Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức sự kiện VNNIC Internet Conference 2023 tại TP.HCM với chủ đề “Quản trị internet trong kỷ nguyên thông minh”. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, internet giống như con dao hai lưỡi, người dùng nếu không thông minh sẽ dễ dàng trở thành con mồi của bọn lừa đảo, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Người dân sử dụng internet trong giao dịch dân sự
Gần 13 ngàn trường hợp lừa đảo trực tuyến
Theo ông Vinton G. Cerf – Phó Chủ tịch và người truyền bá internet, Google, hoạt động truy cập internet đông đảo hiện nay là bước tiến rất lớn. Cáp quang biển, điện thoại di động ngày càng gia tăng giúp tăng băng thông, đường truyền, tốc độ cũng như truy cập internet tăng lên. Không gian ứng dụng cũng được mở rộng đáng kể, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều tên miền. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của internet cần quan tâm đến việc bảo vệ người dùng.
“Mật khẩu chưa đủ, người dùng cần sử dụng các biện pháp xác thực khác để tránh lừa đảo. Cần củng cố an toàn bảo mật các hệ thống, có biện pháp bảo mật thông tin trực tuyến, tương tự đối với các hệ thống tên miền”, ông Vinton G. Cerf nói.
Nói về quản trị internet toàn cầu và an toàn dữ liệu trong kỷ nguyên thông minh, ông Jia-Rong Low – Giám đốc quản lý khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tổ chức quản lý tên miền và số quốc tế (ICANN) – cho biết, trước kia chỉ đề cập đến kết nối internet mà không lường được việc ngày nay tất cả đều dùng. Internet tạo điều kiện cho các thiết bị kết nối với nhau bằng mã định danh. Điều này đòi hỏi phải quan tâm đến an ninh mạng. Vì vậy tất cả cá nhân, đơn vị dùng internet nên quan tâm bảo vệ dữ liệu cá nhân, tên miền, tăng cường bảo mật cho hệ thống.
“Thông thường, khi đăng ký tên miền bắt buộc phải gửi các thông tin cá nhân như địa chỉ email, số điện thoại. Các thông tin cá nhân được sử dụng để xác định các hành vi độc hại, tuy nhiên cũng có thể bị lộ lọt”, ông Jia-Rong Low chia sẻ.
Theo ông Hoàng Long – Trưởng ban Công nghệ thông tin của Viettel, hiện 2/3 dữ liệu đã đăng tải lưu trên không gian mạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều công ty lớn xảy ra lộ lọt do hệ thống thông tin không đảm bảo an ninh, an toàn. Từng có một trang web dịch vụ giáo dục trực tuyến làm lộ dữ liệu 30 triệu hồ sơ và hàng ngàn thông tin của sinh viên. Tương tự người dùng cũng thiếu thận trọng bảo vệ thông tin, trong đó có việc tham gia trò chơi trực tuyến, sử dụng mạng xã hội, các ứng dụng, trang web có độ rủi ro cao. Việc lộ lọt thông tin sẽ khiến người dùng đối diện với rủi ro bị lừa đảo thu thập thông tin cá nhân và bị lừa đảo tiền. Còn nhà cung cấp dịch vụ, các đơn vị, công ty đối diện nguy cơ bị tấn công hệ thống thông tin, đòi tiền chuộc do dữ liệu bị rao bán trái phép.
“Năm 2022, ghi nhận có gần 13 ngàn trường hợp lừa đảo trực tuyến, trong đó lừa tiền chiếm 76% xuất phát từ tâm lý cả tin của người dùng. Các hình thức lừa đảo là tin nhắn yêu cầu, giả mạo trúng thưởng, nâng cấp sim…”, ông Long thông tin.
Ông Hồ Trọng Đạt – Phó Giám đốc Trung tâm An toàn thông tin Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – cho biết, hiện việc kết nối sử dụng internet là bắt buộc, trong đó có việc chuyển dịch lưu trữ dữ liệu điện toán đám mây (Cloud Computing) phát triển mạnh, được nhiều cá nhân, đơn vị sử dụng. Dịch vụ thay đổi nhưng nguy cơ không thay đổi, việc tấn công mạng xảy ra nhiều hơn. Đơn cử gửi thư điện tử, SMS vào các đường link, gọi điện thoại giả mạo ngày càng tinh vi và mở rộng hơn. Tính riêng năm 2022 có hơn 700 cuộc tấn công mạng.
Từ thực tế này, ông Đạt nhấn mạnh: “Bảo vệ, chống lại rủi ro trên môi trường mạng giống như phòng chống Covid-19. Nếu không có vắc-xin sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần xây dựng hệ miễn dịch phòng bệnh hơn là chữa bệnh”.
Phải là người sử dụng internet thông minh
Theo VNNIC, tính đến năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 79,1%, tỷ lệ ứng dụng IPv6 đạt 57,3% – đứng thứ 10 thế giới. Sự phát triển, cải tiến của công nghệ internet diễn ra ngày càng mạnh mẽ, gắn với các công nghệ mới Internet of Things (IoT), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain 5G/6G, Cloud, dữ liệu lớn (big data)… Internet được chuyển đổi sang thế hệ mới hoạt động với IPv6; kết nối internet được thực hiện mọi lúc mọi nơi, trở thành internet của vạn vật (Internet of Things).
Theo đó, quản trị internet cần song hành giữa việc làm chủ công nghệ và các quy tắc ứng xử, tăng cường sự tham gia của các bên, tạo thành hệ sinh thái hiệu quả với mục tiêu chung “Internet thông minh, an toàn, bền vững”. Quản trị internet là để đem lại các giá trị cho người sử dụng, cho toàn thể xã hội.
Ông Nguyễn Trường Giang – Phó Giám đốc VNNIC – cho rằng, một môi trường internet tin cậy, an toàn sẽ mang lại những giá trị và hạn chế rủi ro. Việt Nam cần có chính sách cởi mở, kịp thời. Từ chính sách đến xây dựng hạ tầng phải có nguyên tắc, đồng thời triển khai các giải pháp công nghệ bảo vệ người dùng.
Trước những thách thức đang đối mặt trong việc đảm bảo cho môi trường lành mạnh, an toàn, bảo vệ người sử dụng thì Chính phủ, bộ ngành, đặc biệt Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra những hệ thống nền tảng điều chỉnh hành vi sử dụng internet thông qua các luật, cùng với đó là phê duyệt chương trình an toàn thông tin. Gần đây Chính phủ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin; Ủy ban chuyển đổi số quốc gia đưa ra kế hoạch hành động đặt mục tiêu an toàn thông tin là hàng đầu.
Tuy nhiên, một số nhà quản lý vẫn lo ngại nhiều thách thức đặt ra đối với các cơ quan Nhà nước, trong đó cần quan tâm hơn đến thu nhập của đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin.
“Bên ngoài, doanh nghiệp trả lương cho kỹ sư công nghệ từ 50-100 triệu đồng/tháng, còn trong các cơ quan Nhà nước mức lương thấp hơn. Nếu chấp nhận phải vượt qua cám dỗ cá nhân rất lớn”, ông Đạt chia sẻ.
Tại TP.HCM, bà Võ Thị Trung Trinh – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông – cho biết, TP đã ban hành chiến lược phát triển hạ tầng số. Trong đó chú trọng thực hiện chuyển đổi số, tập trung cho việc thực hiện phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
“TP hướng đến việc phát triển xã hội số, do đó chúng tôi phải có chiến lược cung cấp đầy đủ phương tiện, công cụ kết nối để người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ thông minh hiện đang ứng dụng rộng rãi trên internet. Đặc biệt là những nội dung số, đây là những kiến thức, kho tàng về dữ liệu thông tin mà chúng ta mang lại từ internet”, bà Trinh nói.
Internet đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống; là hạ tầng, nền tảng cho chuyển đổi số, xã hội số. Sự phát triển, cải tiến của công nghệ internet ngày càng diễn ra nhanh chóng, nhằm đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối dữ liệu, an toàn cho mạng internet. Bà Trinh cho rằng cần có những giải pháp phù hợp để hạn chế rủi ro tiềm ẩn trên môi trường này, nhất là việc sử dụng mạng internet phải có chọn lọc.
“Trang bị cho người dùng những công cụ, kỹ năng và kiến thức để tự đề kháng trong việc khai thác những lợi ích trên internet mang lại. Đồng thời có những ứng xử trên mạng xã hội sao cho phù hợp để không trở thành con mồi của các đối tượng xấu”, bà Trinh nói thêm.
Phương Trinh
Bình luận (0)