Bên cạnh kiến thức từ sách vở thì kỹ năng có vai trò quan trọng, giúp học sinh hội nhập với thế giới. Việc tăng cường giáo dục kỹ năng một cách tự nhiên, sáng tạo rất cần thiết trong nhà trường, giúp tạo ra thế hệ công dân vừa giỏi kiến thức vừa đẹp phẩm chất.

Tăng cường giáo dục kỹ năng
Trong chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi năm 2025” mới đây, các em thiếu nhi đã chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình để có môi trường học tập, rèn luyện tốt, trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước.
Đại diện cho các bạn thiếu nhi trên địa bàn quận, em Nguyễn Gia Hân (học sinh Trường THCS Chánh Hưng, Q.8) chia sẻ, TP.HCM đang bước vào kỷ nguyên vươn mình ra thế giới, em cảm thấy rất vui và cảm kích về những cải cách mang tính bứt phá trong giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bạn học sinh đang bị áp lực trong học tập, cụ thể về việc thi cử, điểm số. Cùng với đó là việc học lý thuyết quá nhiều mà ít thực hành, rèn luyện các kỹ năng thực tế làm cho học sinh dễ thụ động, suy nghĩ hạn chế. “Em rất mong bên cạnh giáo dục kiến thức, nhà trường sẽ tăng cường tổ chức nhiều dự án làm việc nhóm hoặc thực hành thực tế, giúp cho mỗi học sinh đều được thử sức ở những vai trò, vị trí khác nhau trong xử lý tình huống học tập lẫn cuộc sống”, Gia Hân bày tỏ. Tương tự, em Nguyễn Bảo Long (học sinh Trường THCS Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) đề xuất các trường học tổ chức nhiều cuộc thi, trò chơi học tập liên quan đến môn lập trình. “Từ nền tảng đó, nhà trường dần đưa môn học lập trình trở thành môn học chính thức, giúp học sinh nâng cao kiến thức tư duy, lập trình, để sau này khi ra trường dễ dàng tiếp cận với tìm kiếm việc làm”, Bảo Long nói.

Trong khi đó, em Mai Ngọc Minh Vân (học sinh Trường THCS Trần Quang Khải, Q.12) mong muốn học sinh được tham gia các chương trình trại hè quốc tế để giao lưu, học tập với bạn bè quốc tế. “Ngoài ra, em cũng rất mong có một ứng dụng học tiếng Anh giúp cho học sinh giao tiếp với bạn bè quốc tế. Đây cũng là cách khuyến khích, tạo cơ hội cho học sinh tiếp xúc với bộ môn tiếng Anh để các bạn dễ dàng hơn trong hội nhập quốc tế”, Minh Vân bày tỏ.
Không phụ thuộc vào công nghệ
Thế hệ thiếu nhi hôm nay sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ. Nhiều học sinh tuy còn nhỏ nhưng đã có điện thoại riêng và sử dụng các trang mạng xã hội với thời gian dài, ít ưu tiên cho hoạt động vui chơi, giải trí khác. Để hạn chế tình trạng này, em Giáp Ngọc Song An (học sinh Trường THCS Lê Thành Công, huyện Nhà Bè) đề xuất thành phố cần xây dựng thêm nhiều thư viện thông minh và tuyên truyền các bạn học sinh đến đọc sách, nâng cao văn hóa đọc. “Bên cạnh đó, cần tạo thêm các hoạt động, hội thi liên quan đến đọc sách như “Hội thi lớn lên cùng sách” giúp thiếu nhi, học sinh tiếp cận với sách nhiều hơn cũng như trau dồi kiến thức”, Song An mong muốn.
Em Trần Bảo Hân (học sinh Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh) cho rằng, nhiều học sinh sử dụng công nghệ không chỉ phục vụ cho việc học mà còn để vui chơi giải trí. Có những trò chơi không dành cho lứa tuổi nhưng một số bạn vẫn xem và chơi. Các bạn còn sử dụng công nghệ để kết bạn và trò chuyện với người lạ. “Em đề xuất nên có nhiều buổi sinh hoạt, hướng dẫn sử dụng mạng xã hội đúng cách để các bạn học sinh có kiến thức trong việc sử dụng công nghệ và tránh phụ thuộc vào thiết bị này”, Bảo Hân bày tỏ. Còn theo em Lê Nguyễn Phúc Anh (học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10), trong bối cảnh chuyển mình của thời đại số, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phát triển mạnh mẽ. Điều này cũng dễ khiến mọi người, nhất là học sinh phụ thuộc vào AI. “Để tránh tình huống các bạn quá lệ thuộc vào AI và cần phải tận dụng AI một cách hiệu quả, em đề xuất ứng dụng “Chúng mình cùng vui khỏe” để lên kế hoạch học tập hoặc rộng hơn là kế hoạch một ngày sẽ làm gì? Tuy nhiên, các bạn vẫn phải đưa ra mục tiêu cho kế hoạch hằng ngày của mình để tận dụng AI triệt để nhưng không quá phụ thuộc vào công nghệ”, Phúc Anh chia sẻ.

Trong khi đó, em Trần Ngọc Bảo Thy (học sinh Trường THCS – THPT Sương Nguyệt Anh, Q.10) mong muốn có thêm nhiều chương trình giáo dục và quản lý để bảo vệ học sinh tránh các nội dung không phù hợp trên môi trường internet. “Biến” môi trường này trở thành nơi học tập, giải trí lành mạnh, phát triển trí tuệ, phẩm chất. Đồng cảm với Bảo Thy, em Vũ Ngọc Như Ý (học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Q.10) cho rằng, dù sống và học tập trong môi trường nào thì mỗi bạn học sinh cần rèn luyện năng lực tư duy, học cách quản lý thời gian và giữ tinh thần tích cực để vừa có thể đạt được những thành công mà mình mong đợi mà vẫn giữ được sự hồn nhiên của trẻ em.
Thiếu nhi là tương lai của đất nước. Các em được kỳ vọng đến năm 2045 sẽ trở thành những công dân có suy nghĩ hiện đại, phù hợp với thời đại công nghệ phát triển, loại bỏ suy nghĩ lạc hậu, hướng tới toàn cầu hóa. Để thực hiện được điều này, mỗi công dân cần phải tự ý thức được bản thân, từ đó chung tay xây dựng TP.HCM vững mạnh. Bên cạnh đó, các em phải hội nhập với môi trường quốc tế, mang bản sắc văn hóa đẹp đẽ của dân tộc giới thiệu đến thế giới. Đồng thời, các em phải tiếp nhận ý kiến đóng góp ý kiến từ bạn bè quốc tế để không ngừng phát triển năng lực, trí tuệ của công dân TP.HCM.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)