Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Công nghiệp ô tô đang ngắc ngoải

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển ì ạch từ nhiều năm nay, dù được ưu đãi và bảo hộ, thì từ 1-1-2018 thuế suất nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam chỉ còn có 0% (miễn thuế). Phải chăng đây là cái chết đang được báo trước cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam yếu kém…

Bỏ lắp ráp, nhập khẩu xe nguyên chiếc

Công nghiệp ô tô Việt Nam với giấc mơ “nội địa hóa”, đẩy mạnh sản xuất lắp ráp ngay ở thị trường trong nước hiện đang ngổn ngang như một bức tranh vẽ dở khi liên doanh Toyota Việt Nam đã tính toán dừng sản xuất tại Việt Nam. Tập đoàn Mazda (cũng của Nhật Bản) thì tuyên bố chọn Thái Lan để đầu tư lắp ráp và cả sản xuất động cơ, cung cấp ô tô cho toàn thị trường Đông Nam Á. Còn Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) lại đầu tư mạnh cho thị trường Malaysia.
 

Người dân chọn mua ô tô tại một cửa hàng ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Nhận xét về tình hình phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay, trao đổi với báo giới, ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp EU – ASEAN, cho rằng mặc dù trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách thuận lợi để công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển, đáng chú ý là chính sách hỗ trợ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thông qua liên kết với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới; tuy nhiên đến nay, tỷ lệ nội địa hóa với ô tô lắp ráp tại Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 10% – 30%. Trong khi thời điểm bỏ thuế nhập khẩu đã cận kề, sẽ không còn nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam phát triển, cạnh tranh với các nước trong khu vực khi mà họ đã có những bước tiến cách Việt Nam cả thập kỷ. Có một khoảng cách quá lớn về năng lực sản xuất ô tô theo hướng nội địa hóa. Trong khi Thái Lan có thể sản xuất 2,3 triệu chiếc ô tô/năm thì Việt Nam trong năm 2016 chỉ mới đạt 400.000 xe.

Liệu ô tô sản xuất ở Việt Nam có thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm được sản xuất ở Thái Lan về cả giá bán lẫn chất lượng khi thuế suất giảm còn 0% là trăn trở của nhiều người dân, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách. Theo nhiều chuyên gia, với tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp ô tô trong nước hiện chỉ đạt từ 10% – 30% tùy theo dòng xe, thì khi thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc bằng 0% vào năm 2018, việc nhập khẩu phụ tùng và lắp ráp tại Việt Nam rõ ràng sẽ đắt hơn nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan hoặc Indonesia, Malaysia. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất ô tô ở Thái Lan đang có tham vọng hướng vào khai thác thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam khi dân số Việt Nam đã vượt 90 triệu người và có nhu cầu sắm ô tô cao.

Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân công nghiệp ô tô của Việt Nam tụt hậu và không có đủ năng lực cạnh tranh là vì chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn các nước. Tất cả linh kiện, phụ tùng cho sản xuất ô tô chủ yếu phải nhập khẩu nhưng Việt Nam chỉ lắp ráp chứ không sản xuất được, mà cũng chỉ lắp ráp thủ công trong khi để có thể tự động hóa như ở Thái Lan thì cần phải có công nghệ kỹ thuật cao và số lượng sản phẩm nhiều mới áp dụng tự động hóa được. Chẳng hạn như đối với dòng xe Innova của Toyota, hiện nay Việt Nam chỉ sản xuất nhiều nhất được 10.000 chiếc, với số lượng này không đủ điều kiện để tự động hóa hoặc cơ giới hóa để tăng năng suất và giảm giá thành nên giá bán cao. Nếu cứ duy trì thực trạng hiện nay, từ năm 2018, các nhà kinh doanh và sản xuất sẽ chuyển sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam bán. Có nghĩa là ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ chết.

Hiệu quả chính sách cứu vãn?

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức hội nhập và nhiều năm qua Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách thuận lợi cho công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển nhưng trong bối cảnh hiện nay, phải điều chỉnh lại cho phù hợp.

Điểm nổi bật là mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm và làm việc với Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng thời tuyên bố sẽ có chính sách mới để công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc các doanh nghiệp tư nhân trong nước liên doanh với các tập đoàn lớn trên thế giới để sản xuất ô tô là bước đi đúng đắn. Thủ tướng cũng đánh giá cao một số địa phương như Quảng Nam, Ninh Bình đã chủ động và có quyết tâm rất cao trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, nếu không thì chiến lược phát triển ô tô của Chính phủ sau nhiều lần điều chỉnh đã thất bại. Đây chính là bài học cho Bộ Công thương khi chưa tập trung chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp quan trọng này của đất nước.

Việt Nam không có tham vọng sản xuất được tất cả hơn 800 chi tiết, phụ tùng của ô tô mà hướng đi đúng đắn của các doanh nghiệp trong nước hiện nay là cần hợp tác với các tập đoàn ô tô lớn để sản xuất những phụ tùng quan trọng nhất, kể cả động cơ ô tô và động cơ của các thiết bị khác để có thể xuất khẩu đi các nước, chứ Việt Nam không thể trở thành một nước chỉ nhập khẩu ô tô hay là bãi rác ô tô cũ của thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công thương cùng với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp ô tô để tổng hợp báo cáo, đề xuất chính sách đối với ngành sản xuất ô tô và công nghiệp phụ trợ trong nước để Thủ tướng quyết định.

Còn các chuyên gia thì đề nghị, Việt Nam không nên chạy theo chiều rộng mà nên nhanh chóng chuyển sang đầu tư cho công nghiệp chế tạo, xác định phân khúc sản phẩm có thể làm và chỉ tập trung vào phân khúc này.

Tập đoàn Huyndai Thành Công là một trong số ít ỏi doanh nghiệp đang duy trì hoạt động lắp ráp và nội địa hóa ô tô lắp ráp trong nước thông qua liên kết với Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc), hiện đứng thứ hai cả nước về thị phần ô tô với sản lượng trên 36.000 xe vào năm 2016. Mặc dù đứng trước bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ và số lượng ô tô dưới 9 chỗ nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng tới 150% nhưng tập đoàn này vẫn liên doanh với Hyundai theo tỷ lệ góp vốn 50 – 50 để xây dựng một tổ hợp có thể sản xuất 160.000 ô tô con và 18.000 xe khách, xe buýt và 30.000 ô tô tải mỗi năm, với tỷ lệ linh kiện được sản xuất ở trong nước khoảng 40%.

PHÚC HẬU (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)