Thầy Lê Minh Trung đang dạy học sinh lớp 9A3 tạo thư điện tử và gửi mail
|
“Học sinh ở đây đa phần là con nhà nghèo, đối với các em thì công nghệ thông tin (CNTT) là một cái gì đó rất xa xỉ. Vì vậy, nếu nhà trường không đầu tư CNTT thì thiệt thòi cho các em quá”, cô Nguyễn Thị Hiếu – Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP.HCM) – cho biết.
“Thầy ơi, cái này mở làm sao?”
Mới học lớp 1, lớp 2 nhưng học sinh ở các quận nội thành đã rất thành thạo với CNTT. Còn học sinh ở Trường THCS Hiệp Phước nói riêng và các huyện ngoại thành nói chung thì rất “a ma tơ”…
Thầy Lê Minh Trung – giáo viên tin học Trường THCS Hiệp Phước – tâm tư: “Đa số học sinh vào trường rồi mới biết cái máy vi tính là như thế nào, mới biết đến internet. Đã vậy mỗi tuần chỉ có 2 tiết, trong khi mỗi em chưa được học một máy nên nhiều học sinh lớp 6 học hết nửa học kỳ rồi vẫn chưa biết cái nút mở máy ở đâu. Chẳng hạn, tiết học thứ nhất học sinh A ngồi ở cái máy số 3; tiết học thứ hai, học sinh này ngồi ở máy số 15. Hai cái máy không cùng hãng nên nút mở khác nhau. Vậy là em hỏi ngay: “Thầy ơi, cái này mở làm sao?”. Học vi tính thì phải có máy để thực hành, không thể học chay nhưng ở trường chưa đủ máy, ở nhà các em lại không có máy nên học sinh ở đây thua thiệt nhiều so với các bạn ở nội thành…”.
Đúng như thầy Trung nói, phần lớn học sinh ở Trường THCS Hiệp Phước chỉ được tiếp cận với CNTT khi tới trường. Chẳng hạn như em Đặng Thanh Danh – học sinh lớp 9A3. Danh cho biết: “Lên lớp 6 em mới bắt đầu được học vi tính. Ở nhà em không có máy, chỉ khi nào đến tiết tin học ở trường hoặc ra tiệm net thì mới được sờ vào máy tính hoặc lên mạng…”. Hay như trường hợp em Nguyễn Thanh Sang – học sinh lớp 9A3. Nhà Sang có 4 chị em, để các con được tới trường, cha mẹ em (công nhân Khu công nghiệp Hiệp Phước) đã phải vất vả tăng ca hàng ngày. Vì vậy, việc cha mẹ mua một máy vi tính có kết nối internet để sử dụng thành thạo CNTT đối với Sang là chuyện không tưởng. Thậm chí Sang còn không may mắn như Danh là thỉnh thoảng được cha mẹ cho tiền ra tiệm net thực hành nên trình độ vi tính của em rất khiêm tốn… Nhưng nếu so với những ngày đầu tập tành làm quen với máy vi tính thì năng lực sử dụng CNTT hiện nay của Sang cũng như tất cả học sinh Trường THCS Hiệp Phước khác nhau một trời một vực.
Thầy Trung cho biết: “Với học sinh lớp 6, học kỳ I, các em được học những thông tin cơ bản về máy tính. Đến học kỳ II thì học gõ văn bản. Cho đến khi ra trường (học xong lớp 9), các em biết sử dụng Word, Excel, lập trình Pascal, vào mạng tìm kiếm thông tin, tạo mail, gửi thư điện tử…”.
Để trang bị cho học sinh những kiến thức này là cả một quá trình nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường, sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo phụ huynh học sinh…
Mỗi năm trang bị vài cái máy
Giờ lên lớp bằng giáo án điện tử của cô Đặng Thị Mỹ Chi |
Ở những trường phụ huynh có điều kiện thì việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng CNTT vào dạy và học không quá khó khăn. Chỉ cần một, hai năm là đã đầy đủ từ phòng học vi tính, màn hình LCD, CPU cho đến các phòng học, máy chiếu, màn chiếu, thậm chí cả bảng tương tác, phòng học 3D… Nhưng với Trường THCS Hiệp Phước, ngôi trường có tới 1/3 học sinh thuộc diện khó khăn, nhiều em suốt ngày “dọa” với giáo viên sẽ nghỉ học thì việc trang bị máy móc để phục vụ việc giảng dạy là vô cùng khó khăn.
Trong cái khó thường ló cái khôn. Nếu không thể trang bị cùng lúc thì trang bị dần dần, mỗi năm sắm một ít. Và đến nay, Trường THCS Hiệp Phước đã có được 2 phòng học vi tính, 1 phòng lab để học sinh học tiếng Anh, 2 phòng chức năng có máy chiếu và màn chiếu.
Tuy nhiên, theo cô Hiếu: “Trường có 2 phòng máy, mỗi phòng chỉ có 22 máy, trong khi mỗi lớp có từ 35-40 học sinh. Bởi vậy, học sinh vẫn phải ngồi 2 em/máy. Máy vi tính của nhà trường bắt đầu được trang bị từ năm 2006 đến nay đã hư gần hết. Cứ hư cái nào thì nhà trường lại trích một phần ngân sách và huy động sự hỗ trợ của phụ huynh để thay thế. Tuy vậy, đến nay cũng mới thay được 27/44 máy, vẫn còn 14 máy cũ chưa biết hư lúc nào. Còn 2 bộ máy chiếu và màn chiếu ở phòng chức năng cũng đang hư, thỉnh thoảng vẫn bị trục trặc kỹ thuật gây trở ngại cho giáo viên trong quá trình giảng dạy bằng giáo án điện tử…”.
Mặc dù trang thiết bị thiếu đồng bộ, có thể hư hỏng bất cứ lúc nào nhưng giáo viên của trường rất tích cực ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Trung bình mỗi tháng, mỗi giáo viên dạy giáo án điện tử với máy chiếu và màn chiếu từ 3-4 lần. Còn 2 phòng học vi tính và phòng lab học tiếng Anh thì sáng đèn liên tục. Theo đó chất lượng giáo dục của nhà trường cũng được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, năm học 2012-2013, trường có 3 giáo viên: Cô Đặng Thị Mỹ Chi (dạy môn sinh), cô Nguyễn Thị Kim Lan (dạy môn địa) và cô Phạm Thị Thúy Vân (dạy môn ngữ văn) đạt giải nhất giải Viên phấn vàng cấp huyện. Các cô sẽ đại diện cho ngành GD-ĐT huyện Nhà Bè dự thi cấp thành phố trong năm học 2013-2014. “Riêng các phòng học, để học sinh được tiếp cận nhiều hơn với CNTT, bằng nguồn xã hội hóa, nhà trường sẽ cố gắng trang bị cho tất cả 20 phòng học đều có màn hình LCD và CPU. Hiện nay mới trang bị được cho 6 phòng học. Các lớp sẽ xoay vòng để được học ở những phòng học này. Cụ thể năm nay khối lớp 6 học thì sang năm sẽ đến khối lớp 9…”, cô Hiếu cho biết thêm.
Bài, ảnh: Minh Anh
“Nhà trường cũng muốn trang bị đồng bộ cùng lúc nhưng không có kinh phí. Cách đây 3 năm, nhà trường đã làm đơn gửi lên cấp trên xin cấp kinh phí nhưng được trả lời “kinh tế đang khó khăn, nhà trường hãy chờ”. Chờ thì biết đến bao giờ nên nhà trường phối hợp với phụ huynh trang bị theo dạng cuốn chiếu. Năm học này, nhà trường rất muốn trang bị một cái bảng tương tác – nhìn giáo viên các trường bạn sử dụng bảng tương tác để dạy học mà “thèm”. Tuy nhiên, giá thành của một cái bảng tương tác đắt quá, nhà trường chưa biết có đủ kinh phí để trang bị không”, cô Nguyễn Thị Hiếu tâm sự.
|
Bình luận (0)