“Công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH – HĐH) đất nước không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp mà cần phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ. Thực tế chứng minh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu CNH – HĐH”, ông Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế Trung ương – nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình CNH – HĐH đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Hội thảo được tổ chức tại Đà Nẵng…
Áp dụng khoa học công nghệ cao để phát triển ngành công nghiệp
Phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy dịch vụ
Hội thảo tập trung đi sâu, phân tích, làm rõ kết quả đóng góp của ngành dịch vụ trong quá trình CNH – HĐH của Việt Nam trong 35 năm đổi mới; nhận diện những xu thế phát triển và vận động chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển các ngành dịch vụ trong đó bao gồm ngành dịch vụ mới trong quá trình CNH – HĐH; phát triển hạ tầng và thúc đẩy chuyển đổi số cho phát triển các ngành dịch vụ.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, cần phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy dịch vụ.
TS. Dư Phước Tân – Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM – cho rằng, để phát triển ngành dịch vụ thì phải chú trọng phát triển hạ tầng. Các địa phương phải lựa chọn ngành dịch vụ phù hợp với điều kiện, lợi thế của mình và đầu tư hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy các ngành dịch vụ này phát triển.
Ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam – cho biết, chi phí logistics của Việt Nam hiện nay chiếm 16,8%, cao hơn so với thế giới 10,8%. Hạ tầng thiếu đồng bộ làm chi phí logistics tăng. Thời gian tới cần hiện đại hóa quản trị logistics. Trong đó, cần chú trọng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành logistics. Hợp lý hóa, đồng bộ quy trình, chuỗi cung ứng logistics. Trong tái cơ cấu dịch vụ phải chú trọng vào những dịch vụ đang thiếu. Thực tế, vận tải quốc tế của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đơn vị vận tải quốc tế. Vì vậy cần chú trọng vào vận tải biển và hàng không quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tiếp tục xác định chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế Đà Nẵng theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng thành phố trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, theo đó thống nhất tập trung xây dựng phát triển thành phố trên 3 trụ cột, đều liên quan đến lĩnh vực dịch vụ và du lịch. Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm quan điểm “Phát triển văn hóa, ngang tầm với chính trị, kinh tế – xã hội gắn với phát triển du lịch” là một trong các trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban Thường vụ Thành ủy đã tiếp thu bổ sung vào quy hoạch thành phố.
Ông Quảng khẳng định, qua 25 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Đà Nẵng được đầu tư tương đối đồng bộ và toàn diện phục vụ cho các ngành dịch vụ, công nghiệp. Một số dự án đang được chuẩn bị đầu tư. Đặc biệt, thành phố đang báo cáo các bộ, ngành để trình Chính phủ Đề án trung tâm tài chính quy mô khu vực và xây dựng Đề án thành lập khu phi thuế quan.
Cần phát triển hài hòa công nghệ, nông nghiệp và dịch vụ
Theo ông Trần Tuấn Anh, CNH – HĐH đất nước không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, mà cần phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ. Đối với phát triển ngành dịch vụ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao”; trong đó có một số loại dịch vụ cần tập trung ưu tiên phát triển, như: du lịch, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, logistics, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý.
Số liệu thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm cho thấy, hiện đang chiếm trên 40% GDP. Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Thương mại điện tử cùng với các nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng rộng rãi và phát triển mạnh mẽ thay thế dần thương mại truyền thống…
Đà Nẵng tập trung phát triển dịch vụ logistics và vận tải biển
Tuy nhiên trong quá trình phát triển ngành dịch vụ có nhiều vấn đề lớn đặt ra. Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao. Hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao. Nhiều mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế nền tảng dựa trên công nghệ số, nền tảng số phát triển nhanh nhưng còn thiếu cơ chế kiểm soát đồng bộ nên gây xâm lấn và phá vỡ kết cấu kinh tế truyền thống.
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, CNH – HĐH cần dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực; đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ người dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ CNH – HĐH là sự nghiệp toàn dân. Cần phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành được các ngành dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; chú trọng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Thời gian tới cần tập trung phát triển một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới gắn phát triển du lịch với hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước. Song song với bảo tồn và phát huy vai trò của các giá trị di sản, văn hóa truyền thống. Tập trung ưu tiên hàng đầu cho phát triển dịch vụ GD-ĐT để thực hiện thắng lợi chủ trương tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT…
Vĩnh Phan
Bình luận (0)