Học sinh Trường THPT Thủ Thiêm hào hứng đặt câu hỏi cho Ban tư vấn chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai”
|
Tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại ba trường THPT Thủ Thiêm, Nguyễn Hữu Cảnh và Võ Trường Toản (TP.HCM), các em học sinh đặt nhiều câu hỏi liên quan đến nhóm ngành công nghệ cao hiện đang được thành phố chú trọng đầu tư.
Phải dựa vào lợi thế địa phương
Tại buổi tư vấn ở Trường THPT Thủ Thiêm, em Hà Thoại Hoàng (học lớp 12A4) hỏi Ban tư vấn: “Em được biết hiện TP.HCM đã đề ra mục tiêu phát triển một số ngành công nghiệp. Vậy đó là những ngành nào? Để đảm bảo việc làm, chúng em nên học ở trường ĐH nào có chất lượng đào tạo cao?”. Đánh giá cao vấn đề mà các em học sinh quan tâm, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khẳng định: Lựa chọn ngành nghề theo định hướng của chính quyền địa phương và xu hướng phát triển của xã hội là sự lựa chọn khôn ngoan. TP.HCM là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao hoạt động có hiệu quả nhất nước nên nhu cầu nhân lực các ngành nghề đều rất phong phú, nhất là đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề cao đáp ứng được yêu cầu hoạt động và phát triển. “Trên thực tế, nguồn lao động tại TP.HCM mới đáp ứng chưa được 50% yêu cầu của các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao. Dự kiến đến năm 2020, TP.HCM sẽ có tổng cộng 22 khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 5.918ha, mục tiêu là thu hút các ngành mũi nhọn theo định hướng của thành phố và bảo vệ môi trường như: Điện – điện tử, hóa chất, cơ khí và chế biến lương thực – thực phẩm nhằm tạo động lực vững chắc cho thành phố phát triển. Do đó, việc đào tạo và nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực để ứng dụng công nghệ cao trong điều hành và sản xuất là điều đang được TP.HCM thúc đẩy”.
Nói về chất lượng đào tạo, ThS. Trần Hữu Xuân Thu, Phó trưởng khoa CĐ thực hành Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Tất cả các chương trình đào tạo của các trường đều được Bộ GD-ĐT giám sát nên sẽ có khoảng 80% là giống nhau. 20% còn lại phụ thuộc vào cơ sở vật chất, điều kiện thực hành, chất lượng đội ngũ giảng viên… nên học sinh có thể căn cứ vào đánh giá của các anh chị sinh viên đi trước để lựa chọn trường phù hợp với mình”.
Khan hiếm nhân lực công nghệ vi mạch bán dẫn
Mục tiêu của thành phố đặt ra là từ nay đến năm 2020 sẽ đào tạo khoảng 2.000 kỹ sư và kỹ thuật viên thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu trong nước vì trên thực tế nhu cầu về nhân lực vi mạch còn cao hơn rất nhiều.
|
Tại buổi tư vấn ở Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, em Vũ Quốc Tuấn Hoàng (học lớp 12A8) cho biết: “Em rất quan tâm đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn nhưng lại không thấy trường ĐH, CĐ nào đào tạo ngành này. Em nghĩ công nghệ vi mạch bán dẫn có liên quan đến các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện tử. Vậy em có thể học một trong những ngành thuộc kỹ thuật điện tử để sau này nghiên cứu, thiết kế vi mạch bán dẫn không?”.
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Từ Duy, Trưởng phòng Hướng nghiệp – Việc làm (ĐHQG TP.HCM), khẳng định: Vi mạch bán dẫn là một lĩnh vực khó, đòi hỏi người học phải có kiến thức nền tảng về khoa học và kỹ thuật. Hiện nay, việc đào tạo nhân lực ngành vi mạch chủ yếu tập trung ở Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch, thuộc ĐHQG TP.HCM (gọi tắt là ICDREC). Tuy nhiên, để trở thành kỹ sư thiết kế vi mạch, sinh viên sau khi tốt nghiệp phải trải qua khoảng 2-3 năm vừa làm vừa đào tạo vì các trường không có chuyên ngành chuyên sâu về ngành này. Các em có thể học các ngành thuộc nhóm ngành kỹ thuật điện tử như kỹ thuật điện tử truyền thông, kỹ thuật điện – điện tử, kỹ thuật cơ điện tử để có nền tảng cho việc đào tạo kỹ sư, chuyên viên vi mạch điện tử sau này.
Bổ sung thêm về nhu cầu nguồn nhân lực lĩnh vực này, ông Trần Anh Tuấn cho biết TP.HCM đang là địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và sản xuất vi mạch bán dẫn. Hiện TP.HCM có khoảng 23 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch, tuyển hơn 1.400 kỹ sư, chuyên viên mỗi năm. Các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về vi mạch đã đầu tư và mở rộng hoạt động vào thành phố như Intel, Samsung, Microsoft… Ngoài ra, một số tập đoàn khác cũng đã mua phần mềm vi mạch của Việt Nam. “Trên thực tế, nguồn nhân lực ngành này vẫn đang thiếu hụt trầm trọng và là một trong những trở ngại cho các nhà đầu tư khi mở rộng hoạt động. Mục tiêu của thành phố đặt ra là từ nay đến năm 2020 sẽ đào tạo khoảng 2.000 kỹ sư và kỹ thuật viên thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu trong nước vì trên thực tế nhu cầu về nhân lực vi mạch còn cao hơn rất nhiều. Để có thể tham gia sâu vào chuỗi công việc trọng yếu ở những tập đoàn điện tử, bán dẫn đa quốc gia, cần phải có những chương trình đào tạo nâng cao, chuyên sâu kết hợp thực hành trong những điều kiện, mô hình hiện đại trên thế giới. Vì thế, những học sinh có đủ khả năng và đam mê thì nên mạnh dạn theo đuổi ngành đòi hỏi cao về chất xám này”, ông Tuấn khẳng định.
Bài, ảnh: Linh Vy
Phải xác định đúng sở thích của bản thân
Em Vũ Ngọc Dung, học sinh Trường THPT Võ Trường Toản băn khoăn: “Em thích ngành bác sĩ thú y nhưng cũng thích ngành quản trị kinh doanh nên đang rất phân vân không biết chọn ngành nào cho kỳ thi sắp tới?”. ThS. Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn tâm lý Ý tưởng Việt, trả lời: “Em nên làm các trắc nghiệm để xác định xem mình phù hợp với ngành nào vì hai ngành này thuộc hai hướng đào tạo khác nhau. Dù với quy chế thi năm nay, em có thể dự thi nhiều môn để xét tuyển vào nhiều ngành học nhưng áp lực sẽ rất lớn. Vì vậy, tôi khuyên em cần suy nghĩ cẩn thận để đầu tư hiệu quả vào một ngành học nhất định”.
“Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”
Em Phạm Tuấn Vũ, học sinh Trường THPT Võ Trường Toản, hỏi: “Em thấy nhiều anh chị sau khi ra trường, ngoài công việc chính còn làm thêm một công việc phụ để kiếm thêm thu nhập. Sau này em có nên làm theo như thế hay không?”.
ThS. Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, cho biết: Thực tế có rất nhiều người làm thêm 1-2 công việc ngoài công việc chính mà hằng ngày họ đảm nhận. Làm việc đa nghề cũng tốt nhưng không phải ai cũng làm được điều đó, nó còn phụ thuộc vào khả năng và tố chất của mỗi người. Tuy nhiên, tôi khuyên em nên tập trung vào một nghề và phát huy hết khả năng của mình ở nghề đó. Khi khả năng của em được công nhận, em sẽ được đề bạt lên vị trí cao hơn và lúc đó vấn đề thu nhập của em không còn là mối quan tâm đáng kể nữa.
|
Bình luận (0)