Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Công nghệ chỉnh sửa nhan sắc hoa hậu ở Venezuela

Tạp Chí Giáo Dục

Dayana Mendoza, Miss Universe 2008, luôn né tránh câu hỏi về việc cô đã phẫu thuật thẩm mỹ hay chưa. Bác sĩ của người đẹp khẳng định, Dayana từng nâng ngực, sửa mũi và hút mỡ. Cô chỉ là một trong số rất nhiều hoa hậu phải nhờ đến “dao kéo" tại Venezuela.

Venezuela được coi là “vương quốc của sắc đẹp” – đất nước có 5 Hoa hậu Thế giới, 5 Hoa hậu Hoàn vũ và 5 Hoa hậu Quốc tế – nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Đằng sau mỗi mỹ nhân đó, là bóng dáng một người đàn ông dạy họ cách đi đứng, nói cười, chọn cho họ những chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ giỏi nhất.

Công nghệ ép cân, sửa mũi, nâng ngực đã biến Eva Ekvall thành Hoa hậu Venezuela… Ảnh: Missvene.

Eva Ekvall kể, năm 17 tuổi, cô là một thiếu nữ có phần đẫy đà. Khi quyết định tham dự cuộc thi sắc đẹp đầu tiên, Eva chỉ mong kiếm đủ tiền để mua một chiếc xe hơi. Không mấy tự tin vào nhan sắc của mình nhưng chỉnh sửa thẩm mỹ là điều cuối cùng xuất hiện trong tâm trí Eva.

Rồi mọi sự đã thay đổi kể từ khi Eva gặp Osmel Sousa – thày phù thủy trong ngành công nghiệp kinh doanh sắc đẹp tại Venezuela. 3 tháng sau, Eva giảm được 11 kg, mũi cô được nắn lại cho thon gọn hơn, còn đôi gò bồng đảo được bơm lên cho mỡ màu hơn. Eva hăm hở đi thi và đăng quang Hoa hậu Venezuela 2000. Một năm sau, cô đoạt ngôi Á hậu 3 trong cuộc thi Miss Universe 2001.

"Tôi bất ngờ giảm cân, nên phải bơm ngực lên. Mặt tôi gầy đi, nên mũi trông lại hơi to, vì thế phải đi sửa mũi. Osmel thường xuyên động viên: ‘Đừng lo, chúng ta sẽ phải sửa chỗ này chỗ kia một tý. Rồi mọi thứ sẽ ổn thôi”, người đẹp kể.

… và sau đó, Eva lọt vào Top 5 Miss Universe 2001, đoạt ngôi Á hậu 3. Ảnh: MUO.

Sousa, 60 tuổi, là người gốc Cuba. Ông đã bước chân vào các cuộc thi sắc đẹp ở Venezuela từ năm 1981. Sousa công khai ủng hộ các thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ.
"Đây không phải là cuộc thi tôn vinh cái tự nhiên. Đây là cuộc thi sắc đẹp. Và khoa học công nghệ tồn tại là để góp phần tạo ra những vẻ đẹp hoàn hảo. Chẳng có gì là sai trái khi làm như thế cả”, Sousa tuyên bố.

Tổ chức Hoa hậu Venezuela thuê hẳn một chuyên gia thẩm mỹ và một bác sĩ nha khoa về làm việc. Dayana Mendoza, đương kim Hoa hậu Hoàn vũ, là học trò của Sousa.

"Venezuela có khả năng tạo ra một dây chuyền các nữ hoàng sắc đẹp không giống với bất cứ quốc gia nào. Không có gì là ngẫu hứng ở các cuộc thi Hoa hậu Venezuela. Tất cả đều được tính toán. Còn các thí sinh được chỉnh sửa nhan sắc và phải luyện tập rất cực nhọc”, Ines Ligron – Giám đốc Tổ chức Hoa hậu Thế giới Nhật Bản, người đã đào tạo Miss Universe 2007 Riyo Mori – nhận xét.

Dayana Mendoza tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 ở Việt Nam. Ảnh: MUO.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản đối việc khoa học can thiệp thô bạo vào vẻ đẹp của con người. Arthur Caplan, giáo sư đại học ở Pennsylvania, Mỹ phát biểu: "Không một bác sĩ giải phẫu nào có thể khẳng định, rằng bơm ngực cho một cô bé 17-18 tuổi để đi thi hoa hậu là việc làm hợp đạo lý. Thật kinh khủng khi các cuộc thi sắc đẹp ngày càng biến thành cuộc đua về công nghệ chỉnh sửa. Sẽ không còn những nhan sắc tự nhiên nữa”.

Nhưng việc áp dụng công nghệ chỉnh sửa nhan sắc đã được cho phép và trở nên phổ biến trong các cuộc thi. Bà Paula Shugart, Chủ tịch Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ, cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích, nhưng cũng không cấm. Hoa hậu Hoàn vũ trong thế kỷ 21 cần phản ánh được thế giới mà chúng ta đang sống, nên nếu thí sinh cần đến một số sản phẩm nhân tạo thì cũng không sao”.

Để có cơ hội trở thành hoa hậu, các thí sinh phải lọt vào mắt xanh của Sousa hoặc tai mắt của ông ta có ở khắp nơi, tại hàng trăm show diễn thời trang và các cuộc thi nhan sắc.

Những bức ảnh chỉ rõ Dayana đã sửa mũi… Ảnh: Guana.

Vào tháng 3 hàng năm, khoảng 300 cô gái lại tìm đến ngôi biệt thự của Sousa để tìm kiếm một dịp may. Tại đây, vẻ đẹp nguyên sơ của họ sẽ được 4 ông thày soi xét: Sousa, trợ lý của ông Gabriel Ramos, bác sĩ nha khoa Moises Kaswan và chuyên gia thẩm mỹ Peter Romer. Họ sẽ bàn bạc và đưa ra giải pháp để tạo nên một mỹ nhân có thể trở thành hoa hậu.

“Cô hơi mũm mĩm, mũi hơi khoằm. Còn răng nữa. Chúng ta sẽ cần phải làm gì đó”, Sousa nhận xét về một thí sinh. Quá trình sơ tuyển cùng những ý kiến này đều được ghi hình lại.

Khoảng 60 người trong số đó được lựa chọn để tham dự vào các lớp tập luyện kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Giáo trình bao gồm: chỉnh sửa thẩm mỹ, giảm cân, tập đi, khiêu vũ, học tiếng Anh.

… để có được gương mặt hoàn hảo như thế này. Ảnh: Hoàng Hà.

Thí sinh không cần trả bất cứ khoản phí nào để theo học. Nhưng khi đã đăng quang các cuộc thi nhan sắc, họ sẽ phải trích 20% thu nhập có được nhờ danh hiệu trong một năm giữ vương miện để trả cho công ty của Sousa.

"Osmel là một nghệ sĩ đích thực. Ông đã là thay đổi đời tôi”, đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Dayana Mendoza nói. Vương miện mà Dayana giành được trị giá 30.000 USD, một căn hộ ở New York được trang trải mọi chi phí trong vòng một năm.
Mendoza còn nhận được học bổng hai năm ở Học viện điện ảnh New York, một tủ quần áo, giày dép. Giải thưởng bằng tiền mặt của Dayana trị giá 500.000 USD.

Mendoza bước vào nghề người mẫu từ năm 15 tuổi. Cô không bao giờ khẳng định hoặc phủ nhận việc cô phẫu thuật thẩm mỹ. Người đẹp chỉ phát biểu, mọi người nên làm những gì có thể để hoàn thiện mình.

Nhưng Daniel Slobodianik, bác sĩ phẫu thuật làm việc cho tổ chức Hoa hậu Venezuela từ 2004 đến 2007 cho biết, Hoa hậu đã nâng ngực, sửa lại mũi và lấy bớt mỡ thừa ở đầu gối. "Vâng, tôi đã chỉnh sửa cho Dayana và rất nhiều cô nữa mà tôi không nhớ nổi”, Slobodianik nói.

Hà Linh (Theo VNE)

Bình luận (0)