Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có hướng dẫn về việc chuẩn bị năm học 2012-2013 cấp tiểu học.
Theo đó, các khoản thu đầu năm học phải được thông báo, niêm yết công khai và có căn cứ về pháp lý. Ghi rõ các khoản thu mua giùm cho học sinh (HS) như: Sách, vở, tài liệu, dụng vụ học tập (không bắt buộc, phụ huynh có thể tự mua); bán trú gồm cơ sở vật chất, tiền ăn trưa; bảo hiểm.
Đối với HS lớp 1: Việc xếp lớp tuyệt đối tránh việc lớp chọn theo cha mẹ (CM) HS hoặc theo khả năng đọc, viết của HS. Nhà trường dành ít nhất 1 tuần hướng dẫn HS làm quen với lớp 1. Giáo viên (GV) chủ nhiệm không dọa nạt, to tiếng làm HS sợ. Thường xuyên trao đổi với CMHS về những trường hợp có biểu hiện sợ sệt, khóc nhè, qua đó giúp trẻ tự tin và thích đi học. GV chủ nhiệm hướng dẫn HS ngồi đúng tư thế, cách cầm bút, đặt bút, đặt vở và mở trang sách giáo khoa. Đặc biệt, dạy HS cách xưng hô với thầy cô…
Vào chương trình, GV không phân biệt HS biết và chưa biết đọc, viết, không bỏ qua bài học. Đối với HS đã biết đọc, viết, GV kiểm tra lại xem đã viết đúng chưa (tư thế ngồi, cách cầm bút, đặt bút, nối nét…) và giao việc cho các em tìm hiểu thêm bài học. HS chưa biết đọc, viết, GV hướng dẫn cách đọc, viết. Trong 2 tuần lễ vào chương trình, GV tuyệt đối không cho điểm HS, chỉ ghi nhận xét mang tính động viên, khuyến khích, khen ngợi, đặc biệt là sự tiến bộ của HS chưa biết đọc, viết. Nếu thấy cần, có thể kéo dài đến tuần lễ thứ 3 hoặc thứ 4.
Cơ sở vật chất phải sạch sẽ, ngăn nắp, trật tự. Loại bỏ những thông báo, hình ảnh không còn sử dụng. Các bảng tên lớp, bảng hướng dẫn ngay ngắn, đóng lại bàn ghế hư gãy. Các bảng thông báo cho CMHS để ở nơi dễ nhìn thấy.
Việc phân công GV dạy lớp phải công khai, minh bạch và phù hợp với năng lực của GV. Về hồ sơ, sổ sách của GV gồm: Sổ chủ nhiệm, giáo án (bài soạn), sổ liên lạc là cầu nối giữa gia đình và nhà trường về hoạt động học tập của HS..
Việc xếp lớp cho HS cần sự ổn định, chỉ thay đổi khi thật sự cần thiết. CMHS có đơn xin chuyển lớp khác cho con, hiệu trưởng và GV chủ nhiệm cần tìm hiểu nguyên nhân để giúp cho trẻ yên tâm học tập. Lưu ý hiện tượng chạy lớp, chọn GV.
Thời khóa biểu (TKB) phải bảo đảm tính khoa học, sư phạm. Các môn học được xếp xen kẽ, hợp lý để các hoạt động của trẻ được cân bằng, hài hòa. Không đưa 1 môn học vào 1 buổi, tránh các môn thực hành liên tục trong 1 buổi học. Đối với các môn thể dục, âm nhạc, hội họa việc sắp xếp TKB phải quan tâm đến sức khỏe, tâm lý HS. Môn tiếng Anh (dành cho HS học 2 buổi/ngày) xếp xen kẽ buổi sáng và buổi chiều, tuyệt đối không dạy 4 tiết liên tục vào 1 buổi. Trường dạy 2 buổi/ngày, TKB của buổi thứ 2 được xếp linh động theo các hoạt động của nhà trường. Đối với trường dạy 1 buổi/ngày, CMHS có yêu cầu, nhà trường có thể xin phòng GD-ĐT để dạy trên 5 buổi/tuần.
Đồng phục HS phải được thiết kế giản dị, hợp lứa tuổi và được hội đồng nhà trường, CMHS đồng thuận; dễ tìm mua hoặc may ở nhà, chất liệu bền và giá không cao. Không bắt buộc HS phải mua đồng phục mới (chỉ cần mặc sạch). Hiệu trưởng không để một HS nào vì chưa có đồng phục mới hoặc chưa kịp mua đồng phục mà không được vào trường học.
Nhà trường hướng dẫn HS mang tập vở và sách theo TKB (mỗi ngày không quá 2 quyển tập). Tài liệu học tập của HS đảo đảm theo quy định tối thiểu. Các loại sách bài tập, sách tham khảo, nhà trường phải thống nhất và thông báo cho phụ huynh. Vở học sinh, CMHS không nên mua vở 200 trang mà chỉ mua vở 50 trang.
Hòa Triều
Bình luận (0)