Công nghệ truyền thông và quan hệ công chúng là nhóm ngành của công dân toàn cầu, chiếm khoảng 3% tỷ trọng nhu cầu nhân lực toàn quốc gia. Tại các đô thị lớn, nhu cầu này lên đến 7%, nhưng ở TP.HCM, con số này là 10% – tương đương khoảng 30 ngàn người/năm. Tuy nhiên, số lượng này hiện nay mới chỉ đáp ứng được 40%.
Các chuyên gia tư vấn tham gia chương trình
Những thông tin trên được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn trực tuyến “STEP UP YOUR FUTURE” với chủ đề “Nhu cầu nhân lực trong nhóm ngành công nghệ truyền thông và quan hệ công chúng” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức mới đây, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF).
Xu hướng việc làm rộng lớn
Theo ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nguồn nhân lực), công nghệ truyền thông và quan hệ công chúng là hai ngành thuộc lĩnh vực công nghệ, mang tính đặc thù cao. Trong đó, công nghệ truyền thông được tích hợp giữa truyền thông truyền thống với công nghệ thông tin, đưa truyền thông đến một quy mô rộng lớn, ứng dụng trong truyền hình, marketing, kinh doanh sản xuất. Còn quan hệ công chúng được kết hợp giữa kinh doanh và truyền thông nhằm phát triển thương hiệu. “Hai ngành này hiện đang có sự mở rộng, được tích hợp, kết hợp với nhiều ngành nghề, mở ra những cơ hội việc làm đa dạng, rộng lớn. Các em học sinh đam mê công nghệ và kinh doanh có thể lựa chọn học hai ngành này”, ông Tuấn khuyên. Mặc dù xu hướng việc làm rộng lớn, song ông Tuấn cũng cho rằng, để có được công việc tốt thì người học cần phải giỏi nghề, có kỹ năng và kỷ luật; có khả năng hội nhập, ngoại ngữ tốt.
“Để trả lời được câu hỏi “mình là ai?”, các em có thể thông qua các bài test trắc nghiệm uy tín, xem mình thuộc tuýp người nào, so sánh với đặc điểm của ngành nghề. Hay tìm hiểu bản thân qua đánh giá, nhận định của gia đình, bạn bè, thầy cô để có cái nhìn tổng quan về bản thân…”, TS. Đào Lê Hòa An nói. |
Làm rõ hơn về triển vọng của hai ngành này, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, UEF) cho biết công nghệ truyền thông và quan hệ công chúng hiện đang phát triển rất mạnh mẽ, liên quan đến quản trị truyền thông, nhãn hiệu và sản xuất truyền thông. “Xã hội hiện nay được gọi là xã hội của truyền thông nên nhu cầu nhân lực trong hai ngành này rất lớn. Khi chọn ngành không đơn thuần là việc làm, thu nhập mà còn liên quan đến giá trị của bản thân, đạo đức xã hội, lan tỏa những thông điệp tích cực đến xã hội. Vì vậy, các em học hai ngành này càng khẳng định thêm vị trí của mình”, ThS. Nguyên khẳng định.
Tại UEF, năm 2020, ngành quan hệ công chúng được xét tuyển theo các tổ hợp toán – lý – hóa, toán – lý – tiếng Anh, toán – văn – tiếng Anh, văn – sử – địa; ngành công nghệ truyền thông xét tuyển theo các tổ hợp toán – lý – hóa, toán – lý – tiếng Anh, toán – văn – tiếng Anh, toán – văn – lý. Tất cả đều dựa theo 4 phương thức xét tuyển trong đề án tuyển sinh của trường. Khi trúng tuyển vào hai ngành này, sinh viên được doanh nghiệp tài trợ học bổng 40% học phí toàn khóa học. “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tuyển sinh năm 2020 có nhiều khác biệt so với năm 2019. Cụ thể, các phương thức tuyển sinh sẽ được các trường ĐH sử dụng nhiều hơn, thậm chí có sự đa dạng hơn trong cùng một phương thức. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa vào ĐH sẽ rộng mở hơn. Tuy nhiên, mỗi phương thức xét tuyển sẽ có những đặc thù riêng, yêu cầu riêng, thí sinh cần theo dõi trên website của từng trường”, ThS. Nguyên bổ sung.
Phải luôn có sự sáng tạo
Theo TS. Đào Lê Hòa An (chuyên gia tư vấn tâm lý), tố chất cần có để theo đuổi hai ngành công nghệ truyền thông và quan hệ công chúng là phải hướng ngoại, có khả năng làm việc giữa con người với con người, con người với máy móc, đáp ứng được với công việc. Tổng quát hơn, TS. An cho rằng để biết bản thân phù hợp với một ngành nào đó, người học cần dựa vào nhiều yếu tố tham vấn, nhưng quan trọng nhất là cần trả lời được câu hỏi “mình là ai?”. Bên cạnh đó, có thể tìm kiếm những người đang trực tiếp học tập, làm việc trong ngành nghề này để tìm hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo, tính chất công việc, áp lực công việc… “Để trả lời được câu hỏi “mình là ai?”, các em có thể thông qua các bài test trắc nghiệm uy tín, xem mình thuộc tuýp người nào, so sánh với đặc điểm của ngành nghề. Hay tìm hiểu bản thân qua đánh giá, nhận định của gia đình, bạn bè, thầy cô để có cái nhìn tổng quan về bản thân, tự đánh giá và vẽ ra chân dung về bản thân có ưu điểm, nhược điểm gì, sở thích đam mê gì, so sánh với bảng mô tả tính chất ngành nghề. Đặc biệt, các em hãy tìm hiểu thật kỹ về các hướng đi của ngành nghề, thật sự nghiêm túc trong sự lựa chọn của bản thân”, TS. An nhấn mạnh.
Tận dụng thời gian nghỉ để tích lũy thông tin về trường ĐH Trong chương trình “STEP UP YOUR FUTURE” với chủ đề “Xu hướng nghề nghiệp nhóm ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn” diễn ra mới đây, khi đánh giá tính chất khác biệt của mùa tuyển sinh năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho rằng thời gian này điều cần thiết là học sinh lớp 12 cần làm chủ thời gian học tập của mình, tăng thời gian luyện bài tập, tích lũy những thông tin tuyển sinh của các trường ĐH mình quan tâm. Với nhóm ngành du lịch – nhà hàng – khách sạn, do đây là khối ngành chiến lược của đất nước nên hiện tại có rất nhiều trường ở bậc CĐ, ĐH tuyển sinh. Theo ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo, UEF), một ngành có nhiều phương thức xét tuyển, mỗi phương thức xét tuyển lại có nhiều tổ hợp môn. Các phương thức đều được xét tuyển độc lập, thí sinh có thể sử dụng một hoặc tất cả phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, thi sinh cần cân nhắc sử dụng phương thức và tổ hợp nào là thế mạnh của mình. Riêng phương thức xét học bạ, TS. Lê Thị Thanh Mai nhận định, thí sinh nộp hồ sơ trong đợt xét tuyển thứ nhất có khả năng trúng tuyển cao hơn. Tuy nhiên, ở một số ngành như sư phạm, y… sẽ có những quy chế và yêu cầu riêng khi sử dụng phương thức xét tuyển học bạ. Thí sinh cần lưu ý thời gian mở cổng đăng ký trong phương thức này tại mỗi trường. “Thí sinh được quyền đăng ký cùng lúc nhiều phương thức xét tuyển. Dù trúng tuyển vào trường bằng phương thức nào đi nữa thì đều học chung một chương trình. Và nếu trúng tuyển bằng nhiều hình thức, thí sinh chỉ được phép đăng ký học trong một hình thức”, TS. Mai nhấn mạnh. |
Bổ sung thêm, PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà (Trưởng khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông, UEF) cho biết tố chất phù hợp với hai ngành trên trước tiên là khả năng giao tiếp tốt, có tinh thần trách nhiệm, khả năng làm việc nhóm, có khả năng nhìn nhận, phân tích vấn đề. “Bên cạnh việc nỗ lực học tập, những tố chất này các em có thể trau dồi trong quá trình tương tác, giao tiếp với thầy cô, bạn bè trên ghế nhà trường. Song song với quá trình học, từng chút một, các em hãy tích lũy thêm kỹ năng mềm để làm kỹ năng cho bản thân”, TS. Hà chia sẻ.
Từ góc nhìn thực tế, ông Trần Đình Phương (Công ty Đông Tây Promotion) cho rằng để hoạt động trong lĩnh vực công nghệ truyền thông – quan hệ công chúng, yếu tố tiên quyết đó là đam mê, cạnh đó là sự sáng tạo, luôn làm mới bản thân bằng những sản phẩm thu hút, phải chịu được áp lực và có sức khỏe tốt. “Công việc trong lĩnh vực này không phải là công việc văn phòng, rập khuôn mà luôn có sự thay đổi, làm mới để phục vụ cộng đồng. Do đó, áp lực công việc sẽ rất lớn, nếu không có đam mê, sự sáng tạo và sức khỏe tốt thì khó có thể gắn bó được”, ông Phương cho biết.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)