Các nhà dinh dưỡng khuyên chúng ta dùng hành tây khi suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, đi tiểu ít, phù thũng, thừa urê huyết, cao huyết áp, ký sinh trùng đường ruột, cảm cúm, nhức đầu.
Hành tây là thứ rất thông dụng với bữa ăn của mọi nhà và có thể sử dụng làm nguyên liệu để chế biến rất nhiều món dược thiện, có tác dụng đối với sức khỏe nhưng ít người biết.
Hành tây rất dễ tìm mua ở các chợ nông thôn cũng như thành thị.
Ảnh: Xuân Thảo
Chống suy nhược cơ thể
Hành tây có tác dụng giúp cơ thể lợi tiểu, hòa tan và làm giảm urê cũng như clorua, tiêu hóa dễ dàng, an thần nhẹ, chống nhiễm khuẩn, trị ho, đau nhức, mệt mỏi, phòng ngừa huyết khối và các bệnh ngoài da.
Các nhà dinh dưỡng thường khuyên chúng ta dùng hành tây khi bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, đi tiểu ít, phù thũng, thừa urê huyết, tăng clorua huyết, đầy hơi, giảm nhu động ruột, viêm nhiễm đường tiết niệu, sinh dục, suy giảm sinh dục, đái tháo đường, béo phì, xơ cứng động mạch, cao huyết áp, ký sinh trùng đường ruột, cảm cúm, nhức đầu…
Chế biến món ăn dinh dưỡng cao
Từ lâu đời, người phương Tây đã dùng hành tây trong chế biến món ăn. Ở nước ta, người dân phổ biến dùng hành tây để trộn dầu giấm ăn sống, trộn chung trong dĩa xà lách, làm tăng hương vị cho các món gỏi hay xào với các loại thịt, trứng, nấu xúp, cà ri… Ngoài những món thông dụng đó, chúng ta có thể chế biến một số món ăn đơn giản nhưng giá trị dinh dưỡng cao từ củ hành tây:
– Gỏi cật heo, hành tây:Nguyên liệu gồm 2 cật heo làm sạch, khứa vảy rồng và cắt miếng vừa ăn; trụng nước sôi có pha ít muối và rượu trắng đến khi thấy các vết khứa nở ra thì vớt, để ráo. Một củ hành tây cắt mỏng theo chiều dọc. Phi tỏi trong chảo cho thơm rồi nêm dầu hào, muối, đường, nếm thấy có vị mặn ngọt vừa miệng là được. Dùng nước xốt này để trộn cật heo và hành tây, thêm một số rau gia vị như hành lá, ớt, gừng cùng với hành phi, tỏi phi. Trộn đều rồi cho ra dĩa, thêm ít rau ngò và vài lát ớt đỏ lên trên để trang trí.
Món gỏi cật heo, hành tây rất có ích cho nam giới trong chuyện phòng the.
– Cá thác lác hấp hành tây: Nguyên liệu gồm 2 củ hành tây bổ đôi, lấy bớt ruột, tỉa răng cưa. 200 g cá thác lác quết dẻo với 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng cà phê tiêu bột. 100 g cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, xắt hạt lựu, trộn đều với cá thác lác để làm nhân. Múc nhân cho vào ruột củ hành, phết chút dầu ăn lên rồi đem hấp cách thủy khoảng 15 phút, cho ra dĩa. Đun sôi các nguyên liệu làm nước xốt (dầu hào, xúp tương cà, tương ớt, mỗi thứ 1 muỗng xúp; 100 ml nước dùng, bột năng) rưới lên củ hành đã hấp chín.
Món này dùng ăn nóng trong bữa cơm có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường khí lực, tăng sức đề kháng của cơ thể, phòng ngừa cảm cúm.
– Gan heo xào hành tây: Nguyên liệu gồm 1 củ hành tây lớn lột vỏ, xắt miếng mỏng; rửa sạch 1 củ gừng vừa phải, xắt sợi nhỏ; 1 quả ớt chuông đỏ rửa sạch, xắt mỏng; 300 g gan heo rửa sạch, xắt vừa ăn. Ướp gan với 1 muỗng cà phê muối, tiêu. Đun nóng dầu ăn, cho tỏi vào phi thơm. Cho gan vào xào, đảo nhanh tay với lửa lớn rồi thêm hành tây, ớt, gừng vào. Tiếp tục đảo, nêm nếm lại chút xì dầu cho vừa ăn. Gan và hành tây vừa chín tới là được.
Món này dùng nóng trong bữa cơm để tăng cường khí lực, sáng mắt, tốt cho người suy nhược, thiếu máu, ăn uống kém.
Sát khuẩn, chống đau, xua muỗi
Trong 100 g hành tây chứa 88 g nước, 1,8 g protid, 8,3 g glucid, 0,1 g chất xơ, 0,8 g tro, vitamin, chất khoáng vi lượng và các nguyên tố như Na, K, S, acid acetic, dầu bay hơi…
Những người bị mụn nhọt, chân nứt nẻ, vết thương lở loét, bị ong hoặc rệp đốt có thể lấy hành tây rửa sạch, giã nhuyễn, đắp lên da để làm dịu, sát khuẩn, tan sưng, chống đau. Ngoài ra, có thể cắt đôi củ hành tây hoặc vò nhẹ rồi đặt cạnh giường ngủ để xua muỗi.
|
Theo NLĐ
Bình luận (0)