những người đi bên Lào mang về.
“Nhiều hôm gặp thời tiết xấu, thiếu gạo, anh em ở đây phải đi xin từng cọng rau, bẻ từng búp măng… đem về nấu ăn cho qua ngày. Còn chuyện cá, thịt thì nằm mơ cũng chẳng thấy… Anh em chúng tôi ở đây khi có gạo ăn cũng chỉ là ăn cơm gạo mốc nhưng cũng đành cho vào cái bụng để còn lấy sức dạy dỗ các em…” – thầy Sò tâm sự.
Khó khăn là vậy nhưng các thầy ở đây vẫn cố gắng bám trụ chỉ với một mong muốn là không để các em trong bản phải thất học. Hiện cả bản có 4 sinh viên theo học ở các trường đại học như: Lỳ Y Xìa, Lỳ Bá Hân, Lỳ Bá Chùa, Thò Y Xồng. Ngoài việc giảng dạy ở trường các thầy còn tham gia sinh hoạt ở xóm bản, mỗi khi trong bản có buổi họp, trưởng bản đều mời các thầy đến tham dự.
Mặt trời xuống khỏi đỉnh Bù Hốc, tiếng suối róc rách, tiếng dế kêu ran ran, đêm đại ngàn tĩnh mịch… Tôi chợt nhận ra cái nhọc nhằn của sự học vùng cao, cái khó khăn của những người thầy “cõng” chữ lên đây, và những đôi mắt thơ ngây của các em đang cần sự đồng lòng góp sức của toàn xã hội.
Huệ Trinh
Bình luận (0)