Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Công nhân chế biến thủy sản “đói” việc

Tạp Chí Giáo Dục

ĐBSCL có trên 90 nhà máy chế biến thủy sản, thu hút khoảng 50.000 lao động nhưng hiện nay nhiều nhà máy chỉ hoạt động 30-40% công suất nên hàng chục ngàn công nhân thiếu việc…

Những năm trước, vào thời kỳ sau tết, các nhà máy thủy sản đều thiếu công nhân nhưng năm nay không công ty nào có nhu cầu tuyển dụng, một số nơi lại có kế hoạch giảm bớt công nhân. Ông Hồ Quốc Lực – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần chế biến thủy sản Sao Ta (Fimex VN) – cho biết: “Thiếu nguyên liệu, nhà máy hoạt động cầm chừng nên không thể không sa thải công nhân. Hiện khu vực ĐBSCL có trên 20.000 công nhân thủy sản bị mất việc”.

Nhiều đơn vị chế biến thủy sản ở Cà Mau cho biết do thiếu nguyên liệu nên chỉ hoạt động tối đa khoảng 40% công suất. Công nhân Nguyễn Thị Lan làm việc nhiều năm tại Công ty Camimex Cà Mau cho biết những năm trước lương trên 2 triệu đồng/tháng nhưng khoảng hai tháng nay nhà máy thiếu nguyên liệu, công nhân làm việc cầm chừng, mỗi ngày làm việc chỉ 3-4 giờ.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có khoảng 20.000 công nhân làm việc tại các nhà máy chế biến thủy sản nhưng hiện có rất nhiều nhà máy tiết giảm giờ làm, nhiều công nhân bị thiếu việc hoặc mất việc. Hàng loạt công ty đã phải giải quyết chế độ nghỉ việc một lần cho công nhân và dự kiến sẽ tinh giản cán bộ ở các bộ phận gián tiếp. Không ít doanh nghiệp đã phải thực hiện chế độ hỗ trợ 300.000 đồng/người/tháng cho các công nhân nghỉ việc luân phiên để họ có tiền trang trải ăn ở.

Tại Sóc Trăng, trước đây tổng số công nhân làm việc ở các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh khoảng 15.000 người thì nay chỉ còn trên 12.000 người. Ông Nguyễn Tuấn Anh – phó tổng giám đốc Công ty chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) – cho biết đã cắt giảm hàng trăm công nhân, hiện hai nhà máy sản xuất tôm chỉ còn khoảng 2.000 người. Thiếu nguyên liệu, thiếu đơn đặt hàng mới,

Công ty chế biến thủy sản Út Xi cắt giảm cả nhân viên ở những bộ phận như cán bộ kỹ thuật, văn phòng. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng tuy cố gắng duy trì các đơn hàng cũ để công nhân có việc nhưng lực bất tòng tâm vì lượng tôm nguyên liệu trong dân còn rất ít. Ông Tuấn Anh lo lắng: “Tình hình cho thấy nguyên liệu thủy sản càng khan hiếm. Nhiều khả năng từ nay đến hết quý 2-2009 nhà máy hoạt động không hết công suất, kéo theo lương công nhân bị giảm đáng kể ”.

Tại Công ty cổ phần chế biến thủy sản Sao Ta, thời điểm nhà máy chế biến tôm hoạt động đúng công suất tiêu thụ 40 tấn tôm nguyên liệu/ngày nhưng hiện nay chỉ mua được khoảng 1 tấn tôm nguyên liệu/ngày. Chính vì vậy, từ mức 2.500 công nhân, công ty đã cắt giảm 700 công nhân, còn 1.800 công nhân nhưng nhiều xưởng công nhân vào ca chỉ biết… “ngó” vài con tôm rồi về. Ông Hồ Quốc Lực than thở: “Mỗi ngày công ty tốn trên 10.000 USD cho tổng chi phí hoạt động mà chỉ sản xuất khoảng 1 tấn tôm với giá trị chừng 5.000 USD. Cứ kiểu này thì công ty sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 500 công nhân”.

Ông Đỗ Ngọc Tài – phó tổng giám đốc Công ty chế biến thủy sản Kim Anh – cho biết lượng tôm nguyên liệu của công ty mua vào chỉ bằng 1/10 so với trước đây. Công ty phải bù lương cho công nhân để đảm bảo thu nhập từ 1 triệu đồng/người/tháng trở lên nhưng không thể kéo dài mãi.

Trong khi đó, ông Võ Thanh Hùng – trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ – cho biết từ sau tết đến nay đã có 750 lao động tại các khu công nghiệp tập trung không trở lại làm việc tại các nhà máy, đa số là công nhân chế biến thuỷ sản (630 người). Theo ông Hùng, nguyên nhân chủ yếu khiến công nhân bỏ việc là do lương thấp và một số doanh nghiệp tổ chức cho công nhân nghỉ luân phiên. Ông Hùng cho biết trong quý 1-2009, một số công ty do ảnh hưởng đầu ra nên đang có kế hoạch giảm công nhân. Đó là chưa kể những doanh nghiệp cho công nhân nghỉ hưởng 70% lương.

D.KHANG – T.XUÂN – M.TÂM (TTO)

Bình luận (0)