Tình trạng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí “nương” theo nhu cầu của công chúng thông qua mạng đã khiến cư dân mạng vốn được các nhà tổ chức chương trình coi trọng càng thêm quyền lực
Công chúng buộc nhà sản xuất The Voice – Giọng hát Việt phải thay
Giám đốc âm nhạc Phương Uyên vì xì-căng-đan. Ảnh: QUỐC THẮNG
Giám đốc âm nhạc Phương Uyên vì xì-căng-đan. Ảnh: QUỐC THẮNG
Hầu hết các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cần đến công chúng hiện nay đều dựa vào dư luận của công chúng mạng để “điều tiết” hoạt động, từ phim, sân khấu đến chương trình ca nhạc, chương trình truyền hình giải trí,… thông qua các diễn đàn, trang mạng, trang cá nhân…
Cũng là một áp lực
Hơn 31.000 cư dân mạng Ba Lan từng gửi đơn kiến nghị trên mạng, yêu cầu ca sĩ Madonna phải hủy sô diễn của cô mang tên MDNA vì nó trùng với ngày tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong chiến tranh thế giới thứ hai (tổ chức ngày 1-8 hằng năm ở thủ đô Warsaw, Ba Lan). Thông tin ở AFP cho biết cư dân mạng còn chỉ trích các sô diễn của Madonna là phản cảm, tuyên truyền về đồng tính, cổ xúy hôn nhân đồng tính. Tất nhiên, sô diễn này đã phải hủy.
Hàng loạt chương trình biểu diễn ở Việt Nam được nhiều đơn vị mạnh dạn đầu tư từ chính nguyện vọng của cư dân mạng. Một khi được công chúng mạng ủng hộ thì khả năng doanh thu đạt mức an toàn. Không chỉ các nhà tổ chức sự kiện, sản xuất chương trình, sản xuất phim mà nghệ sĩ cũng phải dè chừng công chúng mạng.
Sự yêu ghét của công chúng mạng không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu mà còn ảnh hưởng đến đường công danh sự nghiệp của họ. Chỉ có công chúng mạng mới lập nên hội những người yêu nghệ sĩ này, ghét nghệ sĩ kia. Và khi nhà tổ chức chương trình, nhà sản xuất phim hay nghệ sĩ nào đó làm phật ý công chúng mạng thì chính họ cũng phải bị trả giá.
Minh chứng cho quyền lực này của công chúng mạng là qua sự cố của chương trình The Voice – Giọng hát Việt liên quan đến giám đốc âm nhạc của chương trình Phương Uyên. Chính công chúng mạng đã gây áp lực buộc nhà tổ chức phải thay giám đốc âm nhạc của chương trình để xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận.
“Thượng đế” thứ thiệt
Một trong những nơi thể hiện quyền lực lớn nhất của cư dân mạng chính là các cuộc thi, các giải thưởng. Tất cả chương trình, cuộc thi, thậm chí là các giải thưởng hiện nay mà việc xác định kết quả dựa vào bình chọn của công chúng thì cư dân mạng trở nên có vai trò quyết định.
Điều ai cũng dễ dàng nhận ra là giọng ca của Hương Giang trong cuộc thi Vietnam Idol 2012 hạn chế rất nhiều so với những thí sinh còn lại. Thậm chí, với khán giả theo dõi cuộc thi, việc giọng ca này có thể lọt vào tốp 16 đã là một kỳ tích. Thế nhưng, không khó để lý giải sự thẳng tiến của Hương Giang bởi yếu tố “thí sinh chuyển đổi giới tính” khá đặc biệt của cô.
Ở chương trình Giọng hát Việt, dư luận cũng đã lên tiếng chỉ trích nhà tổ chức khi nhiều thí sinh có giọng ca nổi trội phải bị loại để nhường bước cho những giọng ca có lượng người hâm mộ đông đảo. Mặc dù những sân chơi này luôn đề cao mục đích tìm kiếm một giọng ca thực sự xuất sắc chứ không phải người có yếu tố để thu hút công chúng nhưng vì công chúng đã thích, nhà tổ chức không thể hoặc không cần thiết phải làm khác đi. Bởi cuối cùng, nhà sản xuất cũng là người được lợi chứ không mất gì. Nhưng điều đó đã tạo nên những kết quả có phần không thuyết phục bởi công chúng đánh giá theo cảm tính của mình nhiều hơn.
Thực tế, tình trạng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí “nương” theo nhu cầu của công chúng thông qua mạng (bởi đây là đối tượng chịu khó tham gia nhắn tin, bình chọn qua mạng nhiều nhất) đã khiến cư dân mạng vốn được các nhà tổ chức chương trình coi trọng càng thêm quyền lực. Tất nhiên, việc trao cho công chúng mạng quyền làm thượng đế cũng là một cuộc chơi và khi đó nhà sản xuất sẽ phải là người đầu tiên tuân thủ luật chơi này dù kết quả cuối cùng có phần nào bất hợp lý cũng đành chịu.
Sốc vì bị “đánh phủ đầu”
Trên thế giới có những vụ các ngôi sao của làng giải trí đã tìm đến cái chết để giải thoát khỏi những áp lực nặng nề từ công chúng mạng. Ở Việt Nam, chưa có trường hợp tương tự nhưng không ít người cũng từng sống dở chết dở vì bị “ném đá”. Vụ thí sinh Quỳnh Anh và gia đình cô trở thành nạn nhân của công chúng mạng khi tham gia chương trình Vietnam’s got talent có những lời nói vuốt ve tâng bốc nhau quá mức của các thành viên trong gia đình là một trường hợp điển hình.
Theo NLD
Bình luận (0)