Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Công nghệ giải trí kỹ thuật cao: Kỳ 2: “Tiếp tay” đánh lừa khán giả

Tạp Chí Giáo Dục

Dòng nhạc hàn lâm vẫn bị phát hiện có “hát nhép”. Ảnh: K.N
Nếu nói sự ra đời của công nghệ ghi âm kỹ thuật số là một “cuộc cách mạng” trong công nghệ ghi âm thì việc ra đời của chiếc máy MD là một cuộc “đảo chính” trong hoạt động biểu diễn, đẩy nhiều ban nhạc đệm vào thế… thất nghiệp hoặc trở thành những “cascadeur” trên sân khấu.
Có máy MD, thoải mái “nhép”?
Với chiếc máy MD nhỏ bé cỡ bằng… chiếc bánh trung thu và chiếc đĩa bé xíu cùng hơn chục bài nhạc nền đã thu sẵn, các ca sĩ cứ mặc sức tung hoành mà không cần ban nhạc đệm. Nhiều bầu sô rất khoái những tính năng “hiện đại” của chiếc máy MD này bởi cái lợi đầu tiên là khỏi phải trả tiền cho nhạc công (khoảng 5 người), việc “set up” âm thanh cũng đơn giản hơn vì tất cả các nhạc cụ đã nằm gọn trong chiếc đĩa mini nhỏ xíu ấy. Chính sự tiện lợi của nó đã làm nhiều ca sĩ đâm ra lười biếng tập với ban nhạc, và ngày càng tiêu cực hơn khi các ca sĩ sử dụng máy MD với phần nhạc đệm và cả giọng hát thu sẵn phát ra, còn mình thì chỉ đứng nhép môi (lip – sync) đánh lừa khán giả. Có lẽ cả nhà phát minh ra chiếc máy MD này cũng không thể ngờ rằng, các ca sĩ ngày nay lại sử dụng một phát minh đáng trân trọng đó để làm điều đáng xấu hổ như vậy. Khi “hát nhép”, các ca sĩ đã thu sẵn ở phòng thu phần nhạc và lời rồi mix bài hát thật hay. Khi đến sân khấu, chỉ việc bỏ đĩa MD vào đầu phát chuyên dụng rồi chỉ việc ra “nhép” sao cho khớp lời và nhảy sao cho đẹp mà thôi. Với cách hát này, ca sĩ khỏe re vì chất giọng và mọi kỹ thuật hát đã được xử lý ở phòng thu. Ngay khi đang bị… nghẹt mũi họ cũng hát “tốt”. Một nhóm nhạc gồm ba chàng trai chuyên hát “nhép” trên sân khấu rất “tự hào” khi nói: “Hát nhép môi là cả một công nghệ cao đó…”. Mà quả vậy, mỗi khi họ trình diễn, khán giả thường chú ý vào kỹ năng nhảy nhót của họ nhiều hơn là nhìn vào… miệng. Ba chàng trai này được người trong giới ca nhạc bình chọn là “Nhóm nhạc hát lip-sync kỹ thuật cao”??? Hiện nay, hầu hết các chương trình ca nhạc có quay hình hoặc truyền hình trực tiếp, nhà đài đều chấp nhận cho các ca sĩ hát “nhép”. Có trường hợp, ca sĩ đang “nhép miệng” bài này nửa chừng thì đĩa MD trở chứng nhảy sang bài khác làm ca sĩ đứng chết trân trên sân khấu, khán giả la ó đuổi xuống…
“Hát nhép” tràn sang cả nhạc hàn lâm
Hệ lụy từ chiếc máy MD này càng đáng buồn hơn khi hiện nay, “hát nhép” tràn sang cả dòng nhạc hàn lâm. Ở Trung Quốc, nhà tổ chức phải thực hiện công đoạn bắt buộc là tự ghi hình toàn bộ chương trình để nhà chức trách kiểm tra, phân tích, chống tình trạng “hát nhép”. Nếu không, nhà tổ chức sẽ bị phạt số tiền lên tới 3.000 nhân dân tệ. Ca sĩ Cẩm Vân cho biết: “Một nghệ sĩ chân chính sẽ không bao giờ chấp nhận việc “hát nhép”. Vì như thế là giết chết con người nghệ sĩ của họ, sẽ không còn giây phút thăng hoa, cháy hết mình cho nghệ thuật”. Vừa qua, có ba đêm diễn thuộc dòng nhạc hàn lâm bị công luận lên tiếng có “hát nhép”. Đó là buổi công diễn hợp xướng Lục Vân Tiên của nhạc sĩ Vũ Đình Ân và Đêm nhạc Cror tại Nhà hát TP.HCM, hay buổi biểu diễn ra mắt nhóm Credo tại Nhạc viện TP.HCM. Ca sĩ tham gia các chương trình này đang hát những giai điệu kịch tính, hay sôi động với vũ điệu minh họa tưng bừng trên sân khấu, mà mặt vẫn tỉnh queo chẳng có vẻ gì nhọc công, giọng hát thì trong vắt và âm thanh phát ra rất đều đặn.
Quy chế 47 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quy định rất rõ, một trong những điều bị nghiêm cấm là dùng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật nhưng trên thực tế chuyện hát nhép, đàn nhép vẫn là chuyện xảy ra hàng đêm trong nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, việc có được bằng chứng để xử phạt hành vi này cũng còn là vấn đề khá nan giải. Theo ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Văn hóa nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.HCM thì: “Để “bắt tận tay, day tận trán” hành vi “hát nhép” là rất khó vì phương tiện kỹ thuật âm thanh ngày càng hiện đại. Muốn phát hiện được thì thanh tra phải tới tận nơi chỉnh kỹ thuật âm thanh để quan sát nhưng lực lượng thanh tra lại rất mỏng. Ca sĩ “hát nhép” ngày càng điêu luyện hơn đến mức khó có thể bị phát hiện. Trong khi đó, thanh tra văn hóa trong cơ quan quản lý nhà nước lại thường không được mời đến tham dự các buổi biểu diễn, mà nếu tự bỏ tiền mua vé đến để giám sát việc “hát nhép” có hay không cũng là cả một vấn đề”. Nhiều nhà báo cũng cho rằng, phải chế tài thật mạnh, nhưng nếu chỉ phạt tiền mà không rút giấy phép tổ chức biểu diễn hoặc giấy phép hành nghề của ca sĩ khi phát hiện “hát nhép” thì việc đưa ra nhiều nghị định, quyết định sẽ vẫn chỉ mang tính hình thức.
Nhạc sĩ NGUYỄN NHẤT HUY

Rõ ràng những phát minh thuộc hàng kỹ thuật cao này ngày càng bộc lộ mặt trái đầy tiêu cực của nó. Dĩ nhiên, đó không phải là lỗi của các nhà phát minh hay là lỗi của công nghệ. Cái chính là chúng ta đã lạm dụng các sản phẩm kỹ thuật cao này để tự biến mình thành “trò hề” trong hoạt động biểu diễn như việc các ca sĩ thi nhau lạm dụng chiếc máy MD để lip–sync hát nhằm đánh lừa khán giả trong thời gian qua.

Kỳ cuối: Thời nhạc công biết… “múa”?

Bình luận (0)