Nhà giáo Phan Thị Nở, Nguyễn Văn Thiện và Huỳnh Thị Kim Tuyến (từ trái qua) tại buổi họp mặt
|
Sáng 4-4, Công đoàn Giáo dục TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Công đoàn Giáo dục TP.HCM (6-4-1977/6-4-2012). Dịp này, 50 nhà giáo lão thành, nguyên là những cán bộ của Hội Nhà giáo yêu nước, tiền thân của Công đoàn Giáo dục thành phố hiện nay đã về dự.
Cán bộ công đoàn các thế hệ ôn lại truyền thống của Hội Nhà giáo yêu nước, chia sẻ của những người có công đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho Công đoàn Giáo dục thành phố hiện nay.
Một tổ chức yêu nước
Đáp ứng tình hình lúc bấy giờ, Tiểu ban Giáo dục Việt Nam được thành lập vào năm 1962, do đồng chí Dương Văn Diêu làm Trưởng ban. Sau đó, chủ trương thành lập tổ chức bí mật của phong trào – hội nhà giáo yêu nước các tỉnh, thành phố được thực hiện. Đại hội khai mạc vào 19-5-1964 với hơn 100 đại biểu là nhà giáo toàn miền Nam, chính thức thông qua điều lệ bầu Ban Chấp hành TW gồm 39 người, trong đó có 6 đại biểu của đặc khu Sài Gòn – Gia Định. GS. Ngô Văn Huấn được bầu làm Hội trưởng. Ngày đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc bấy giờ là Bí thư TW cục về dự, giao cho hội lãnh đạo giáo dục phục vụ kháng chiến chống Mỹ với nhiệm vụ tham mưu chuyên môn và vận động quần chúng hội đề ra ba mặt công tác: Đấu tranh chống nền văn hóa giáo dục nô dịch; xây dựng một nền giáo dục dân tộc, dân chủ và tiến bộ; xây dựng lực lượng cách mạng cho ngành và cho hội.
Một năm sau, Hội Nhà giáo yêu nước khu Sài Gòn – Gia Định được thành lập tại huyện Củ Chi. Hội đã phối hợp chặt chẽ với các ban của Mặt trận Tư Trí Vận đặc khu Sài Gòn – Gia Định tập hợp lực lượng giáo chức và hướng dẫn đấu tranh. Hội tăng cường hoạt động vào các trường công lập, đại học, hội PHHS, đội ngũ nhà giáo về hưu và vận động thành lập Hội Liên hiệp Giáo chức Việt Nam năm 1966.
Có trong tay lực lượng hùng hậu, Hội Nhà giáo yêu nước nội đô đã tận dụng phương pháp đấu tranh công khai hợp pháp, vận động các đoàn, hội tham gia phong trào đấu tranh vì hòa bình, vì dân sinh dân chủ, bảo vệ văn hóa dân tộc, chống các loại hình văn hóa ngoại lai đồi trụy.
Ngày 30-4-1975, nhà giáo Bùi Đức Tịnh và giáo viên Bùi Thị Trinh đã lên đài phát thanh kêu gọi giới chức thành phố hưởng ứng cuộc mít tinh của đồng bào ngày 1-5-1975 mừng đất nước giải phóng và đăng ký dạy học. Cùng thời điểm công khai tiếp quản các trường, Ban Chấp hành Hội Nhà giáo yêu nước thành phố cũng đã hình thành. Ngày 6-4-1977, theo Quyết định số 118/QĐ-TC của Liên hiệp Công đoàn thành phố, Hội Nhà giáo yêu nước đã chuyển toàn bộ lực lượng vào tổ chức Công đoàn ngành giáo dục thành phố.
Đóng góp trong quá trình hình thành và xây dựng Hội Nhà giáo yêu nước phải kể đến những nhà giáo như: Phan Thị Nở; Nguyễn Văn Thiện; Phan Văn Phổ; Lương Lê Đồng; Huỳnh Thị Kim Tuyến; Bùi Thị Trinh; Lê Văn Thời…
Lời tri ân
Ngay những ngày đầu giải phóng, ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cũng là một trong những người được giao trọng trách tiếp nối, xây dựng công đoàn. Ông Cận bày tỏ: “Công đoàn Giáo dục TP.HCM được hình thành từ một tổ chức yêu nước. Đó là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Trong 35 năm qua, công đoàn đã tích cực tham gia nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ thầy cô giáo để xây dựng thế hệ tương lai của đất nước”. Ông Cận cũng đã ghi nhận thành tích của Công đoàn Giáo dục thành phố, qua đó tiếp tục phấn đấu trở thành người đại diện và bảo vệ tốt nhất cho đội ngũ nhà giáo, xứng đáng với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM gửi lời tri ân đến những cá nhân đóng góp cho Công đoàn Giáo dục thành phố. Ông Sơn khẳng định: “Nếu không có tổ chức Hội Nhà giáo yêu nước tạo nền móng vững chắc cho công đoàn thì không có được những kết quả như hôm nay”. Ông Sơn cũng đã khắc họa khái quát một số hình ảnh mà Công đoàn Giáo dục thành phố đã làm được như thành lập Quỹ hỗ trợ giáo viên mắc bệnh nan y; xây dựng nhà công vụ; quà Tết cho giáo viên ngoại thành và những hoạt động tương thân tương ái dành cho giáo viên và học sinh các địa phương trên cả nước… Chủ tịch Công đoàn Giáo dục thành phố Nguyễn Hữu Hùng nhìn nhận, từng bước đi của tổ chức công đoàn qua mỗi thời kỳ đã gieo niềm tin cho các thế hệ cán bộ công đoàn. Ngày đầu tiếp quản, trường lớp còn nhiều bộn bề, tâm trạng giáo viên còn hoang mang nên việc hình thành các chi hội nhà giáo yêu nước đã giúp môi thường giáo dục dần đi vào ổn định…
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Chỉ trong 10 năm qua, Công đoàn ngành giáo dục thành phố đã đóng góp hơn 50 tỷ đồng ủng hộ xây dựng 5 trường học, 30 nhà công vụ, xây dựng hơn 400 căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa, trong đó có 284 căn nhà tình thương dành cho giáo viên các xã khó khăn ngoại thành, phụng dưỡng suốt đời 50 Mẹ Việt Nam anh hùng… |
Bình luận (0)