Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Công nghệ “mạ kền”

Tạp Chí Giáo Dục

Dư luận cả nước từ nín thở (trông đợi) đến thở phào và hoan hỷ khi các cơ quan chức năng của TW công bố kết quả về vụ ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch Hậu Giang.

Sau khi biết rõ “thân thế sự nghiệp” của ông Trịnh Xuân Thanh, có người ví rằng đây là công nghệ “mạ kền” ở trình độ cao.

Dân gian có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, ngụ ý rằng nội dung bên trong là cơ bản, hình thức bề ngoài chẳng qua là phù phiếm. Tuy nhiên, lâu nay trong công tác cán bộ, chúng ta đưa ra nhiều tiêu chí… rất hình thức, hơi coi trọng bằng cấp, mà không chú ý đến thực chất. Từ đó đã dẫn tới tình trạng chạy đua về bằng cấp, cố “gom” cho đủ bằng cấp, bằng khen, huân huy chương để có cơ hội tiến thân. Nếu tất cả những hành trang trên mà thực chất thì quả là lý tưởng. Song thực tế thì khác xa. Hầu hết bằng cấp quản lý và chính trị đều vừa học vừa làm (tại chức) dẫn tới rất nhiều người có bằng quản lý hành chính Nhà nước, lý luận chính trị nhưng lại rất ngô nghê về quản lý Nhà nước và không hiểu gì về lý luận…

Để minh chứng điều này, hãy cứ đến các khóa học ở những trường đào tạo bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước, bồi dưỡng lý luận chính trị thì biết rõ. Vậy thì nguyên nhân do đâu? Đơn giản vì công chức, viên chức muốn có các chứng chỉ trên đều phải là trong “diện quy hoạch”, hoặc đã là cán bộ lãnh đạo. Mà đã là cán bộ lãnh đạo đi học thì phải vừa học vừa làm, ngồi được vài ba chục phút trên lớp lại lấy lý do phải về cơ quan ký giấy tờ để nghỉ.

Đây là tình trạng phổ biến lâu nay. Ai cũng  hiểu, chỉ những người trong cuộc… không hiểu.

Ngoài hành trang bằng cấp, muốn được quy hoạch và bổ nhiệm thì phải có hành trang “quá trình”, “kinh qua”… Thế là nảy sinh ra công nghệ “mạ kền”.

Công nghệ “mạ kền” để ngồi vào vị trí lãnh đạo kể cũng thật công phu. Điểm qua quá trình của nguyên Phó Chủ tịch Hậu Giang cho thấy: sau khi tốt nghiệp ĐH Xây dựng, ông Thanh sang Đông Âu làm ăn mấy năm rồi về làm giám đốc một đơn vị của TW Đoàn. Sau đó làm chủ tịch hội đồng quản trị của một tổng công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí. Sau khi để lại cho người kế nhiệm khoản nợ 3.200 tỷ đồng, ông nhẹ nhàng về văn phòng Bộ Công thương. Ông làm đại diện văn phòng Bộ Công thương ở miền Trung, quay về làm lãnh đạo văn phòng bộ với đầy đủ chức danh Đảng và chính quyền, ông được tỉnh Hậu Giang tiếp nhận và bổ nhiệm… để rồi có phiếu tín nhiệm khá cao và nghiễm nhiên làm Phó Chủ tịch tỉnh. Như vậy, lớp “mạ kền” thứ nhất ở nơi ông công tác đầu tiên chỉ là “tráng men”. Mỗi lần sang một vị trí mới lại có một lớp “mạ kền” khác đẹp hơn, bóng bẩy hơn… Khi được là Phó Chủ tịch Hậu Giang thì lớp mạ này đã trở nên tuyệt mỹ. Tuy nhiên, chỉ vì sơ suất trong quá trình “mạ kền” mà những hạt sạn đã tự nhiên nổi lên và lớp “mạ kền” bóng bẩy nói trên không thể che lấp được. Nó cứ lồi ra, trồi lên… Và chỉ đến khi cơ quan thẩm quyền công bố thì mới “ba năm rõ mười” câu chuyện công nghệ “mạ kền” hay nói theo dân gian là “sơn son, thếp vàng”… chỉ là hàng giả.

Luật gia Trần Thúc Hoàng
(Bộ Thông tin và Truyền thông)   

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)