Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Công nhận chuyển đổi giới tính: Nên hay không?

Tạp Chí Giáo Dục

Ca sĩ chuyển giới Lâm Chi Khanh luôn hạnh phúc với giới tính thật của mình (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: L.Đ.L

Mong muốn rất lớn của một bộ phận người chuyển giới hiện nay là được xã hội công nhận giới tính thật sự của mình. Thế nhưng, đó vẫn còn là một vấn đề trăn trở lớn mà họ hàng ngày đối diện và tự mình vượt qua.

Nỗi niềm biết tỏ cùng ai

Sinh ra với giới tính không mong muốn, nhiều người kỳ thị khiến cuộc sống của họ rơi vào bế tắc, không lối thoát. Từ bé, anh Nguyễn Hoàng K. đã có sở thích trang điểm, mặc đầm con gái. Lớn lên, sở thích đó ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. Oái oăm thay K. sinh ra trong một gia đình có nề nếp phong kiến nên câu chuyện của K. như một cú sốc đối với gia đình. Ba mẹ ra sức ngăn cản nhưng “con người khác” trong K. ngày càng thể hiện rõ nét. Không chịu được sự tù túng, ngột ngạt trong gia đình, K. bỏ ra ngoài thuê ở trọ với mong muốn được sống với giới tính thật sự của mình. Thế nhưng, đó là điều không mấy dễ dàng vì cái nhìn của những người xung quanh vẫn còn mang tính kỳ thị. “Từ nhỏ, tôi đã nhận ra mình không giống như nhiều bạn nam khác. Nhiều lần đi học tôi bị bạn bè chặn đánh, chế giễu, cô lập chỉ vì mình giống con gái. Lớn lên, nỗi đau đó càng lớn dần khi tôi không tìm được tiếng nói chung với mọi người trong gia đình, bạn bè. Khi đã tích lũy được một số tiền, tôi quyết định sang Thái Lan để phẫu thuật. Cho đến giờ, dù xã hội cũng đã dần có cái nhìn thoáng hơn đối với những người như tôi nhưng để được sống thật với giới tính của mình, tôi phải đối mặt với sự đau đớn và kỳ thị của xã hội.

Tâm sự của K. cũng chính là tâm sự của rất nhiều người chuyển giới nữ – nam hay ngược lại. Đa số họ đều sống rất khép mình, sợ tiếp xúc với những người xung quanh. Ngọc M. sinh ra và lớn lên ở miền Trung. M. không có những ký ức tuổi thơ ấm êm như bạn bè đồng trang lứa. Ngay từ bé, M. không có sở thích chơi búp bê, đồ hàng như bao bé gái khác. M. thích mặc đồ con trai, chơi bắn bi, chạy nhảy cùng các bạn nam. Càng lớn lên, câu hỏi “Tôi là ai?” càng day dứt trong M. Qua tìm hiểu trên mạng, đọc các tài liệu về người đồng tính, chuyển giới, song giới, M. mới nhận ra giới tính thật sự của mình. M. quyết định xa gia đình vào miền Nam sinh sống và làm việc với mong muốn tích lũy một số tiền để sang Thái Lan chuyển đổi giới tính. Đâu đó trong xã hội vẫn còn rất nhiều những mảnh đời như K., như M. Họ chỉ có một khát khao lớn nhất là được “tìm lại chính mình”.

Là người chuyển giới có gì sai?

Để được sống thật với giới tính của mình, nhiều người đã mạnh mẽ, chịu đựng bao đau đớn để sang Thái Lan phẫu thuật. Đối với những người chưa đủ điều kiện, họ áp dụng phương pháp tiêm hormon, tự sử dụng silicon bơm vào cơ thể. Trần Văn P., một thành viên của cộng đồng LBGT (tập hợp người chuyển giới nam và nữ, người song giới và chuyển giới) chia sẻ: “Dẫu biết mình phải đối mặt với những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe nhưng tôi vẫn quyết tâm sang Thái Lan để chuyển đổi giới tính của mình. Điều đó có gì là sai khi tôi chỉ muốn được sống với con người thật của mình”. Thực tế cho thấy có trường hợp vì muốn được chuyển đổi giới tính mà đôi khi, họ phải đánh cược với số phận. Rất nhiều câu chuyện đau lòng đã và đang xảy ra, gây biến chứng hoặc dẫn đến tử vong.

Luật sư Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Dù pháp luật có cấm hay không thì vẫn sẽ có rất nhiều người tiếp tục chuyển giới. Bởi, đó là nhu cầu, là mong muốn của họ. Do đó, họ cũng cần có những quy định của pháp luật để bảo vệ”. 

Hiện nay, theo dự án Bộ luật Dân sự, Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng trong trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Dù pháp luật có cấm hay không thì vẫn sẽ có rất nhiều người tiếp tục chuyển giới. Bởi, đó là nhu cầu, là mong muốn của họ. Do đó, họ cũng cần có những quy định của pháp luật để bảo vệ”.

Đối với nhiều trường hợp đã phẫu thuật để chuyển đổi giới tính, họ còn phải đối mặt với những khó khăn trong giao dịch, cuộc sống thường ngày cho đến những vấn đề liên quan đến khía cạnh pháp lý như mua bán, thừa kế, việc làm… “Pháp luật nên có những quy định rõ ràng về việc chuyển đổi giới tính, cụ thể như việc thay đổi tên gọi theo giới tính mong muốn là một nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người chuyển giới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi giới tính cũng cần có những quy định phù hợp để không gây ra nhiều sự xáo trộn xã hội”, luật sư Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.

Yên Hà

Chuyện về người huyển giới ở Thái Lan

Chuyện chuyển đổi giới tính ở Thái Lan diễn ra rất bình thường. Trong những cuộc phỏng vấn sinh viên, người ta thường được nghe các câu trả lời đại loại như: Chuyển giới à? Có nhiều người như vậy lắm. Chúng tôi không để tâm vào chuyện đó đâu. Có những trường học ở Thái, không ai đánh giá học sinh mang giới tính thứ ba. Thậm chí, các bạn nam chuyển đổi giới tính còn trông đẹp hơn cả nữ giới.

Chuyển giới ở Thái khá nhiều. Nữ giới chuyển giới không được tham gia nghĩa vụ quân sự nhưng họ vẫn làm việc trong nhiều lĩnh vực. Không thiếu những người mẫu nổi tiếng chuyển giới, thậm chí có những người thành công trong lĩnh vực giải trí như diễn viên, người dẫn chương trình…

Ở các trường ĐH, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều bạn nam ăn mặc và trang điểm như nữ giới, dáng điệu thì không khác nữ giới là bao, đôi khi còn “chuẩn” hơn. Nhiều du khách tới Thái Lan thường coi show chuyển giới và nhận xét của không ít người là người mẫu chuyển giới không chê vào đâu được. Show chuyển giới là một trong những chương trình tour không thể thiếu ở Thái Lan.

Nguyễn Võ Ngọc Quỳnh

 

Bình luận (0)