Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Công nghiệp phụ trợ: Doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng… bỏ cuộc

Tạp Chí Giáo Dục

Khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp còn yếu, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ không thể bứt phá ra khỏi các thị trường lân cận.

Tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lần thứ 3 tại TP.HCM chiều 1.8, ông Hiroyuki Mizunoe, chuyên gia dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật (JICA), cho biết do thiếu ngành công nghiệp hỗ trợ, nên Việt Nam kém cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực về thu hút đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp Nhật.
Công nghiệp phụ trợ là… một chuyện phim dài tập ở Việt Nam.
Theo khảo sát của tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), sức cung ứng tại địa phương đối với các doanh nghiệp Nhật về nguyên liệu và linh kiện cho các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chỉ đạt mức 28,7%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác ở châu Á: Trung Quốc là 57,7%, Thái Lan 53%, Indonesia 45%…
Theo JICA, nếu tính trung bình về tỷ lệ nội địa hoá của ngành công nghiệp Việt Nam thì mức còn rất thấp với 13,1%, trong khi đó tại Indonesia là 20,6%, Thái Lan 22,2% và Malaysia là 22,6%. Trong bảy quốc gia ASEAN có phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thì Việt Nam và Philippines lại có xu hướng đi xuống. “Việt Nam đang ở vị trí cạnh tranh ngặt nghèo trong ngành công nghiệp hỗ trợ bởi đến nay vẫn chưa bứt quá ra khỏi các nước lân cận”, ông Mizunoe cho biết.
Ông Mizunoe phân tích, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam gặp rào cản lớn để cạnh tranh, đó là phải nỗ lực vượt qua các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Indonesia, một rào cản lớn hơn nữa là Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Nhược điểm của doanh nghiệp Việt Nam là do quen với môi trường bao cấp nên tính cạnh tranh kém khi ở môi trường khắc nghiệt, đây là yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Cũng theo khảo sát của JICA thực hiện với các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, họ đánh giá doanh nghiệp Việt Nam chậm thích ứng trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt vì thế dễ dàng bỏ cuộc. Trong mô hình quản trị, thiếu sự chuyển giao quyền hạn từ lãnh đạo cấp cao đến các bộ phận nên không dễ huy động được sức mạnh tập thể. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp còn yếu. “Doanh nghiệp phát triển không chỉ có cần vốn, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam đang rất được cưng chiều và chưa rơi vào thế thật sự cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nâng cao được năng lực kỹ thuật cộng với ưu thế giá thành thấp sẽ tăng khả năng cạnh tranh nhiều lần”, ông Mizunoe nói.
Khảo sát này được JICA thực hiện nhằm thúc đẩy nguồn cung ứng địa phương cho các doanh nghiệp Nhật đang làm ăn tại Việt Nam, là một trong những hoạt động được ưu tiên hàng đầu của JICA. Theo đó dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ hỗ trợ miễn phí và thực hiện trực tiếp tại các nhà máy, cơ sở sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, mỗi dự án trong vòng ba tháng đến một năm. Tính đến nay đã có 29 doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận đã hoàn tất chương trình hỗ trợ và đang triển khai tại 22 doanh nghiệp khác.
Tuyết Ân (SGTT)

Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lần thứ 3 do trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và công ty Reed Tradex (Thái Lan) tổ chức. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ triển lãm cung

cầu công nghiệp phụ trợ lần 5 và triển lãm máy móc gia công (Metalex – Nepcon Vietnam 2012), sẽ diễn ra từ ngày 4 – 6.10.2012 tại TP.HCM. Tại triển lãm này sẽ có 50 nhà mua hàng từ Nhật và 50 nhà bán hàng từ Việt Nam được chọn tham gia để kết nối cung cầunhằm tăng cường hiệu quả cung ứng giữa các doanh nghiệp liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ.

 

Bình luận (0)