Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Công khai mức đóng học phí ở các trường ngoài công lập, cần nhưng chưa đủ

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, từ kỳ thi tuyển sinh 2009, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải công khai mức học phí  trong cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009”. Nhưng việc công khai học phí, với biên độ tăng dần đều hàng năm, với các thí sinh vẫn chưa có ý nghĩa quan trọng, ngoài việc biết được mình phải đóng bao nhiêu tiền mỗi năm.
Học phí sẽ tiếp tục tăng?
Năm học 2008-2009, mức học phí đối với sinh viên mới nhập học (khóa 21) của Trường ĐH Thăng Long đã tăng lên tới 10 triệu đồng/năm (tương đương với 1 triệu đồng/tháng), tăng gấp đôi so với năm học 2007-2008. Nhưng sang năm 2009-2010, học phí của trường này lại tiếp tục có sự thay đổi và chia làm 3 mức.
Mức cao nhất áp dụng cho ngành Điều dưỡng là 16 triệu đồng/năm, trung bình 1,6 triệu đồng/tháng. Mức 2 áp dụng cho nhóm ngành Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ là 14,5 triệu đồng/năm. Mức 3 là 13 triệu đồng/năm áp dụng cho nhóm ngành kinh tế, quản lý, xã hội nhân văn.
Ngoài ra, SV theo học Trường ĐH Thăng Long phải đóng thêm tiền xây dựng trường 3 triệu đồng cho cả khóa học 4 năm. Tại trường ĐH dân lập Hải Phòng, Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị cho biết, trường áp dụng 1 mức học phí chung cho tất cả các ngành đào tạo là 790.000 đồng/tháng (so với năm học trước, mức học phí này cũng đã nhích lên thêm 70.000 đồng/tháng).
Trường ĐH dân lập Đông Đô cũng áp dụng mức học phí theo ngành, cụ thể: các ngành Kiến trúc, Điện tử viễn thông, Xây dựng và Ngoại ngữ thu 520.000 đồng/tháng/SV. Các ngành học còn lại SV phải đóng 500.000 đồng/tháng. 
Nếu như khảo sát của Bộ GD-ĐT trong năm học 2005-2006 cho thấy, mức học phí tại các trường ngoài công lập phổ biến ở mức 350.000 – 400.000 đồng/tháng thì đến năm học 2008-2009,  hầu hết các trường đã tăng lên 1,5 – 2 lần và còn “hứa hẹn” tiếp tục tăng trong năm học tới. Về nguyên tắc, đối với các trường ngoài công lập, học phí là một nguồn lực đóng vai trò quan trọng để các trường hoạt động và đầu tư phát triển. Do không được sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước nên phải thu học phí cao hơn công lập nhưng mức học phí phải tương xứng với kinh phí đầu tư cho hoạt động và chất lượng đào tạo của trường để người học có thể chấp nhận được.
Công khai việc sử dụng học phí: yêu cầu rồi… để đó
Thực tế cho thấy, giữa mức học phí và chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập vẫn còn một “khoảng trống”. Cuối năm 2008, Bộ GD-ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội đều có các cuộc kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường ngoài công lập.
Kết luận của 2 cơ quan này đều thống nhất ở một điểm, các điều kiện đảm bảo chất lượng của phần lớn các trường chưa phải là tốt, thậm chí dưới mức trung bình. Cụ thể như về diện tích phòng học, thư viện dành cho sinh viên theo tiêu chuẩn 6m2/sinh viên nhưng trung bình chỉ đạt có 1,4m2/sinh viên, hầu như trường nào cũng thiếu giảng viên có trình độ…
Về phía cơ quan quản lý, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định, năm học 2008-2009 sẽ đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý tài chính ở các cấp học, trong đó sẽ công khai các khoản thu chi tài chính, thực hiện “ba công khai”, trong đó nhất thiết phải có sự công khai với người học về sử dụng nguồn học phí, các điều kiện để thực hiện đào tạo, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để bảo đảm đào tạo công khai sử dụng nguồn thu, chất lượng đào tạo.
Bộ cũng yêu cầu các trường cùng với việc thu học phí phải thực hiện công khai việc sử dụng tiền học phí nói riêng và nguồn tài chính của trường nói chung. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, khi năm học 2008-2009 gần kết thúc và mùa tuyển sinh mới bắt đầu, vẫn chưa hề có trường ĐH ngoài công lập nào công khai việc sử dụng học phí theo yêu cầu của bộ. Việc công khai mức đóng học phí, với biên độ tăng dần đều hàng năm, với các thí sinh vẫn chưa có ý nghĩa quan trọng, ngoài việc biết được mình phải đóng bao nhiêu tiền mỗi năm.
Vấn đề mấu chốt nhất, cùng với việc thu học phí phải thực hiện công khai việc sử dụng tiền học phí nói riêng và nguồn tài chính của trường nói chung theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vẫn chưa có chuyển biến. Người học, cho đến nay, vẫn chưa được biết một cách chính xác, số tiền học phí mình đóng, đang được chi cho những khoản nào, có hợp lý hay không…
ĐINH LAN (SGGP)

Bình luận (0)