Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Công khai bán ma túy núp bóng thực phẩm

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây, các loại ma túy núp bóng thực phẩm được rao bán tràn lan trên mạng. Những vụ ngộ độc do sản phẩm này gây ra cũng khá nhiều.

Đủ kiểu lôi kéo người mua

Thanh Tuấn – nhân viên một công ty cung cấp dịch vụ “thám tử” ở TPHCM – cho biết, vài tháng qua, anh và các đồng nghiệp liên tục được “đặt hàng” theo dõi các “cậu ấm, cô chiêu” có máu ăn chơi. Phụ huynh của những đứa trẻ này lo con em họ sa đà vào các loại ma túy thế hệ mới. “Tôi có theo dõi 2 thiếu niên là con đại gia ở quận 7 rất khoái món chocolate (socola) “bay” (Socola chill max) – một loại ma túy núp dưới tên đồ ăn” – Thanh Tuấn tiết lộ.

Hình ảnh một số loại ma túy núp bóng thực phẩm mà Công an TPHCM từng cảnh báo

Hình ảnh một số loại ma túy núp bóng thực phẩm mà Công an TPHCM từng cảnh báo

T.K. – 20 tuổi, ở quận 7 – cho biết, đã dùng socola “bay” từ tháng 11/2021 đến nay. Những ngày cuối tuần, K. thường rủ nhóm bạn tìm một địa điểm kín đáo để sử dụng loại thực phẩm tạo cảm giác mạnh này: “Cái này chơi phê gấp mấy lần ma túy, nhưng không có chứa chất cấm. Đặc biệt, sau khi chơi, nếu bị công an test nhanh, kết quả vẫn âm tính”.

Chúng tôi  thử liên lạc với một người đàn ông tên Thiện – đầu nậu cung cấp “Socola chill max”. Nghe chúng tôi hỏi mua socola để “bay”, loại 4 viên/hộp, Thiện nói ngay: “Loại 4 viên lâu lắm rồi, không ngon đâu. Bây giờ đang có loại mới, chỉ 2 viên/hộp nhưng phê rất đằm, kéo dài được hơn 4 giờ. Loại này có thể chơi khi tiệc tùng, đi bar”.

Sau một lúc trao đổi, Thiện chốt giá 600.000 đồng/hộp 2 viên, nếu mua 2 hộp thì được giảm 100.000 đồng. Khách hàng ở TPHCM chỉ cần nhắn địa chỉ, số điện thoại cho Thiện, shipper sẽ giao hàng tận nơi. Thiện khoe: “Khách mua hàng tôi nhiều lắm. Người ta nhắn tin khen rất nhiều. Nếu cần, tôi gửi hình qua cho coi”.

Giao hàng cấm đến tận nơ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, socola “bay” là một loại ma túy. Ngành y tế TP Hà Nội từng ghi nhận 5 trường hợp cấp cứu sau khi sử dụng loại thực phẩm có tên “Socola chill max”. Sau khi kiểm định, cơ quan chức năng đã tìm thấy chất ADB-butinaca trong các viên socola. Đây là chất có trong các loại cỏ Mỹ, gây ảo giác rất mạnh.

Một cán bộ thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Bình Tân, TPHCM khẳng định, ADB-butinaca và các dẫn xuất của nó thuộc nhóm cần sa tổng hợp và bị xem là chất ma túy theo Nghị định 73/2018 của Chính phủ (quy định các chất ma túy và tiền chất ma túy). Do đó, hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng socola “bay” là vi phạm pháp luật.

Mặc dù vậy, loại ma túy núp bóng thực phẩm này đang được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội Facebook và TikTok. Trên các trang Facebook “Hội đồng bay lắc”, “Cộng đồng bay lắc”, “Mua bán socola chill”, có vô số bài viết rao bán socola “bay”.

Một người có tên Facebook là Thành Đạt cho biết, anh ta chuyên cung cấp socola “bay” ở TPHCM và các tỉnh lân cận, giao hàng tận nơi. Khi chúng tôi viện cớ mình là học sinh, không có đủ 600.000 đồng để mua 1 hộp socola “bay”, Đạt chát: “Trời ơi, đâu phải 1 viên, em chơi 1 phát là hết đâu. Của anh là hàng xịn nên 1 viên 4 người chơi, bao phê trong 5 tiếng luôn. Mà thôi, nếu không đủ tiền, em mua loại socola monkey đi. Loại này chỉ 200.000 đồng, nhưng phê không lâu như loại xịn”.

Cảnh báo ngộ độc ma túy 

Những ngày qua, trên cả nước, xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn kẹo bánh, hút thuốc có tẩm cần sa. Gần đây nhất, bà P.T.C. – 56 tuổi, ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội – phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn bỏng ngô có chứa cần sa. Theo lời kể của người nhà, trước đó, con bà C. đặt mua bỏng ngô trên mạng, bà C. có ăn 2 miếng. 1 giờ sau, bà cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ói, sau đó ý thức lơ mơ nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai. Cơ quan chức năng xác định, trong bỏng ngô có tẩm cần sa.

Mẫu bỏng ngô tẩm cần sa khiến 1 phụ nữ ở TP Hà Nội bị ngộ độc - ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP

Mẫu bỏng ngô tẩm cần sa khiến một phụ nữ ở TP Hà Nội bị ngộ độc – Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Công an tỉnh Thanh Hóa cũng vừa phát đi cảnh báo về việc bánh Lazy Cakes tẩm cần sa, âm thầm gây nghiện. Theo đó, bánh Lazy Cakes du nhập vào Việt Nam khoảng 4 năm nay, gần đây được đẩy mạnh mua bán. Bánh được làm từ dung dịch cần sa trộn với bột mì, trái cây khô, socola, giá từ 200.000-300.000 đồng/cái. Người sử dụng chủ yếu là giới trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên. Công an cảnh báo, cần sa ngấm nhanh vào máu khiến người dùng hưng phấn, hoang tưởng. Bánh còn có thể gây suy hô hấp tạm thời và khiến cho người dùng lâm vào trạng thái mê man.

Theo báo cáo về công tác phòng, chống ma túy của UBND TPHCM, trong năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ lượng lớn ma túy, trong đó có một số thực phẩm núp bóng đồ ăn, thức uống, gồm 1.250 lọ “nước vui” chứa các chất ma túy MDMA, ketamine, nimetazepam, 2.000 gói đông trùng hạ thảo chứa chất ma túy MDMA, MA, ketamine. Công an TPHCM từng phát hiện vụ bán nước xoài có chứa chất ma túy. 

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm – vừa yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh thông tin về các vụ ngộ độc ma túy trong thực phẩm và thuốc lá điện tử, có biện pháp xử lý và báo cáo cho ủy ban quốc gia trước ngày 30/12/2022.

Hiện nay, tội phạm thường bán ma túy dưới dạng pha trộn ma túy vào đồ uống hoặc thức ăn, như trà giảm cân, nước xoài, nước vui, bột vui, nước tăng lực, bánh cần, socola… Công an khuyến cáo, người dân không nên sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc; phụ huynh nên kiểm soát việc ăn uống vặt của con em mình, cảnh báo cho con về tác hại của ma túy và báo cơ quan công an gần nhất về nghi vấn việc mua bán các loại thực phẩm, nước uống có chứa chất ma túy.

Ông Đặng Lê Anh – chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành – nhận định, ma túy núp bóng đồ ăn, thức uống hay thuốc lá điện tử rất nguy hiểm do dễ tiếp cận giới trẻ, đặc biệt là học sinh: “Tội phạm ma túy đang tạo thói quen hoặc dựa vào thói quen ăn uống để tiếp cận giới trẻ. Ma túy đang len lỏi vào cuộc sống, làm cho người ta sử dụng như một thói quen và không ý thức được sự nguy hại của nó”.

Theo ông, để ngăn chặn tình trạng này, cần đẩy mạnh việc giáo dục trong nhà trường. Ngành giáo dục cần bổ sung chương trình nhận diện, phòng chống ma túy trong học đường. Ông nói: “Ma túy đang biến hóa phức tạp từng ngày. Do đó, cần cập nhật cho trẻ các kiến thức để phòng tránh. Giáo viên cần được đào tạo về vấn đề này để dạy cho học sinh”. 

11 tháng, bắt 3.700 đối tượng phạm tội về ma túy 

Phát biểu trong kỳ họp HĐND TPHCM mới đây, thiếu tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc Công an TPHCM – nhận định, tình trạng lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán dâm, mua bán ma túy, đánh bạc… ngày càng phức tạp. Có cả những đối tượng lợi dụng mạng để quảng cáo và bán hàng cấm.

Ông cho hay, trong 11 tháng đầu năm 2022, lực lượng công an đã phát hiện, phá trên 1.100 vụ, bắt giữ 3.700 đối tượng phạm tội về ma túy. Từ ngày 15/11 đến nay, khi triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, lực lượng công an của TPHCM đã phát hiện 56 vụ, bắt 133 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Theo Sơn Vinh/PNO

 

Bình luận (0)