Trước diễn biến khó lường của dịch viêm phổi do virus corona gây ra, các nhà nghiên cứu y học và các bác sĩ đã không ngừng làm việc nhằm tìm ra thuốc chữa hay vaccine phòng chống cơn đại dịch này. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng giới thiệu nhiều công nghệ mới giúp chống lại virus gây ra đại dịch.
Nhân viên y tế tiến hành xịt khuẩn trong một khoang tàu hỏa ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images
Đưa AI, robot vào phòng và chữa bệnh
Tại một số bệnh viện đang đảm đương trọng trách “tuyến đầu” trong việc phòng và chữa corona ở Trung Quốc, robot đã được ứng dụng để thăm khám và chữa trị cho người mắc bệnh, giúp quá trình này được thúc đẩy nhanh chóng cũng như tránh bị lây nhiễm chéo từ người bệnh sang bác sĩ, y tá.
Trí tuệ nhân tạo cũng được đưa vào vận hành với vai trò tổng đài viên tự động hay chatbot, giúp gọi điện thoại liên lạc đến thân nhân của người bệnh hay tiếp nhận thông tin trình báo về tình hình bệnh trạng. AI cũng ghi chép lại con đường di chuyển của bệnh nhân để nhanh chóng đưa ra phương án khoanh vùng và cách ly dịch.
Từ các dữ liệu thu thập được, các công ty phần mềm ở Trung Quốc nhanh chóng tung ra phần mềm giúp người dân nắm bắt được thông tin một cách tự động, nhanh chóng và chính xác; hướng dẫn đường đi đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất; vẽ bản đồ khu vực có người bệnh đi qua…
Sử dụng trí tuệ nhân tạo chống đại dịch
Các bệnh truyền nhiễm được gây ra do virus di chuyển từ vật chủ này sang vật chủ khác. Trong quá trình này, virus sẽ tiến hóa dần để thích nghi được với cơ thể vật sống mới, điều này khiến các nhà khoa học lo ngại bởi cơ thể người sẽ khó phát triển hệ miễn dịch kịp thời để chống chọi lại chúng.
Trước thực tế này, nhóm nghiên cứu đến từ startup có tên là Berg Health, có trụ sở đóng tại thành phố Boston (Mỹ) đã làm việc cùng hãng dược Sanofi từ Pháp để ứng dụng trí tuệ nhân tạo mà ngăn chặn sự tiến hóa và lây lan của virus.
Theo đó, nghiên cứu sinh tại Berg Health lấy dữ liệu các biến thể của mRNA, nồng độ chất chuyển hóa và protein từ hàng trăm mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân tiếp xúc với virus gây bệnh. Sau đó, nhóm cho chạy chương trình phân tích và thống kê trên máy tính để đưa ra kết quả.
Kết quả cho thấy những điểm chung trong các mẫu bệnh phẩm, giúp bác sĩ và chuyên gia y tế hiểu rõ hơn về quá trình thích ứng của virus, cũng như cách mà hệ miễn dịch trong cơ thể người phản ứng với virus xâm nhập. Đồng sáng lập Niven Narain của Berg lạc quan về nghiên cứu và nhìn nhận đây như một loại vaccine có thể phòng ngừa trước cả vaccine truyền thống.
Chữa bệnh từ xa bằng 5G
5G được mệnh danh là công nghệ của tương lai khi giúp kết nối mọi người mọi vật mà không lo bị gián đoạn dẫn đến sai sót không đáng có. Theo đó, China Mobile đã liên kết với Đại học Chiết Giang nhằm tạo ra hệ thống quan sát, hướng dẫn để khám chữa bệnh từ xa qua 5G.
Tại bệnh viện và trung tâm y tế, các nhân viên sẽ dùng 5G để đưa ra chẩn đoán, hướng dẫn cách điều trị thông qua 5G và VR (thực tế ảo) để tránh tiếp xúc nhiều nhất với bệnh nhân. Điện toán đám mây còn giúp người thân của bệnh nhân có thể đặt lịch hoặc được khám từ xa mà không cần phải đến bệnh viện để xếp hàng.
Do tính kết nối xuyên suốt của 5G, drone hay máy bay không người lái được khai thác tối đa để bay khắp các thành phố nhằm tuyên truyền về bệnh dịch và được sử dụng để vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh giao thông ở nhiều thành phố tại Trung Quốc đã bị đình chỉ.
Thuốc giúp chống được mọi loại virus
Bằng cách nhắm thẳng mục tiêu là các thụ thể của các tế bào, nơi virus sẽ xâm nhập và tiến hành phá hủy, nhóm nghiên cứu ở College London dẫn đầu bởi giáo sư Richard Pleass đã tạo ra loại thuốc có thể chống được mọi loại virus hay nói cách khác là phòng ngừa được bất kỳ đại dịch tiềm tàng nào.
Theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Journal of Immunology, nhóm nghiên cứu cho biết mấu chốt của vấn đề virus gây bệnh, chính là chúng sẽ tấn công vào thụ thể tế bào rồi phá hủy. Để giải quyết vấn đề từ phần gốc, nhóm của GS. Pleass ngăn chặn luôn bước tiến của virus trước khi kịp xâm nhập vào thụ thể tế bào.
Theo đó, các nhà khoa học sẽ tạo ra các đoạn kháng thể Fc có thể liên kết với các axit sialic, nhằm tạo ra một lớp tường thành vững chắc chống virus đi vào thụ thể tế bào. Loại thuốc mới này sẽ phòng được các bệnh lây nhiễm thông thường như nhiễm Streptococcus nhóm B, Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma genitalium và bệnh Newcastle.
Dự án này sau thời gian thử nghiệm trong phòng nghiên cứu, hiện đang được xin phép trước khi tiến hành sản xuất thương mại hóa.
Dùng thuốc cũ để chữa bệnh mới
Trong khi chờ đợi thuốc chữa trị bệnh gây ra do virus corona, Phòng thí nghiệm virus học và bệnh học con người VirPath ở Lyon (Pháp) đã tiến hành dùng thuốc cũ với cách dùng mới nhằm tìm ra cách chữa trị cơn đại dịch đang hoành hành. Theo đó, TS. Manuel Rosa-Calatrava cho biết nhóm của mình sẽ dùng các loại thuốc đã có mặt trên thị trường và phối hợp lại để trị corona.
Vài năm trước chiến lược tái định vị thuốc đã chứng minh hiệu quả khi VirPath nghiên cứu thuốc điều trị Mers-CoV. Còn hiện nay, các nhà khoa học VirPath đã xác định trong ống nghiệm hai loại thuốc có thể điều trị virus corona.
Để xác định thuốc nào sẽ phối hợp với thuốc nào, nhóm cho biết các loại thuốc có tiềm năng chống virus chưa được biết dựa theo mô hình một hoạt chất tác động đến nhiều mục tiêu tế bào, sau đó khai thác các phản ứng phụ của thuốc cho cách thức điều trị mới.
Tìm một hoạt chất mới phải mất có khi tới 10 năm. Trong khi đó, sử dụng chiến lược tái định vị thuốc sẽ rút ngắn thời gian, đặc biệt trong lúc virus corona hoành hành. TS. Manuel Rosa-Calatrava dự kiến chỉ mất vài tuần để tìm ra phương thức điều trị chống virus corona.
Google và Facebook, Twitter nhảy vào chống đại dịch
Một trong các vấn đề gây nhức nhối vào giữa mùa dịch đó chính là fake news và các mẩu tin chưa xác thực, gây nên tâm lý hoang mang và làm nhiễu loạn thông tin trong cộng đồng. Facebook, Twitter và nhiều trang mạng xã hội khác đã nhanh chóng ra tay đẩy lùi tình trạng tin giả.
Theo đó, Twitter đã ra khuyến nghị người dùng hãy theo dõi hashtag chính thức của cơ quan phòng chống dịch và tạo ra công cụ tự động đẩy các tin bài chính thống lên top tìm kiếm. Hãng cũng phải xóa bỏ những đường link giả mạo, gây nguy hại cho người dùng.
Facebook với sự phối hợp cùng 7 tổ chức y tế lớn trên thế giới đã công bố 9 bản kiểm chứng thông tin về vấn đề dịch viêm phổi Vũ Hán. Công ty tạo ra một bộ lọc tự động, sẽ gắn nhãn và đẩy thấp hạng của bài viết ở newsfeed, trang tìm kiếm… đối với những link bài sai sự thật.
Google đã kích hoạt tính năng đặc biệt khi người dùng tìm kiếm về virus trên công cụ tìm kiếm của họ. Cụ thể, khi người dùng tìm kiếm thông tin về bằng từ khóa “coronavirus” hoặc các từ khóa liên quan sẽ được trả kết quả về trang web của WHO. Trang web này sẽ cập nhật các thông tin mới nhất về đại dịch corona, cùng các hướng dẫn giúp người dùng bảo vệ mình để không bị lây nhiễm.
Đây là sự hợp tác của Google với WHO nhằm nỗ lực cảnh báo về sự bùng phát của dịch bệnh. Cảnh báo SOS của Google được giới thiệu vào năm 2017 và được kích hoạt khi có khủng hoảng, bất kể là về lĩnh vực y tế hay các thảm họa thiên nhiên.
Quang Niên/KP
Bình luận (0)