Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Công chứng sai, thiệt hại lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TPHCM truy tố Nguyễn Thị Ngọc Lan (57 tuổi, nguyên công chứng viên của Phòng Công chứng số 2 TPHCM) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do có liên quan trong một vụ án lừa đảo.

Theo đó, các bị can Trương Văn Đê (58 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre), Nguyễn Thị Sót (54 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre), Nguyễn Hữu Vinh (31 tuổi, ngụ quận 4) đã mạo danh vợ chồng chủ nhà và con trai của chủ căn nhà số 49 đường 1107, Phạm Thế Hiển phường 5 quận 8 để ký vào Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, cùng các giấy tờ liên quan khác. Căn cứ vào kết quả xác minh về phương án sử dụng vốn vay, định giá đảm bảo tài sản, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – viết tắt là VP Bank cho vợ chồng chủ nhà vay 4 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là căn nhà trên mà không ngờ đã giao tiền cho kẻ giả mạo.

Điều đáng nói là việc lừa đảo được thực hiện trót lọt một phần là do bị can Lan không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về công chứng. Cụ thể: không hỏi để làm rõ về nhân thân; không đối chiếu hình ảnh trong hộ chiếu với người thực hiện công chứng trên thực tế; không đối chiếu chữ ký của chủ nhà tại hộ chiếu với chữ ký của bị can Đê ký tại các văn bản trong hồ sơ công chứng…

Từ đó bị can Lan chứng nhận sai về chủ sở hữu tài sản tại Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất – là căn cứ pháp lý để Ngân hàng VP Bank giải quyết tín dụng.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra sự việc các công chứng viên của Phòng Công chứng hoặc Văn phòng Công chứng làm sai luật. Được giao nhiệm vụ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác bằng văn bản có nghĩa là công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung trong hợp đồng không trái pháp luật, và phần hình thức cũng phải đảm bảo đúng chủ thể và đúng đối tượng giao dịch.

Thế nhưng, dù quy trình thực hiện công chứng đã được quy định rất cụ thể, vẫn có những công chứng viên vô tình hoặc cố ý vi phạm với lời biện hộ như sự giả mạo tinh vi, trình độ còn hạn chế nên không phát hiện được(!). Chỉ một chữ ký xác nhận của công chứng viên, tội phạm có thể chiếm đoạt tài sản của cá nhân, đơn vị, tổ chức và hậu quả rất khó khắc phục.

Với nhiệm vụ quan trọng như vậy, đòi hỏi công chứng viên không những tinh thông nghiệp vụ mà còn phải đảm bảo đạo đức nghề nghiệp để không rơi vào trường hợp tiếp tay cho kẻ lừa đảo. Sự cạnh tranh giữa các tổ chức hành nghề công chứng dẫn đến phải chiều lòng khách hàng là điều không tránh khỏi, nhưng công chứng viên không được xem nhẹ trách nhiệm của mình. “Người gác cổng” không thể được sai, và nếu đã sai thì phải trả giá trước pháp luật!

ÁI CHÂN

(SGGP)

Bình luận (0)