Theo dự báo, toàn cầu sẽ có khoảng 70-80% công việc hiện nay biến mất trong 20 năm tới. Vậy thế hệ trẻ Việt Nam cần làm gì để trở thành nguồn nhân sự thực chiến đón đầu công nghệ 4.0?
Du học sinh Việt Nam tham gia một sự kiện tại Nhật Bản
Vì sao gọi là thực chiến?
Đó là bởi tác động của kỷ nguyên công nghệ số 4.0 có khả năng cao sẽ phá vỡ thị trường lao động, công nghệ tự động hóa sẽ thay thế một bộ phận lao động chân tay và đẩy hàng triệu lao động vào nguy cơ thất nghiệp. Vì thế, các em học sinh đang có dự định du học nước ngoài, cần phải xây dựng kế hoạch “học ngành gì và làm nghề gì” để nâng cao giá trị cạnh tranh cho bản thân và giành thắng lợi ở cuộc chạy đua trong thị trường tuyển dụng quốc tế. Mặt khác, bản thân các du học sinh còn đóng vai trò mắc xích kết nối giữa chất lượng nền giáo dục đào tạo và nhu cầu tuyển dụng nhân sự phục vụ cho nền kinh tế toàn cầu tương lai.
Chọn nghề “không có khả năng bị robot thay thế”
Các nhà kinh tế dự báo trong vòng 20 năm tới, toàn cầu sẽ có khoảng 70-80% công việc hiện nay biến mất. Không có gì đảm bảo rằng những ngành nghề đang làm mưa làm gió trong giai đoạn 2020, 2021… vẫn được tuyển dụng trong tương lai. Các chuyên gia đã đưa ra 6 nhóm ngành triển vọng, chắp cánh cho sự phát triển của công nghệ 4.0, gồm: Thứ nhất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự phát triển vượt trội của thông tin, số hóa, tự động hóa. Vì thế, nhóm ngành công nghệ hiển nhiên được xem là “bộ não” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu đam mê về công nghệ, các em có thể bắt tay tìm hiểu những ngành như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ truyền thông… ngay từ bây giờ. Thứ hai, ba nhóm ngành liên quan có vai trò quan trọng và gắn liền với robot và trí tuệ nhân tạo, gồm: Tự động hóa, điện – điện tử và cơ điện tử. Hiện tại tuy chưa nhiều nhưng đã có một số doanh nghiệp nước ngoài áp dụng máy móc tự động hóa dần thay thế con người trong các khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn… nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Tương lai, các sản phẩm robot thông minh và xe hơi tự lái sẽ được sản xuất đại trà và phục vụ nhu cầu sống cao hơn. Thứ ba, ngành thương mại điện tử: Sự phát triển rộng khắp của công nghệ đã khai sinh ra ngành học mới thương mại điện tử. Hiểu một cách ngắn gọn, thương mại điện tử là hình thức kinh doanh sử dụng nền tảng công nghệ thông tin kết hợp cùng internet nhằm thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa, thanh toán trực tuyến tiện lợi giữa doanh nghiệp và khách hàng, đối tác… Thương mại điện tử đã và đang giúp ích cho mọi doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí đầu tư và mở rộng phạm vi kinh doanh trên toàn thế giới. Thứ tư, nhóm ngành quản trị, quản lý (du lịch – nhà hàng – khách sạn, ẩm thực, dinh dưỡng, thiết kế sáng tạo). Mặc dù xu hướng gần như chắc chắn robot sẽ thay thế một bộ phận lao động trong tương lai, nhưng điều này chỉ đúng 1 phần. Dẫu robot được lập trình sẵn một bộ óc cực kỳ thông minh, nhưng đối với những công việc cần có sự sáng tạo mới mẻ và xử lý cảm xúc “mang tính người” thì không robot nào có thể làm được. Đó là công việc của những người giữ vị trí quản lý trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, ẩm thực, nhà hàng… cần có cảm xúc, nhạy bén và sáng tạo.
Trường ĐH Harvard (Mỹ) đứng đầu về chất lượng đào tạo các chuyên ngành nghiên cứu và chế tạo robot
Nhân sự thực chiến
Đối với các bạn trẻ còn trong lứa tuổi học sinh – thế hệ dự bị kiến tạo tương lai đất nước, khái niệm “thực chiến” không chỉ xoay quanh vấn đề học tập và làm việc, mà xa hơn còn là hành trình “định danh” cho bản thân 5 năm, 10 năm hay 20 năm sau. Để trở thành một nhân sự thực chiến, các em sẽ trải qua quá trình: Thứ nhất là thực học – tiếp thu nền tảng kiến thức hiện đại từ môi trường giáo dục đẳng cấp thế giới. Thứ hai là thực nghiệp – du học sinh ra trường có thể đảm nhận ngay những yêu cầu công việc từ phía doanh nghiệp mà không phải gặp rào cản nào về năng lực hay ngoại ngữ. Thứ ba là thực tài – những công dân Việt Nam hội đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức sẵn sàng cống hiến sức trẻ xây dựng đất nước phát triển lên tầm cao mới. Theo đó, để làm tốt 3 điều này, đòi hỏi các em phải có năng lực. Năng lực được hình thành dựa trên 3 yếu tố: Một là kiến thức. Theo quãng đời học tập và trưởng thành của mỗi cá nhân, kiến thức tiếp thu từ môi trường bên ngoài sẽ được chuyển hóa trở thành nguồn tri thức quý báu, giúp các em có chính kiến đúng đắn về nhân sinh quan. Hai là kỹ năng mềm. Theo kinh nghiệm du học thành công từ nhiều bạn trẻ, du học sinh nắm bắt càng nhiều kỹ năng mềm thì càng đến gần cơ hội thành công. Trong đó, 5 “kỹ năng vàng” du học sinh cần trang bị trước khi lên đường du học, gồm có kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tự học, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phản biện và kỹ năng sống tự lập. Ba là thái độ. Đây mới là yếu tố dẫn đến thành công chứ không phải sự thông minh hay tài giỏi. Điều thú vị chung ở hầu hết môi trường giáo dục nước ngoài, đều xem thái độ là một phần cho việc đánh giá năng lực học tập. Thang điểm cao không để lại ấn tượng bằng việc các em thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao trong việc học. Tương tự với các doanh nghiệp, họ sẵn sàng dành cơ hội đãi ngộ tốt nhất cho nhân viên luôn có ý thức trách nhiệm vì lợi ích chung, thay vì thành tích kinh doanh.
Nguyễn Ngọc Mai
Bình luận (0)