Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Cộng hòa Áo: Đi tiên phong trong sự hội nhập của học sinh tàn tật

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Trong 20 năm, vùng Styrie nhỏ bé của nước Cộng hòa Áo được đánh giá là tấm gương của châu Âu về hội nhập học sinh tàn tật vào trường bình thường. Có đến 85% số trẻ em tàn tật ở đây được vào các trường tiểu học và trung học, trong khi toàn nước Áo là 60%.
Vùng này không thể có một thành tích như vậy, nếu không có quyết tâm của cha mẹ học sinh, kết hợp với sự ủng hộ hết mình của các tầng lớp và tổ chức xã hội, chính trị vào năm 1980. Những lớp hội nhập đầu tiên xuất hiện cách đây 17 năm, hình thức hội nhập là trong một lớp (có nhiều nhất 20 em) có thể có 4 em tàn tật, kèm theo một thầy trợ giảng (chuyên giúp các em tàn tật).
Mục tiêu và phương hướng hội nhập đã trở thành luật từ năm 1993 theo một quyết định của cơ quan lập pháp về “Quyền được đi học của trẻ em”. Theo đó trẻ em có quyền được đi học ở nơi cư trú của mình, và cha mẹ có quyền chọn chỗ học cho con. Styrie là vùng tiên phong thực hiện luật, nghĩa là tất cả mọi trường trong vùng phải tiếp nhận học sinh tàn tật không có điều kiện, và phải tổ chức dạy theo đúng luật ban hành.
Không có sự phân biệt giữa các loại tàn tật. Học sinh bị điếc, bệnh Down, câm… kể cả học sinh tàn tật nước ngoài, hiện chiếm 49% sĩ số, cũng được đi học.
Các thầy dạy trường đặc biệt dành cho trẻ tàn tật dần dần được chuyển về dạy ở các trường thường có học sinh tàn tật. Một chương trình đặc biệt cho từng trẻ tàn tật được nhà trường vạch ra là các em đó có thể học theo chương trình thường hay chương trình đặc biệt. Tất nhiên kết quả học tập cũng được xác nhận khác nhau.
Hai thầy tiếp cận với học sinh bằng nội dung và phương pháp khác nhau. Tuy vậy những cuộc nghiên cứu chứng tỏ rằng tất cả học sinh đều có lợi. Nhà tâm lý học đường và thanh tra Hàn lâm Josef Zollneritsch nói: “Các học sinh thường cũng không thua thiệt gì, trái lại các em còn có thêm nhiều kiến thức xã hội”. Nói chung các em học sinh đều có những thu hoạch về mặt kiến thức và hiểu biết cuộc sống theo khả năng của mình, không hề có phân biệt đối xử.
Đáng tiếc là những ưu điểm của loại trường hội nhập này không duy trì được lâu khi trở thành đại trà. Các trường đã thành “nạn nhân” của chính sự nổi tiếng của mình. Luật Hội nhập ra đời không được kèm theo những biện pháp thích ứng. Bà Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh Ilse Schmid than phiền: “Luật ra đời chỉ có giá trị hợp thức hóa sự có mặt của học sinh tàn tật trong lớp”.
Các giáo viên lại càng bức xúc hơn, ông Martin Wiedman, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục nói: “Tình hình đã đến cực điểm. Có lớp 30 học sinh mà đã có đến 5, 6 học sinh tàn tật. Học sinh tàn tật thì không theo kịp, học sinh thường thì bị chậm chương trình”. Chính ông thanh tra giáo dục học sinh đặc biệt cũng phải công nhận là đã không dành cho các trường hội nhập này một ngân sách xứng đáng: “Thiếu sót của Bộ là không phân bổ ngân sách theo số học sinh tàn tật, mà lại phân bổ theo tổng số học sinh nói chung”.
Một vấn đề tế nhị nữa là giáo viên phải chăm sóc sức khỏe kể cả vấn đề vệ sinh cho học sinh tàn tật. Đây là điều mà đại diện Công đoàn Giáo dục không đồng tình, khi tuổi trung bình của giáo viên Áo là… 50!
Phụ huynh của những học sinh tàn tật đặt hy vọng vào kỳ bầu cử sắp tới, vì trong chương trình hành động của Chính phủ mới có lời hứa sẽ tài trợ xứng đáng cho các trường hội nhập và mỗi lớp chỉ có 25 em. Hơn nữa các em sẽ được học cho đến năm 18 tuổi.
Phan Thanh Quang (Theo Thế giới Giáo dục)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)