Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Công khai học phí, thêm nhiều lựa chọn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bộ và Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2009. Điều đáng lưu ý là trong kế hoạch tuyển của các trường, ngoài chỉ tiêu và điều kiện tuyển sinh, người ta còn tìm thấy thông tin về mức học phí mà người học phải chi trả cho từng năm, từng khóa học. Bên cạnh mức học phí, tiền cơ sở vật chất, tiền lưu trú… thường kèm theo các dịch vụ đào tạo, phục vụ tương ứng mà nhà trường cung cấp cho người học. Đó là điều cần thiết phải công khai nhằm tăng nhiều khả năng lựa chọn cho người học. Ở khía cạnh khác, điều đó cũng thể hiện tính công bằng, dân chủ, “sòng phẳng” trong kế hoạch tuyển sinh của các trường.
Các thành phố lớn, đông dân nhập cư như TP.HCM và Hà Nội luôn bị áp lực thiếu chỗ học mỗi đầu năm học mới. Tuy vậy, hệ thống trường công lập, bao gồm trường phổ thông và giáo dục thường xuyên, của các thành phố này vẫn luôn đảm bảo đủ chỗ học cho thanh thiếu niên trong độ tuổi phổ cập giáo dục, tuyệt đối không để em nào thất học vì trường không còn chỗ hoặc vì không có tiền đóng học phí. Tuy nhiên trong cùng một địa bàn, do chất lượng dạy học và các điều kiện phục vụ giáo dục giữa trường này và trường nọ chưa đồng đều, người học dồn về một ít trường nào đó nên phải dùng đến biện pháp thi tuyển, khảo sát… như là một cơ sở để lựa chọn người học, hợp tình hợp lý.
 Bên cạnh, do yêu cầu phát triển, một bộ phận phụ huynh mong muốn con em mình được chăm sóc tốt hơn nên chọn trường này với loại hình dịch vụ này, trường kia với loại hình dịch vụ kia… với một mức học phí tương ứng. Một số trường muốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ thầy giáo uy tín… nhằm đào tạo chất lượng cao, theo chuẩn chương trình quốc tế nên đưa ra khung học phí cao “ngất ngưởng”. Suy cho cùng, điều đó cũng rất cần thiết để nền giáo dục nước nhà phát triển phù hợp với chủ trương xã hội hóa theo hướng hiện đại hóa, không “cào bằng”, tạo điều kiện cho một số trường “bứt phá”, vươn lên trước theo kịp giáo dục các nước tiên tiến.
Qua việc Bộ và các sở công khai mức học phí, đặc biệt học phí do các trường tư thục, dân lập đề nghị cho năm học sắp tới, một số ý kiến tỏ ra e ngại vì nhìn chung mức học phí cao hơn các năm trước, nhất là các trường có chủ ý đầu tư nâng cấp khả năng đào tạo. Tuy nhiên, khung học phí chung của các trường công lập dường như không mấy thay đổi trong hơn chục năm nay, mặc dù giá cả thị trường, lương tối thiểu do Nhà nước quy định đã tăng lên nhiều lần. Có lẽ không nên nói “tiền nào của nấy” ở đây, nhưng thực ra làm sao có thể đảm bảo chất lượng đào tạo và hơn thế, nâng cao chất lượng đào tạo, trong tình hình điều kiện tài chính không hề được cải thiện trong một thời gian dài đầy biến động giá cả như vậy?
Bộ và Sở GD-ĐT công khai trước về mức học phí, đặc biệt là mức học phí tăng cao của một số trường tư thục, kèm theo việc chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp miễn giảm học phí cho con em gia đình khó khăn; chính sách học bổng hỗ trợ người nghèo học giỏi; chính sách cho sinh viên học sinh vay với lãi suất ưu đãi 0%; các doanh nghiệp tham gia một phần kinh phí đào tạo… sẽ là những giải pháp tích cực, chắc chắn sẽ thúc đẩy giáo dục phát triển trong giai đoạn mới.
Đức Nhuận

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)