Công khai thời gian, tuyến đường làm nhiệm vụ
Cục CSGT thông tin, năm 2023 được xác định là năm xử lý vi phạm về nồng độ cồn với mục tiêu nhằm giảm các vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến bia, rượu.
Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, từ ngày 14/12/2022 đến ngày 6/2/2023, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 10.062 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền hơn 57 tỷ đồng, tạm giữ hơn 10.000 phương tiện (trong đó có 1.578 ô tô), tước 5.761 giấy phép lái xe. Phân tích theo mức vi phạm, vượt quá 0,4mg/L khí thở 1.524 trường hợp. |
Theo đó, xuyên suốt trong năm, trên các tuyến đường bộ, đặc biệt là khu đô thị, khu công nghiệp… lực lượng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Các chuyên đề, kế hoạch xử lý vi phạm được đăng tải trên cổng thông tin Cục CSGT cũng như công an các đơn vị địa phương.
Điển hình, tại Hà Nội, Công an TP Hà Nội cập nhật chi tiết các kế hoạch tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn theo từng tháng để người dân có thể nắm được.
Quy trình kiểm tra nồng độ cồn như thế nào?
Ghi nhận của phóng viên tại các chốt 141 Công an TP Hà Nội cũng như một số tổ công tác thuộc Đội CSGT – Phòng CSGT Hà Nội cho thấy, trong thời gian vừa qua các lực lượng đã xử lý quyết liệt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn.
Một cán bộ CSGT Hà Nội thông tin, khi người dân có những vấn đề chưa rõ về máy đo nồng độ cồn sẽ được cán bộ, chiến sĩ giải thích ngay tại thời điểm xử lý vi phạm. Đồng thời, sau mỗi lần bị kiểm tra nồng độ cồn, người dân được xem thông tin trên máy để biết mình có vi phạm hay không. |
Về quy trình kiểm tra, sau khi cán bộ chiến sĩ dừng phương tiện sẽ thông báo cho tài xế về việc tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn. Sau đó, tài xế thổi vào ống dạng phễu trên máy đo cầm tay để phát hiện trong hơi thở có nồng độ cồn hay không. Nếu phát hiện nồng độ cồn, tài xế sẽ tiếp tục phải thổi vào ống máy đo nồng độ cồn để xác định mức vi phạm.
Cảnh sát cho lái xe xem kết quả kiểm tra nồng độ cồn. ảnh: PV
Đại tá Trần Đình Nghĩa – Trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết, việc kiểm tra nồng độ cồn như trên là đúng quy định. Trong một ca làm việc, lực lượng chức năng phải kiểm soát số lượng rất lớn các phương tiện và tránh gây cản trở, ùn tắc giao thông, nên sau khi dừng xe, lực lượng CSGT sẽ yêu cầu tài xế kiểm tra định tính (test nhanh) để phát hiện nồng độ cồn. Sau đó, mới kiểm tra định lượng để có kết quả chính xác làm căn cứ xử phạt.
Máy đo nồng độ cồn được dán tem kiểm định
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay trên biên bản vi phạm hành chính cũng ghi rõ từ 2 đến 5 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản, người vi phạm có quyền gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp hoặc văn bản giải trình đến Trưởng phòng CSGT để thực hiện quyền giải trình.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, một cán bộ CSGT Hà Nội thông tin, khi người dân có những vấn đề chưa rõ về máy đo nồng độ cồn sẽ được cán bộ, chiến sĩ giải thích ngay tại thời điểm xử lý vi phạm. Đồng thời, sau mỗi lần bị kiểm tra nồng độ cồn, người dân được xem thông tin trên máy để biết mình có vi phạm hay không.
“Khi tổ công tác làm việc là có chuyên đề cụ thể được công khai. Trong ca làm việc, nếu người vi phạm có yêu cầu thì cán bộ, chiến sĩ có thể cho xem trực tiếp tem kiểm định dán trên máy, số sê-ri, giấy kiểm định còn hiệu lực hay không…” – vị cán bộ CSGT nói.
Ghi nhận tại chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) vào chiều 10/2, trong khoảng 4 tiếng đồng hồ, tổ công tác Y6/141 dừng đến 400 ô tô để kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, chỉ phát hiện 1 trường hợp vi phạm ở mức thấp.
Một tháng trước đó, lực lượng CSGT toàn quốc đã triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề về xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội. Lực lượng chức năng đã xử lý 80.672 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền gần 400 tỷ đồng.
Theo Thanh Hà/TPO
Bình luận (0)