Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Công nghệ phủ sóng học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Ở các thành phố lớn, ngày nay học sinh ngay từ bậc tiểu học vận dụng công nghệ vào việc học đã trở nên phổ biến. Có nhiều người cho rằng đây là xu hướng tất yếu, ngược lại cũng có ý kiến nên xem xét cả mặt trái nếu quá lạm dụng công nghệ trong giáo dục.
Đưa công nghệ vào phục vụ giảng dạy, học tập đã trở nên phổ biến ở nhiều thành phố lớn /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Đưa công nghệ vào phục vụ giảng dạy, học tập đã trở nên phổ biến ở nhiều thành phố lớn. ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh tiểu học làm bài tập từ Google
Chị Ngô Thúy Uyên (ngụ đường Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú, TP.HCM) có con học lớp 4 một trường tiểu học tại Q.Tân Phú kể lại: “Gần đây tôi thấy buổi tối con hay nói mẹ cho con mượn máy tính để con làm bài. Thời điểm trước khi làm bài kiểm tra giữa kỳ, cô có cho một số đường link ôn tập. Các con sẽ phải truy cập vào phần mềm để trả lời trắc nghiệm các môn toán và tiếng Việt, mỗi môn 2 – 3 đề. Tôi thấy con làm bài trắc nghiệm đúng hết nhưng phần mềm cứ báo chỉ đúng 15 – 16/20 câu. Cả 2 mẹ con hì hục làm đi làm lại vẫn thế, hóa ra là do quy định về dấu chấm, phẩy hoặc dấu cách không thống nhất, chỉ cần bỏ một dấu là không tính”.
Ngoài ra, theo chị Uyên, cô còn giao làm bài tập theo nhóm, mỗi học sinh sẽ phải lên mạng tìm kiếm thông tin, hình ảnh liên quan đến các bài lịch sử, địa lý, sau đó trả lời câu hỏi rồi trình bày. Tuy nhiên, con chị loay hoay cả tiếng không thể tự làm vì chưa biết cách lựa chọn thông tin cần thiết và chính xác để tổng hợp, nên cuối cùng ba bé phải dành hơn một giờ đồng hồ để vừa làm vừa hướng dẫn con.
Chị Bùi Thị Lan, có con học lớp 4 Trường tiểu học Bế Văn Đàn, Q.Bình Thạnh cũng cho biết mình đang đau đầu về việc con phải làm bài tập về nhà bằng cách lên mạng tìm hiểu nội dung về cải cách ruộng đất để thảo luận nhóm. “Thấy con hí húi lên Google tìm kiếm cải cách ruộng đất là gì, tôi có cảm giác con đang học lớp 12 chứ không phải lớp 4. Tôi thấy hiện ra hàng loạt trang nói về cải cách ruộng đất, trong đó có nhiều bài viết có tính thóa mạ, phản động. Nếu để con đọc được thì ảnh hưởng tới nhận thức vô cùng lớn”, chị Lan bức xúc.
Theo chị Ngô Thúy Uyên, việc để học sinh tiểu học sử dụng công nghệ trong việc học là hơi quá sức. “Các con chưa được dạy kỹ năng chọn lọc và tổng hợp thông tin. Giữa một rừng thông tin tràn ngập, có những trang thiếu chính xác, có những trang nhạy cảm, nếu không có cha mẹ hỗ trợ thì rất nguy hiểm”, chị Uyên nhìn nhận.
Anh Nguyễn Văn Thanh, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, có con học lớp 4 tại một trường tiểu học tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM còn cho rằng hiện nay có rất nhiều cuộc thi trực tuyến dành cho học sinh tiểu học. “Các trường đăng ký để có phong trào, đề nghị mọi học sinh tham gia. Tuy nhiên, những câu hỏi này vượt quá tầm hiểu biết của các con. Đa số giáo viên hoặc phụ huynh làm giùm, rất hình thức. Đây cũng là một dạng lạm dụng công nghệ để làm phong trào chứ không thực sự mang lại lợi ích gì cho học sinh, không đúng với mục tiêu học tập”, anh Nam nêu quan điểm.
“Thấy vui và hay thì đưa vào”
Một giáo viên ngữ văn bậc THPT tại Q.1 (TP.HCM) nhận xét hiện nay có hiện tượng giáo viên hơi “tham” khi sử dụng công nghệ. Thậm chí có giáo viên đưa vào bài giảng của mình nhiều công nghệ nhưng khi đề cập đến việc công nghệ ấy phục vụ cho mục tiêu gì, kiến thức nào thì không biết vì cho rằng thấy vui và hay thì đưa vào. Như vậy, việc đưa các công nghệ vào bài dạy đã không hiệu quả. Do đó dẫn đến việc các tiết học trôi qua, vui và sinh động, nhưng kiến thức đọng lại nơi các em thì không có.
Đề cập đến việc lạm dụng công nghệ, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) nói, mỗi môn học sẽ có một số phần mềm hỗ trợ để tăng hiệu quả cho bài giảng. Nếu giáo viên không chú ý dễ sa đà vào các hiệu ứng không cần thiết như chữ bay, âm thanh lồng vào không phù hợp.
Trong khi đó, có giáo viên “đánh tráo khái niệm” công nghệ. Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, cho biết trong quá trình dự giờ cũng như huấn luyện giáo viên, không ít lần bà phải thẳng thắn chỉ ra việc người dạy đã sai lầm khi cho rằng “vận dụng công nghệ”. Theo bà Diễm Quyên, “giáo viên soạn bài bằng phần mềm power point, ngồi tại chỗ bấm bấm như đọc RAP và coi là sử dụng công nghệ, là sai lầm, là ngụy biện, là đánh tráo khái niệm. Đó không phải là ứng dụng công nghệ mà thay vì viết trên bảng thì thầy cô gõ trên máy tính. Lúc này, công nghệ là phương tiện giúp thầy cô bớt vất vả chứ không tăng hiệu quả dạy và học”, bà Quyên thẳng thắn nói.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cũng cho rằng phần mềm power point, máy chiếu là phương tiện và việc mở bài giảng có sẵn trên mạng để giảng cho học sinh không được coi là ứng dụng công nghệ. Mà thực sự đó là hình thức giáo viên sử dụng phương tiện công nghệ thông tin. (còn tiếp)
Ý kiến
Áp dụng cần chọn lọc
Rất nhiều phụ huynh đang muốn hạn chế con sử dụng điện thoại cũng như máy tính, không muốn con tiếp xúc nhiều gây nghiện hoặc ảnh hưởng sức khỏe, nhất là ở bậc tiểu học. Nếu giáo viên cho các con tập làm quen với việc sử dụng công nghệ để ôn tập, làm bài cũng phải hết sức thận trọng. Áp dụng công nghệ vào dạy và học là cần thiết, nhưng phải có chọn lọc. Lứa tuổi nào là phù hợp, bài học nào thì cần thiết. Chẳng hạn theo tôi, ở bậc tiểu học các con còn quá nhỏ để làm chủ được thông tin trên mạng. Việc áp dụng công nghệ ở bậc THCS, THPT phù hợp hơn vì các em cũng đã nhận thức tốt hơn”.
Trần Tâm (Hiệu trưởng Trường tiểu học Bành Văn Trân, TP.HCM)
Mỗi lứa tuổi cần ứng dụng phù hợp
Ở mỗi lứa tuổi cần ứng dụng phù hợp, tham lam quá cũng không tốt. Chẳng hạn tiểu học thì nên hạn chế, THCS và THPT, ĐH mức độ có thể tăng lên. Chúng tôi có khuyến khích học sinh lên mạng tra cứu tìm hiểu thông tin để bổ trợ cho nội dung bài giảng chứ không lấy đó là tiêu chí đánh giá. Quan trọng nhất là phải trang bị cho các em kỹ năng sử dụng công nghệ và mạng xã hội để phát huy được mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực.
Nguyễn Thanh Hải (Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, Tiền Giang)
Mỹ Quyên (ghi)
38,9% học sinh 15 tuổi Việt Nam sử dụng internet 3 – 4 giờ/ngày
Theo kết quả của dự án DKAP (Digital Kids Asia-Pacific) trẻ em với kỹ thuật số khu vực châu Á – Thái Bình Dương của nhóm tác giả Lê Anh Vinh, Phạm Đức Quang, Đỗ Đức Lân do UNESCO Bangkok hợp tác với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, học sinh (HS) Việt Nam sử dụng internet thường xuyên hơn so với những người ở Bangladesh và Fiji. Theo đó, có 38,9% HS Việt Nam sử dụng internet trong 3 – 4 giờ/ngày và 14,7% trong 5 – 6 giờ/ ngày.
Dự án DKAP tại Việt Nam thực hiện khảo sát tại 20 trường từ 5 tỉnh thành ở Việt Nam (Lào Cai, Hà Nội, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Cần Thơ), tổng số nghiên cứu là 1.061 HS 15 tuổi (lớp 10). Quá trình khảo sát được thực hiện vào tháng 9.2018. Kết quả của phía Việt Nam được so sánh với các thông số có được từ cuộc khảo sát tại Hàn Quốc, Bangladesh, Fiji.
Cũng trong báo cáo DKAP, hầu hết HS ở Việt Nam bắt đầu sử dụng internet từ rất sớm, chủ yếu từ 9 – 12 tuổi (42%) vào thời điểm HS bắt đầu học môn công nghệ thông tin trong trường, và từ 12 – 15 tuổi (28%), rất ít HS bắt đầu truy cập internet từ năm 15 tuổi (3%).
Ở các thành phố lớn, sinh viên có xu hướng bắt đầu sử dụng internet sớm hơn so với sinh viên từ các tỉnh khác. Tại Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng, tỷ lệ HS bắt đầu sử dụng internet từ 5 – 9 tuổi chiếm phần lớn (37%). Trong khi đó, hầu hết HS từ các tỉnh khác (Thái Nguyên, Hòa Bình, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Kiên Giang) sử dụng internet từ 9 – 12 tuổi (45%).
Theo Thúy Hằng/TNO

 

Bình luận (0)