Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Công nghệ giải trí kỹ thuật cao: Kỳ 1: Hệ lụy từ digital và công nghệ nén

Tạp Chí Giáo Dục

Băng đĩa gốc của các ca sĩ đang đối đầu với vấn nạn đĩa lậu. Ảnh: S.M
Thời gian qua, ai cũng phải công nhận vai trò tối quan trọng của những sản phẩm thuộc hàng kỹ thuật cao như: công nghệ kỹ thuật số (digital), chiếc máy MD (Mini Disc), công nghệ nén (MP3, MP4)… Nhưng cũng từ các phát minh này, đã làm cho nhiều hoạt động biểu diễn và kinh doanh trong làng nghệ thuật không ít những hệ lụy, xáo trộn.
Từ digital…
Digital ra đời đã đánh dấu một cuộc cách mạng trong công nghệ ghi âm với tất cả đều được số hóa một cách chuẩn xác. Một cuốn băng được ghi bằng kỹ thuật analog trước đây sẽ mất dần “chuẩn” âm thanh sau nhiều lần sao chép, còn với một CD nhạc được lưu bằng digital sẽ vẫn cho ra một phiên bản với chất lượng âm thanh như 100% bản gốc dù có chép đi chép lại từ F1 đến F10 đi chăng nữa. Bên cạnh đó, việc sao chép các sản phẩm âm nhạc kỹ thuật số này lại khá đơn giản vì hầu như ai cũng có thể làm được với một máy tính cá nhân chứ không cần những thiết bị chuyên dụng của ngành ghi âm như khi sử dụng các cuốn băng analog trước đây… Và cũng chính tính chất “ưu việt” của công nghệ này đã trở thành con dao hai lưỡi và là một vấn nạn của công nghệ ghi âm hiện nay. Các nhà sản xuất ngày càng đau đầu hơn bởi sản phẩm của họ quá dễ bị sao chép.
Đĩa lậu ( gồm CD, VCD, DVD) tràn lan chính là do sự “tiếp tay” của công nghệ giải trí kỹ thuật cao. Ca sĩ chỉ cần có master các ca khúc và gửi cho người sản xuất đĩa lậu cùng chi phí để họ in ấn bìa và “nhân bản” với giá siêu rẻ, chỉ khoảng hai ngàn đồng/ đĩa và số lượng một lần sản xuất phát hành lên đến hàng chục ngàn bản. Sau đó, đĩa sẽ được tung ra thị trường với giá bán chỉ khoảng 5 ngàn đồng/ đĩa nên lượng khách hàng của đĩa lậu rất lớn. Và dĩ nhiên, đĩa gốc với giá từ 35.000 -100.000 đồng/đĩa trên các kệ bán được rất khiêm tốn. Không chỉ ở Việt Nam mà hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều… chưa tìm ra giải pháp vì công nghệ digital này cho phép nhân bản hay “lai tạo” ra hàng loạt các sản phẩm âm nhạc trong một thời gian ngắn mà vẫn giữ được chuẩn mực âm thanh của CD gốc, và đối với các nước mà người dân với túi tiền eo hẹp thì việc xâm phạm bản quyền càng phát triển nhanh hơn nhằm tạo ra những sản phẩm mang dáng dấp digital “ngon bổ rẻ”, công chúng thì tốn ít tiền hơn nên nó trở thành cơ hội làm giàu cho các tay đầu nậu. Các ca sĩ và nhà sản xuất thực hiện một CD chi phí khoảng 100-150 triệu đồng, VCD và DVD thì “ngốn” 400-800 triệu đồng. Đó là chưa tính thời gian chờ cấp phép và phát hành. Thế nhưng, ngay sau ngày phát hành, các đĩa này đã bị sao chép và bán với giá chỉ bằng 1/10 đĩa gốc nên hiện tại, các ca sĩ tên tuổi và nhiều hãng băng đĩa hiện rất ngại đầu tư làm đĩa chất lượng cao. Tem dán trên đĩa của Cục Nghệ thuật biểu diễn gần như không còn tác dụng khi quá nhiều đĩa không dán tem bày bán tràn lan vẫn không bị xử lý.
…Đến công nghệ nén
Công nghệ kỹ thuật số nguyên bản đã làm cho các nhà sản xuất chân chính đau đầu lắm rồi thì đùng một cái, công nghệ “nhạc nén” MP3 xuất hiện với sự cho phép “nén” và lưu một số lượng gấp 10 lần các ca khúc theo dạng lưu thông thường trong các CD. Vậy là với một CD thông thường lưu được khoảng 12 ca khúc thì với kỹ thuật MP3 họ sẽ lưu được 120 bài với chất lượng âm thanh chỉ giảm chút đỉnh mà tai người khó có thể nhận ra. Và cả hình ảnh cũng được nén tương tự như trên với kỹ thuật MP4. Với dung lượng khá gọn nhẹ này, một ca khúc chỉ còn chiếm khoảng 5 megabyte so với khoảng 50 megabyte ở kỹ thuật ghi âm thông thường thì quá dễ dàng để di chuyển, sao chép và đưa thẳng lên internet để mọi người cùng thưởng thức. Từ khi công nghệ MP3 ra đời thì đã biến internet trở thành nơi “nghe nhạc công cộng” lớn nhất hành tinh. Chỉ cần một cú “click chuột” là có thể thoải mái lựa chọn những bài hát mình yêu thích mà không cần phải tốn tiền. Điều này làm cho các nhà sản xuất mỗi năm thiệt hại hàng tỉ USD mà chẳng biết kêu ai?!?
Hiệp hội công nghiệp ghi âm VN (RIAV) ra đời với hy vọng sẽ là “điểm tựa quan trọng” cho tình hình băng đĩa lậu tràn ngập cũng như vi phạm tác quyền ca khúc nhan nhản trên internet như hiện nay. Bên cạnh đó, RIAV đã tổ chức các hội chợ triển lãm băng đĩa nhằm kêu gọi công chúng ủng hộ các sản phẩm băng, đĩa gốc. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn hiện nay, ngành công nghiệp ghi âm đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Bà Trương Thị Thu Dung, Phó chủ tịch RIAV cho biết: “Để chống lại vấn nạn băng đĩa lậu, chúng tôi luôn phấn đấu để có những sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý nhằm giữ chân người tiêu dùng. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng mỗi một lần tăng giá là mỗi lần chúng tôi rời xa khách hàng hơn, khiến họ tìm đến đĩa lậu nhiều hơn. Nhưng, không tăng giá thì chúng tôi chết”.
Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy
 
Suốt một thời gian dài, các nhà sản xuất và ghi âm trên thế giới gần như bất lực cho đến khi họ tìm ra một giải pháp khá tốn kém là sử dụng bộ khóa kỹ thuật số chống sao chép trên mỗi ấn bản CD với giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, bộ khóa này đã bị các hacker “bẻ” một cách dễ dàng, đưa các nhà sản xuất CD đến một “kỷ nguyên mới” lao đao hơn…
Kỳ 2: Hệ lụy từ chiếc máy MD

Bình luận (0)