Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Công nghệ biến không khí thành xăng

Tạp Chí Giáo Dục

Một công ty tại Anh tìm ra công nghệ đột phá để sản xuất xăng từ hơi nước và carbon dioxide (CO2) trong không khí.
Xăng mà Air Fuel Synthesis sản xuất từ hơi nước và khí CO2 có màu và mùi như xăng thường, song tạo ra ít khí thải độc hại hơn. Ảnh: Telegraph.
Air Fuel Synthesis – một công ty nhỏ tại thành phố Stockton-on-Tees, Anh – thông báo họ đã chế tạo thành công hệ thống sản xuất xăng từ khí CO2 và hơi nước. Sau khi khởi động hệ thống, công ty đã sản xuất 5 lít xăng từ tháng 8 tới nay. Ban lãnh đạo công ty muốn xây dựng một nhà máy quy mô lớn để sản xuất một tấn xăng mỗi ngày, The Independent đưa tin.
"Chúng tôi lấy khí CO2 từ không khí và khí hydro từ nước rồi biến chúng thành xăng", Peter Harrison, giám đốc điều hành công ty, cho biết.
Harrison khẳng định Air Fuel Synthesis sẽ trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới sản xuất xăng từ không khí. Theo ông, loại xăng mới có màu sắc và mùi giống hệt xăng bình thường, song nó không tạo ra nhiều khí thải độc hại như xăng mà người ta sản xuất từ dầu thô.
"Những động cơ đang sử dụng xăng hiện nay đều có thể dùng xăng của chúng tôi", Harrison khẳng định.
Nhiều người tỏ ra hoài nghi thông báo của Air Fuel Synthesis, bởi họ nghĩ biến nước và CO2 thành xăng là điều không tưởng. Tuy nhiên, ông Tim Fox, trưởng bộ phận Năng lượng và Môi trường của Viện Kỹ sư cơ khí tại thành phố London, xác nhận rằng ông đã thấy công nghệ của Air Fuel Synthesis.
"Họ đã lắp đặt xong hệ thống máy móc và tôi đã thấy nó. Hơi nước và CO2 biến thành xăng theo một quy trình. Hệ thống máy móc hút hơi nước và CO2 từ không khí xung quanh rồi biến chúng thành xăng", Fox phát biểu.
Mặc dù Air Fuel Synthesis đang thử nghiệm công nghệ, ban lãnh đạo công ty tin rằng họ có thể dùng các dạng năng lượng tái sinh để cấp điện cho hệ thống.
CO2 là một trong những loại khí gây nên hiện tượng ấm lên của trái đất. Giới bảo vệ môi trường tin rằng giảm lượng CO2 trong không khí, giảm hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch ( như dầu mỏ và than đá) là giải pháp hiệu quả nhất trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Vì thế, nếu công nghệ của Air Fuel Synthesis được áp dụng trên quy mô lớn, nó sẽ giúp con người đạt cả hai mục đích: giảm nồng độ CO2 trong khí quyển và giảm nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch.
"Nếu Air Fuel Synthesis nhận đủ số tiền tài trợ cần thiết, chúng tôi sẽ sản xuất xăng từ không khí trên quy mô công nghiệp vào năm 2014", Harrison nói.
theo VNE

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)