Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Công nghiệp giải trí Hàn Quốc trong cuộc cách mạng AI

Tạp Chí Giáo Dục

Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngành công nghiệp K-pop trị giá hàng tỉ USD không còn là kế hoạch. Những “ông lớn” trong ngành như HYBE và SM Entertainment đang dồn toàn lực vào cuộc cách mạng công nghệ. Tuy nhiên sự trỗi dậy của AI cũng gây không ít tranh cãi.

Các tập đoàn giải trí hàng đầu theo đuổi AI

AI đang trở thành yếu tố then chốt trong hoạt động, chiến lược quảng bá của các tập đoàn giải trí hàng đầu K-pop.
Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Billboard của Mỹ, ông Bang Si-hyuk  – Chủ tịch HYPE (công ty chủ quản của nhóm nhạc BTS) – cho biết từ lâu ông đã không còn coi các nghệ sĩ bằng xương bằng thịt là thực thể duy nhất, phục vụ nhu cầu âm nhạc và thị hiếu cho khán giả. Thay vào đó, ông cho rằng AI sẽ định hình lại tương lai của K-pop, bằng chứng là dự án ra mắt ca sĩ ảo Midnatt vào tháng Năm vừa qua.

Các thành viên thực và phiên bản kỹ thuật số của nhóm nhạc nữ K-pop Aespa

Các thành viên thực và phiên bản kỹ thuật số của nhóm nhạc nữ K-pop Aespa

Dựa trên hình tượng của ca sĩ Lee Hyun, HYPE đã tạo ra Midnatt, cho phát hành đĩa đơn Masquerade bằng tiếng Hàn. Được AI hỗ trợ, đĩa đơn có nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt (phần lời tiếng Việt do ca sĩ Hoàng Dũng viết)… Dự án do HYBE IM và Công ty Supertone (HYBE đã mua lại công ty này với giá 45 tỉ won, tương đương 36,5 triệu USD, vào tháng 1/2023) thực hiện. Bước đầu của dự án được đánh giá thành công khi ca khúc Masquerade đã thu hút hơn 900.000 lượt xem trên YouTube. 

Lợi ích mang lại từ việc ứng dụng AI thể hiện rõ nhất là mức độ nổi tiếng ngày càng tăng của nhóm nhạc Aespa. Họ có mô hình độc nhất vô nhị khi các thành viên thật cùng quảng bá song song với phiên bản AI của chính họ. Theo thống kê của Popnable (bảng xếp hạng âm nhạc hàng đầu thế giới), giá trị ròng của Aespa mang về trong năm 2022 là 523.600 USD. Đó là con số vô cùng ấn tượng so với các nhóm nhạc cùng thời.

Tương tự Hàn Quốc, hầu hết các quốc gia khác cũng chưa có luật về việc trả tác quyền cho các sản phẩm do những “nhà soạn nhạc” AI tạo ra. Luật bản quyền của các nước ít coi trọng các nghệ sĩ không phải con người.

“Chúng tôi cần thêm luật liên quan đến bản quyền của các bài hát do AI sản xuất. Giờ là lúc đưa vấn đề này ra bàn thảo, do chúng tôi không có nhiều tài liệu tham khảo trong và ngoài nước nên chúng tôi phải xem xét kỹ lưỡng các trường hợp khác nhau để đưa ra giải pháp phù hợp” – nhà phê bình Kim Do-heon cho biết.

Tận dụng thành công của Aespa, SM Entertainment (công ty chủ quản của Aespa), tiếp tục có kế hoạch ra mắt ca sĩ ảo do AI sản xuất là Naevis vào năm 2024. Naevis là cái tên quen thuộc khi thường xuyên xuất hiện trong nội dung quảng bá của nhóm Aespa với tư cách là người trợ giúp. Dù thông tin chi tiết vẫn đang được giữ kín nhưng theo tiết lộ của cựu CEO công ty này là Lee Sung-soo, công ty sẽ nỗ lực để khiến Naevis trông hoàn hảo về kỹ năng vũ đạo, giọng nói và giao tiếp.

Ngoài các sản phẩm kỹ thuật số, gần đây các nghệ sĩ ảo còn thực hiện cả hòa nhạc. Điển hình là trường hợp của nhóm nhạc nữ ảo Eternity đã tổ chức các buổi hòa nhạc cá nhân đầu tiên tại Gwangmyeong trong 2 ngày 14-15/10. Đêm nhạc mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ, chứng kiến sự kết hợp hấp dẫn giữa thực tế và thực 
tế ảo.

“Thần tượng ảo sẽ tiếp tục nổi lên. Nhiều nghệ sĩ ảo vẫn đang biểu diễn các ca khúc do các nhạc sĩ K-pop viết. Nếu họ tiếp tục tận dụng công nghệ AI trong quá trình sáng tạo âm nhạc, họ có thể sẽ tạo ra một bước đột phá mới trong tương lai” – nhà phê bình âm nhạc Kim Do-heon nói với The Korea Times.

Nan giải vấn đề bản quyền

AI đã và đang tạo được sức hút trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc và không thể phủ nhận nó mang đến những bước ngoặt mới, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều lo ngại. 

Số lượng các “nhà soạn nhạc” AI ngày càng tăng, có thể tạo ra âm nhạc chỉ trong vài phút bằng cách sử dụng nguồn dữ liệu khổng lồ. Tuy nhiên, nhà phê bình âm nhạc Kim Do-heon lưu ý chất lượng chung của các sản phẩm do AI sáng tạo vẫn còn hạn chế: “Các bài hát của các “nhà soạn nhạc” AI Hàn Quốc cần đào sâu hơn về giai điệu và lời bài hát. Các mô hình chuyển văn bản thành nhạc dựa trên AI của Google, Music LM đang phát triển với tốc độ chóng mặt ở nước ngoài và giờ đây nó có thể tạo ra âm nhạc theo cảm xúc mà người dùng muốn”. 

Với các nhà soạn nhạc thì  AI là vị khách không được chào đón. Đại diện Hiệp hội Bản quyền Âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA) với hơn 47.000 thành viên đã khẳng định: AI có thể phá vỡ ngành công nghiệp âm nhạc.

Một quan chức của KOMCA nói với The Korea Times: “Rất nhiều người thích các bài hát do AI tạo ra vì chúng được sử dụng miễn phí và vì các nhạc sĩ AI có thể sản xuất âm nhạc rất nhanh chóng mà không gặp nhiều hạn chế”. Hiệp hội giải thích, sự phát triển đến mức nở rộ của các “nhà soạn nhạc” AI có thể mang lại sự hỗn loạn, gây ra mối đe dọa đối với sinh kế của các nhà soạn nhạc, khiến họ bị giảm thu nhập đáng kể. Do đó, họ đề xuất Chính phủ Hàn Quốc cần có các quy định luật pháp chặt chẽ hơn về AI, có các hướng dẫn rõ ràng để giải quyết các vấn đề như nạn vi phạm bản quyền và đạo nhạc.

Một vấn đề khác cần lưu tâm là các “nhà soạn nhạc” AI không thể nhận bất kỳ khoản tiền tác quyền nào dựa trên luật bản quyền hiện hành. Lý do là luật hiện tại chỉ công nhận những sáng tạo của con người là tài liệu có bản quyền. Điều gì sẽ xảy ra nếu AI hợp tác với con người? KOMCA tin rằng nó có thể gây ra một tranh chấp khác về quyền sở hữu bản quyền, vì không có luật nào quy định về những trường hợp như vậy. 

Theo Chung Thu Hương/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)