Hội nhậpThế giới 24h

Công nghiệp vũ khí Mỹ hốt bạc ở châu Âu nhờ xung đột Ukraine

Tạp Chí Giáo Dục

Nhờ xung đột kéo dài ở Ukraine, doanh số bán vũ khí quân sự của Mỹ ở châu Âu đang tăng vọt.

Công nghiệp vũ khí Mỹ hốt bạc ở châu Âu nhờ xung đột Ukraine - ảnh 1

Binh sĩ Anh trước hệ thống phóng loạt M270 MLRS. AFP

Doanh thu khổng lồ

Kể từ cuối tháng 2, khi Nga đưa lực lượng vào Ukraine, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng thêm khoảng 230 tỉ USD, riêng Đức lên kế hoạch hiện đại hóa quân đội với 100 tỉ USD trong năm nay. Ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ hưởng lợi lớn nhất từ điều này.

Hơn một nửa chi tiêu quân sự của nhiều nước châu Âu trong thời gian gần đây đã được dồn cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ. Trong đó, Na Uy dành 83% cho các lô hàng mua từ Mỹ. Anh, Ý, và Hà Lan lần lượt chi 77%, 72% và 95% cho vũ khí do Mỹ sản xuất trong giai đoạn từ năm 2017 tới năm 2021, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Tổng lượng vũ khí nhập khẩu của châu Âu đã tăng 19% trong giai đoạn 2017-2021 so với 5 năm trước đó. Và con số này vẫn chưa tính đến đợt mua vũ khí gần đây của châu Âu.

“Đây chắc chắn là mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”, Yahoo News dẫn lời ông Ian Bond, giám đốc chính sách đối ngoại tại Trung tâm Cải cách châu Âu, cho biết.

Xung đột Ukraine đã làm các quốc gia và “những người đã quen với hòa bình trong cả một thế hệ” run rẩy, ông Bond nói. Chuyên gia này chỉ ra rằng nhiều người châu Âu “về cơ bản tự thuyết phục mình rằng chiến tranh trên lục địa này là điều không thể xảy ra”.

“Nhưng giờ họ tỉnh dậy và thấy thực tế rằng không chỉ điều đó có thể xảy ra, mà còn đang xảy ra cách họ chỉ vài km", ông nói thêm.

Châu Âu tăng mạnh chi tiêu

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, chi tiêu quốc phòng ở nhiều nước trên khắp châu Âu đã giảm mạnh, nhưng điều này đang nhanh chóng thay đổi.

“Nhiều quốc gia châu Âu có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự đáng kể, trong đó bao gồm tăng cường mua vũ khí. Ở một số quốc gia, các đơn đặt hàng dự kiến sẽ được triển khai ​vào cuối thập niên này đang được đẩy nhanh”, ông Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Chi tiêu Quân sự và Vũ khí SIPRI, cho biết.

Theo ông William Hartung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quincy (Mỹ), kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, các nước châu Âu đã chi khoảng 33 tỉ USD “đề nghị” mua vũ khí, giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán vũ khí. Trong đó, khoảng 21 tỉ USD đã được đưa lên bàn đàm phán từ tháng 2.

Mặc dù một số đơn hàng vẫn chưa được ký hợp đồng, ông Hartung nói con số 21 tỉ USD vẫn thấp hơn thực tế vì chỉ tính giao dịch giữa chính phủ với chính phủ chứ không phải doanh số thương mại trực tiếp, vốn khó theo dõi hơn.

SIPRI cho biết ngay cả trước khi xung đột nổ ra, nhập khẩu vũ khí của châu Âu từ năm 2017 đến năm 2021 đã tăng 19%. “Các con số đang tăng với tốc độ nhanh chóng. Số lượng các hợp đồng vũ khí cho châu Âu đang được đàm phán kể từ tháng 2 đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, và chúng ta vẫn còn vài tháng nữa mới hết năm", ông Hartung nói.

Vì sao vũ khí Mỹ được chú ý?

Yahoo News cho rằng nhờ Tổng thống Nga Vladimir Putin, châu Âu hiện được coi là một điểm nóng cho ngành buôn bán vũ khí của Mỹ.

“Điều này được xung đột Ukraine thúc đẩy. Xu hướng này cũng đến từ việc châu Âu nhận ra rằng các kho dự trữ quốc phòng đã giảm khá nhiều trong 30 năm qua”, chuyên gia Bond nói.

Ông Bond nói thêm rằng lý do khiến nhiều quốc gia chuyển sang mua hàng từ các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ là do ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ quá lớn nên họ không cần phải chờ đợi các loại vũ khí tối tân được phát triển. Lý do khác là các quốc gia ở Đông Âu và Trung Âu “muốn kéo Mỹ về phía mình và chứng tỏ rằng họ gắn bó với liên minh Xuyên Đại Tây Dương”, bao gồm cả NATO. "Hỗ trợ các nhà sản xuất quốc phòng Mỹ là một cách để làm điều đó”, ông Bond nhận định.

Công nghiệp vũ khí Mỹ hốt bạc ở châu Âu nhờ xung đột Ukraine - ảnh 2

Các máy bay F-35 của Anh. BỘ QUỐC PHÒNG ANH

Cho đến nay, loại vũ khí Mỹ đắt tiền phổ biến nhất ở châu Âu là máy bay chiến đấu F-35. Phần Lan đã đặt hàng 54 chiếc F-35 vào năm 2020 và Ba Lan cũng đặt 32 chiếc. Na Uy, Hà Lan và Anh đặt mua tổng cộng 71 chiếc F-35. Thậm chí cả Thụy Sĩ cũng đặt 30 máy bay chiến đấu F-35 trong tháng 9, với giá hơn 6 tỉ USD.

Ông Hartung cho biết đơn đặt hàng lớn này “gây ra rất nhiều căng thẳng” với các nhà sản xuất vũ khí châu Âu vì máy bay F-35 của Mỹ thường bán chạy hơn các máy bay chiến đấu do châu Âu sản xuất.

Chuyên gia Wezeman nói những người mua cho biết F-35 có nhiều tính năng hơn các mẫu chiến đấu cơ nội địa như Eurofighter Typhoon hay Saab JAS 39 Gripen.

“F-35 tàng hình tốt hơn, sử dụng nhiều thiết bị điện tử tiên tiến, hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống mạng tiên tiến. Có thể bạn phải trả nhiều tiền hơn một chút, nhưng nhìn chung, bạn sẽ nhận được loại chiến đấu cơ được coi là tốt hơn so với sản phẩm thay thế của châu Âu”, ông Wezeman cho biết.

Dù vậy, Mỹ không dẫn đầu mọi lĩnh vực vũ khí ở châu Âu. Các quốc gia có xu hướng mua xe tăng từ Đức, pháo từ Pháp và tàu ngầm từ Đức, Pháp hoặc Anh. Song, vì có giá đắt đỏ, các máy bay F-35 thường chiếm một phần lớn trong ngân sách quốc phòng của các nước.

Với giá niêm yết khoảng 79 triệu USD/chiếc, F-35 vượt trội hơn so với các máy bay chiến đấu khác, bao gồm cả máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp. “Người Pháp không quá vui vẻ với việc các nước châu Âu khác mua F-35 từ Mỹ, và đặc biệt không hài lòng khi Đức tuyên bố vào cuối tháng 7 rằng họ muốn đặt mua 35 chiếc F-35 trong một thương vụ trị giá 8,4 tỉ USD”, ông Bond chỉ ra.

Châu Âu sẽ tiếp tục chi mạnh cho quốc phòng

Các nhà phân tích ở châu Âu cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy Đức lần nữa xây dựng sức mạnh quân sự. Theo ông Bond, Tây Đức có một trong những đội quân hùng mạnh nhất của NATO trong Chiến tranh Lạnh. Nếu Liên Xô tấn công Tây Âu, "quân đội Đức sẽ đứng đầu chiến tuyến", ông Bond nói.

Tuy nhiên, trong hơn 30 năm qua, Đức không chi tiêu nhiều cho quân sự. Đất nước này còn không đáp ứng yêu cầu của NATO về việc dành 2% GDP cho quốc phòng. Đây là điều cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều nước châu Âu khác luôn phàn nàn.

“Hầu hết chúng tôi đã cố gắng thuyết phục người Đức chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng trong một thời gian dài”, ông Bond cho biết, đồng thời nói thêm rằng năm nay chi tiêu quốc phòng của Đức sẽ đạt mốc 2% GDP, thậm chí có thể vượt qua con số này.

Thậm chí, dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng “không còn được coi là mức trần nữa. Ở các quốc gia đang cảm thấy bị đe dọa, đây chỉ là mức sàn", theo ông Bond.

Ba Lan, vốn được coi là quốc gia vệ tinh của Liên Xô sau Thế chiến II, có thể sớm dành 3% -5% GDP cho quốc phòng. Theo Security Assistance Monitor, nước này đã chi 6 tỉ USD trong năm nay chỉ để mua vũ khí của Mỹ. Chuyên gia Bond nói rằng các quốc gia khác, từ Anh đến Lithuania, từ Phần Lan đến Hy Lạp, cũng đang tăng ngân sách vũ khí của họ.

Theo Đông A/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)